Từng thất bại với Vuivui.com, tham vọng đưa trang TMĐT Bách Hoá Xanh thành số 1 Việt Nam, tân CEO "không lương" đối mặt điều gì?
Trang Vuivui.com từng là một thử nghiệm thất bại của MWG do cạnh tranh từ thị trường. Giờ đây, mức độ khốc liệt của cạnh tranh còn hơn thế, “cuộc chơi” sắp tới của tân Giám đốc Bách Hoá Xanh thật sự không dễ dàng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa diễn ra hôm 8/4/2023, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) đã có công bố quan trọng về nhân sự mới dẫn dắt chuỗi Bách Hoá Xanh trong năm 2023.
Bách Hóa Xanh là công ty con đồng thời là ván cược tương lai của MWG, thành lập từ năm 2015. Ông Tài đã mất 15 tháng để đánh giá và lựa chọn ra Giám đốc mới (thay người cũ là ông Trần Kinh Doanh) trong 4 nhân sự chủ lực hỗ trợ ông vận hành Bách Hoá Xanh.
Và “người được chọn” là ông Phạm Văn Trọng, hiện đang đảm nhận vị trí cầu nối giữa đội mua hàng và đội siêu thị Bách Hoá Xanh.
Thực tế, ông Trọng không phải là nhân tố mới tại MWG. Ông sinh năm 1979, chuyên môn Thạc sĩ Toán tin và đã gia nhập MWG từ năm 2004, tức có hơn 18 năm làm việc ở Tập đoàn.
Thời gian đầu gia nhập MWG, ông Trọng giữ chức vị trí trưởng phòng công nghệ thông tin. Sau đó, ông giữ chức giám đốc khối công nghệ thông tin trước khi được điều chuyển làm giám đốc khối vận hành của Bách hóa xanh từ năm 2019.
Đáng chú ý, trong quá trình làm việc tại MWG, ông Trọng từng đảm nhiệm vai trò Giám đốc trang thương mại điện tử (TMĐT) vuivui.com. Đây cũng là một trong những tham vọng chưa thành của MWG ngày ấy, và hôm nay một lần nữa thử thách trở lại.
Ra mắt cổ đông, ông Trọng đã tuyên bố 5 cam kết mới của Bách Hoá Xanh, đáng chú ý là mục tiêu “Đưa Trang TMĐT Bách Hoá Xanh là số 1 Việt Nam” và “Đưa Bách Hoá Xanh hoà vốn vào năm nay”.
Ông Trọng được biết cũng là Quyền Giám đốc đầu tiên không nhận lương từ tháng sau khi chính thức nhậm chức. Ông sẽ thử thách làm không lương cho đến khi có kết quả. Trong bối cảnh thị trường rất khó khăn, trọng trách của ông Trọng trên cương vị mới tương đối lớn.
Chưa kể, với quá khứ thất bại của trang Vuivui.com do cạnh tranh từ thị trường, và đến nay sự cạnh tranh còn hơn thế, “cuộc chơi” sắp tới của tân Giám đốc Bách Hoá Xanh thật sự không dễ dàng. Dĩ nhiên, Bách Hoá Xanh có thể cần nhiều thời gian để có thể đi đến “vĩ đại” như ông Tài nói, và bao lâu thì chưa được MWG đề cập.
Thử nghiệm vuivui.com của Thế giới di động
Nhìn lại dự án Vuivui.com, xuất hiện vào khoảng cuối năm 2016, ngay thời điểm của cơn sốt thương mại điện tử (TMĐT) lên cao, Vuivui.com mang tham vọng của người cầm trịch là xâm chiếm vào thị trường tỷ đô với danh mục 50.000 sản phẩm khác nhau.
Lúc này, Vuivui.com được xem là một quyết định đầu tư có tính toán khi nhiều dự đoán cho thấy mảng B2C (Business to customer) nước ta thậm chí tăng lên hàng chục tỷ đô sau vài năm tới.
Không phủ nhận, trong buổi chia sẻ đầu tư cuối năm 2017, ông Tài khẳng định mạnh mẽ: "Theo ước tính, quy mô thị trường bán lẻ online đang chiếm khoảng 5% trong tổng ngành bán lẻ, kỳ vọng vài năm tới sẽ lên đến 20% và MWG không muốn nằm ngoài cuộc chơi này. Website thương mại điện tử Vuivui.com ra đời nhằm thực hiện mục tiêu đó và với tham vọng trở thành trung tâm TMĐT online số 1 Việt Nam".
Tham chiến là vậy, chỉ hơn 1 năm sau đó Vuivui.com đã âm thầm dừng cuộc chơi, miền website theo đó được tự động chuyển sang trang Bachhoaxanh.com. Theo sau MWG, loạt đơn vị khác cũng đóng cửa như Adayroi, Robins.vn,….
Nguyên nhân thất bại, Vuivui.com lúc bấy giờ hoạt động không hiệu quả, MWG cũng đang dốc sức cho Bách Hoá Xanh giai đoạn đầu và hơn hết là đối thủ cạnh tranh quá khốc liệt.
Bachhoaxanh.vn muốn “trở lại” sau 5 năm với áp lực đã tăng bằng lần
Và hôm nay, sau 5 năm, Bachhoaxanh.vn trở lại trong bối cảnh thị trường TMĐT vẫn tăng trưởng nóng, nhưng áp lực đã tăng bằng lần khi đối thủ ngày ấy có Lazada, Shopee… lên tầm cao mới, với những xu hướng tham vọng mới.
Trong chia sẻ cuối năm qua, ông Đặng Anh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam – tự tin: “Tôi nghĩ thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục cạnh tranh nhiều hơn nữa, nhưng dưới góc độ của Lazada thì chúng tôi đang rất sẵn sàng. Tôi có cảm giác những gì Lazada đã đầu tư, chuẩn bị trong suốt nhiều năm qua là để sẵn sàng cho ngày hôm nay”.
Lazada cũng đã phát triển mảng Logistics đa kênh và nhận là sàn TMĐT mạnh nhất về khâu hạ tầng tính đến hiện tại.
Shopee thì “không phải dạng vừa” ở khía cạnh khác. Theo báo cáo mới đây của Hệ thống Giám sát và Phân tích thông tin trên môi trường mạng (Reputa), Shopee đang ngày càng vượt mặt Lazada về độ nhận diện trên nền tảng số với Total Score bỏ xa Lazada đến 3 lần. Năm qua, Shopee chiếm gần 73% tổng doanh số 4 sàn và đạt doanh số 91.000 tỷ tại Việt Nam.
Thị trường còn xuất hiện “tay chơi” mới, TikTok Shop chỉ 1 năm gia nhập đã nhanh chóng vượt mặt Sendo, Tiki để vươn lên Top 3 các sàn TMĐT với “vũ khí” mô hình thương mại kết hợp giải trí (Shoppertainment).
"Mức doanh thu trong 1 tháng của TikTok Shop hiện tại đã tương đương 80% doanh thu cùng kì của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56,6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Đây là các con số ấn tượng mà những sàn TMĐT khác phải mất nhiều năm mới xây dựng được", Metric nhận định tại báo cáo vừa công bố hồi đầu năm.
Trở lại với Bách Hoá Xanh, không chỉ trang TMĐT, chuỗi còn đối mặt với thách thức khác là hoà vốn vào cuối năm 2023, sau nhiều lần “trễ hẹn”. Năm 2022, Bách Hoá Xanh lỗ kỷ lục với 2.961 tỷ đồng. Tương ứng, MWG đang “gánh” số lỗ luỹ kế 7.395 tỷ đồng với chuỗi này.