Tường An vạch lộ trình đấu trực diện và vượt mặt Cái Lân, đặt mục tiêu chiếm ngôi vương ngành dầu ăn Việt Nam

18/06/2021 15:26 PM | Kinh doanh

Lộ trình để trở thành kẻ dẫn đầu ngành dầu ăn Việt Nam của Tường An trong tương lai cụ thể: sẽ đấu trực diện với Cái Lân ở thị trường miền Bắc trong năm 2021, chờ SCIC thoái hết vốn để sáp nhập vào Tập đoàn KIDO, chuyên tâm sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm còn marketing – bán hàng – phân phối đã có KIDO lo.

Tường An sẽ đầu tư 625 tỷ đồng để nâng cấp - mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ.
Tường An sẽ đầu tư 625 tỷ đồng để nâng cấp - mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ.

Công ty dầu Tường An đang rất thận trọng với năm 2021, khi đưa ra một kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn – các chỉ số doanh thu và lợi nhuận gần bằng năm 2020. Tuy nhiên, điều thú vị là, trong hoàn cảnh dịch bệnh bủa vây, Tường An dường như không muốn bước chậm lại trên hành trình chiếm lĩnh ngôi vương thị trường dầu ăn Việt Nam. 

Hiện tại, dầu thực vật Cái Lân (Calofic) đứng số 1 thị trường chiếm tới gần 40% thị phần với các nhãn hiệu dầu thực vật nổi tiếng như Neptune 1:1:1, Simply, Meizan,… Đứng thứ 2 là Tường An với 20%, thứ 3 là Kido – Nhà Bè với 11%.


Giá nguyên liệu tăng 67%, chuỗi cung ứng gián đoạn

Năm 2021 là năm vẫn còn nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen đối với ngành thực phẩm do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị thu hẹp, hoạt động thương mại đầu tư chưa có dấu hiệu khởi sắc, thị trường tiền tệ không ổn định.

Bên cạnh đó, dù một số quốc gia hiện nay đã tiêm ngừa Covid-19 bắt đầu mở cửa trở lại nhưng hệ thống các chuỗi cung ứng lớn trên thế giới vẫn chưa thể nối liền thông suốt, dẫn đến việc thiếu nguồn cung nguyên vật liệu, biến động giá cả, vận chuyển và logistics…

Tuy nhiên, Tường An có nhà cung cấp nguyên liệu chuyên biệt tại Indonesia và Malaysia, chuyên chở bằng tàu chuyên dụng. Mỗi chuyến hàng như vậy có thể nhập khẩu từ 10.000 đến 20.000 tấn nguyên liệu; nhờ sự chuẩn bị đầy đủ, nên việc đứt gãy chuỗi cung ứng không ảnh hưởng nhiều đến Tường An.

Ngược lại, giá nguyên liệu tăng cao liên tục mới là thứ khiến Tường An đau đầu. Theo Tổng Giám đốc điều hành Bùi Thanh Tùng, hiện tại giá nguyên liệu đang tăng 67% - cao nhất trong 10 năm gần đây, mà giá bán không thể tăng theo giá nguyên liệu, do người tiêu dùng không chấp nhận điều đó. Hơn nữa, hầu hết nguyên liệu của Tường An là nhập khẩu, nên họ không thể không thận trọng trong năm 2021.

Tường An vạch lộ trình đấu trực diện và vượt mặt Cái Lân, đặt mục tiêu chiếm ngôi vương ngành dầu ăn Việt Nam  - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc điều hành Tường An - Bùi Thanh Tùng

Thế nên, dù có 6 tháng đầu năm khả quan - ước doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thế 105 tỷ, lần lượt tăng 37% và 23% so với cùng kỳ năm trước; song Tường An vẫn chỉ đặt ra chỉ tiêu kinh doanh gần bằng với năm 2020. Cụ thể: doanh thu thuần năm 2021 là 5.266 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 232 tỷ đồng, lần lượt tăng nhẹ 0,36% và 5% so với năm 2020; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 20%.

Doanh thu thuần năm 2020 của Tường An đạt 5.247 tỷ, tăng 26,67% so với năm 2019, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 762 tỷ đồng, tăng 15,22% so với năm 2019. Trong đó, doanh thu đến từ phân khúc trung và cao cấp tăng 23% so với năm 2019.


Sẽ đấu trực diện với Cái Lân ở thị trường miền Bắc trong năm 2021

Trong năm 2021, Tường An có kế hoạch quan trọng khác là nâng cấp - mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ và Vinh. Theo đó, họ sẽ đầu tư 625 tỷ đồng cho nhà máy Phú Mỹ và 292 tỷ đồng cho nhà máy tại Vinh.

Tường An sẽ đầu tư - mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ bằng cách nâng công suất nhà máy tinh luyện và đầu tư một số hạng mục máy móc thiết bị, mở rộng kho, bồn chứa. Về nhà máy ở Vinh: sẽ mở rộng diện tích xây dựng nhà máy từ 8.800 m2 lên 17.000 m2, nâng công suất từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và logistics, đồng thời gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung.

Kế hoạch này nhằm chuẩn bị cho trận đấu trực diện với đối thủ Cái Lân ở thị trường miền Bắc trong năm 2021.

"Mục tiêu của Tập đoàn KIDO là trở thành công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam, bao gồm các sản phẩm trong ngành dầu, kem, thực phẩm và cả OEM. Mô hình sẽ là chuyên biệt hóa, các công ty thành viên chỉ chuyên sản xuất còn nguồn lực tài chính – quản trị - marketing – bán hàng (thông qua cả KIDO Shop) do Tập đoàn KIDO chịu trách nhiệm.

Hiện tại, độ mở của thị trường Việt Nam đang rất lớn, nhiều hàng hóa từ nước ngoài đang xâm chiếm thị trường quốc nội. Để có thể đạt mục tiêu nói trên, lộ trình phát triển kiểu chuyên biệt sẽ kéo dài 30 đến 40 năm, chứ không thể trong một sớm một chiều mà có thể thành công ngay.

Nhiệm vụ của Tường An nói riêng và ngành dầu nói chung là phải phát triển mạnh hơn – xa hơn, bước ra khu vực; tích hợp tất cả các nguồn lực để làm sao đưa ra nhiều sản phẩm tốt cho sức khỏe, chỉ chuyên tâm sản xuất vì các chi phí khác đã có KIDO lo. Bước đầu, sự cộng hưởng giữa kênh phân phối của KIDO và Tường An đã giúp các sản phẩm dầu ăn tăng mạnh số lượng điểm phân phối từ kênh MT, GT đến B2B", bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Thành viên HĐQT Tường An chia sẻ.

Tường An vạch lộ trình đấu trực diện và vượt mặt Cái Lân, đặt mục tiêu chiếm ngôi vương ngành dầu ăn Việt Nam  - Ảnh 2.

Ban lãnh đạo Tường An đang trả lời chất vất của cổ đông trong ĐHCĐ 2021.

Cũng theo bà Xuân Liễu, hiện tại thị trường miền Nam của Tường An đã đủ mạnh, nên họ đang có kế hoạch tiến quân ra Bắc, nhằm đối đầu trực diện với Cái Lân – doanh nghiệp đang bá chủ thị trường miền Bắc.

Ngoài việc mở rộng 2 nhà máy Phú Mỹ và Vinh, Tường An cũng đang xây dựng hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa hàng từ miền Nam ra Bắc. Trong tương lai gần, người tiêu dùng ở đây có thể thấy các sản phẩm Tường An tràn ngập trên các quầy kệ ở tất cả các kênh phân phối.

"Hiện Cái Lân đang dẫn đầu thị trường Việt Nam và miền Bắc, Tường An đứng thứ hai. Sự cạnh tranh lành mạnh là rất cần thiết vì nó tốt cho thị trường và người tiêu dùng. Tường An cũng có tham vọng chiếm lĩnh thị trường miền Bắc trong tương lai", bà Xuân Liễu nêu quyết tâm.


Tường An đang chờ SCIC thoái hết vốn để sáp nhập vào Tập đoàn KIDO

Ở khía cạnh khác, để có thể tận dụng triệt để những lợi thế của Tập đoàn KIDO cũng như khiến mô hình kinh doanh kiểu chuyên biệt hóa phát huy tối đa hiệu quả, KIDO đang có ý định sáp nhập Tường An vào tập đoàn.

"Tuy nhiên, hiện tại Vocarimex vẫn đang nắm 25% cổ phần của Tường An và Công ty vốn Nhà nước SCIC đang nắm 36,6% cổ phần của Vocarimex. Chúng tôi đang đợi SCIC thoái hết vốn khỏi Tường An thì mới có thể sáp nhập.

Ngay sau khi điều đó xảy ra, shúng tôi ngay lập tức mời tư vấn cũng như tổ chức ĐHCĐ bất thường để thông qua việc sáp nhập Tường An vào Tập đoàn KIDO", ông Trần Lệ Nguyên – Chủ tịch HĐQT dầu Tường An cho hay.

Cũng cần lưu ý, vai trò của Vocarimex và Kido trong các doanh nghiệp ngành dầu. Tính đến ngày 1/9/2020, Calofic có vốn điều lệ hơn 2.677 tỷ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn là Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex, nắm giữ 24% cổ phần) và Công ty Siteki Investment (thành viên của Tập đoàn Wilmar có trụ sở tại Singapore, nắm giữ 76% VĐL). Vocarimex là thành viên được CTCP Tập đoàn Kido (Kido Group) sở hữu 51% vốn. Vocarimex hiện cũng đang sở hữu cổ phần tại hầu hết các doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn như Tường An, Kido – Nhà Bè…

Như vậy, dù là Cái Lân hay Tường An thì Kido Group mới chính là "ông trùm" trong ngành dầu ăn khi trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ cổ phần chi phối tại tất cả các doanh nghiệp dầu ăn lớn nhất.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM