Tượng đá không đầu trong lăng mộ "bất khả xâm phạm" của Võ Tắc Thiên: Lý giải không ngờ!

16/03/2022 22:20 PM | Sống

Hơn 1.300 năm, lăng mộ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên vẫn là nơi bất khả xâm phạm, có nhiều bí ẩn khó lý giải. Trong đó, 61 bức tượng đá không đầu gây nhiều tranh cãi.

Võ Tắc Thiên (624 – 705) là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc. Ban đầu, Võ Tắc Thiên chỉ là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau đó, bà trở thành hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị và là hoàng đế của Võ Chu (trị vì từ năm 690 – 705), triều đại làm gián đoạn nhà Đường.

Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế gây nhiều tranh cãi trong lịch sử, đặc biệt là về cả công và tội. Nhiều người cho rằng Võ Tắc Thiên độc bá triều cương, quá hà khắc, thậm chí tàn nhẫn sát hại nhiều người, cuối đời còn dung túng cho hai "nam sủng" là anh em họ Trương khiến quần thần bất bình.

Thế nhưng không ít người cũng phải thừa nhận rằng nữ hoàng đế này là một nhà lãnh đạo có tài khi biết trọng dụng nhân tài, đồng thời thưởng phạt nghiêm minh, đất nước thịnh vượng, đời sống của người dân được an cư lạc nghiệp.

Việc một người phụ nữ "liễu yếu đào tơ" có thể xưng đế, thậm chí thiết lập nên cả một triều đại thịnh trị như Võ Tắc Thiên quả là một chuyện vô cùng hiếm thấy trong lịch sử.

Võ Tắc Thiên không chỉ là nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi, mà ngay cả nơi yên nghỉ của bà cũng là một trong những bí ẩn thách thức hậu thế.

 Tượng đá không đầu trong lăng mộ bất khả xâm phạm của Võ Tắc Thiên: Lý giải không ngờ! - Ảnh 1.

Võ Tắc Thiên là nữ hoàng đế đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Sau khi qua đời vào tháng 12 năm 705, Võ Tắc Thiên được hợp táng tại Càn Lăng cùng với chồng là Đường Cao Tông Lý Trị.

Càn Lăng có vị trí đắc địa trên núi Lương Sơn, huyện Càn, thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Lăng mộ lộ thiên của Võ Tắc Thiên phải mất 23 năm mới cơ bản hoàn thành, gây ấn tượng với quy mô rộng lớn, kiến trúc hoành tráng, xa hoa khi có khu phức hợp gồm lối đi dài bằng đá, bia đá tưởng niệm, cung điện ngầm bí ẩn...

 Tượng đá không đầu trong lăng mộ bất khả xâm phạm của Võ Tắc Thiên: Lý giải không ngờ! - Ảnh 2.

"Vô tự bia" là một trong những bí ẩn của Càn Lăng.

Ngoài "Vô tự bia" (bia không chữ) còn gây nhiều tranh cãi, Càn Lăng còn có 120 bức tượng đá khổng lồ, trong đó đặc biệt nhất là 61 tượng đá không đầu đầy bí ẩn.

Vì sao những tượng đá không đầu lại được đặt trong khuôn viên lăng mộ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên? Liệu đây có phải là một sự sắp xếp từ trước?

Bí ẩn này khiến nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu phải "đau đầu" để tìm kiếm lời giải đáp.

Lời giải về tượng đá không đầu: Lý giải bất ngờ?

Theo các nhà nghiên cứu, 61 bức tượng này chính là tượng của 61 vị chư hầu đã quy thuận Đại Đường thời Trinh Quán (từ năm 627 – 629), đồng thời họ cũng chính là những trọng thần đương triều.

Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, con trai bà là Đường Trung Tông đã ra lệnh khắc những tượng đá chư hầu đặt tại Càn Lăng nhằm tưởng nhớ công lao của tiên đế.

 Tượng đá không đầu trong lăng mộ bất khả xâm phạm của Võ Tắc Thiên: Lý giải không ngờ! - Ảnh 3.

Những bức tượng đá không đầu bí ẩn ở lăng mộ Võ Tắc Thiên.

Cho đến tận đầu triều đại nhà Minh (1368 – 1644), những bức tượng đá ở Càn Lăng vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau đó, 61 bức tượng đá bị mất đầu và trở thành một trong những bí ẩn ở Càn Lăng.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu cũng tìm kiếm nguyên nhân đằng sau những bức tượng đá mất đầu. Rốt cục phần đầu của những tượng đá này ở đâu?

Trên thực tế, có rất nhiều giả thuyết lý giải cho "hiện tượng" 61 bức tượng đá mất đầu.

Sau nhiều lời đồn đoán liên quan đến trộm mộ, phát hiện của hai người nông dân sống trên núi Lương Sơn đã góp phần giúp bí mật này dần hé mở. Theo đó, một ngày nọ, khi đang cuốc đất trên cánh đồng, hai người này bỗng đào thấy có đầu người điêu khắc bằng đá. Sau đó, lực lượng chức năng kết luận đây chính là phần đầu bị thất lạc của một trong 61 bức tượng đá ở Càn Lăng. Các chuyên gia sau đó cũng tìm thấy nhiều phiến đá tương tự ở khu vực xung quanh.

Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện, không chỉ có tượng hình người mất đầu, mà ngay cả tượng ngựa, đà điểu cũng có chung đặc điểm là phần cổ có kết cấu yếu. Mỗi bộ phận lại được làm từ nhiều loại đá với độ cứng khác nhau. Các chuyên gia suy đoán có thể do đá thời nhà Đường có nhiều tạp chất nên làm ảnh hưởng đến chất lượng của tượng.

Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu và phân tích những tài liệu lịch sử, các chuyên gia phát hiện tượng đá mất đầu ở Càn Lăng có thể là do thiên tai.

Cụ thể, theo ghi chép trong Minh sử, ngày 23/1/1555, có một trận động đất lớn mạnh tới 8 độ Richter xảy ra tại vùng huyện Hóa, thuộc tỉnh Thiểm Tây, khiến hơn 800.000 người thiệt mạng.

 Tượng đá không đầu trong lăng mộ bất khả xâm phạm của Võ Tắc Thiên: Lý giải không ngờ! - Ảnh 4.

Càn Lăng của Võ Tắc Thiên vẫn còn nhiều bí ẩn sau hơn 1.300 năm.

Càn Lăng nằm cách huyện Hóa hơn 100 km nên cũng chịu ảnh hưởng từ trận động đất dữ đội này. Hơn nữa, do kết cấu không vững chắc nên phần đầu của những bức tượng ở Càn Lăng mới bị vỡ và lăn xuống dưới. Cho đến bây giờ, đây có lẽ là lý giải hợp lý nhất về 61 bức tượng đá không đầu ở Càn Lăng.

Hơn nữa, Adachi Kiroku, một học giả người Nhật Bản, kể lại rằng, năm 1906, khi ông đến Càn Lăng để khảo sát thì vẫn thấy hơn 20 tượng đá bị đổ, nằm trên mặt đất. Chi tiết này càng củng cố cho giả thuyết các bức tượng ở Càn Lăng bị hư hại là do động đất.

Ngày nay, dù những bức tượng đá ở Càn Lăng không còn nguyên vẹn nhưng chúng vẫn là những minh chứng cho thấy kỹ thuật chạm khắc và sự phát triển cực thịnh của nhà Đường lúc bấy giờ.

Bài viết tham khảo nguồn: Chinatimes, QQ, Baidu

Theo Minh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM