Từng nhận định 'không thấy có vấn đề gì' tại SCB, công ty kiểm toán Big4 bị kiến nghị làm rõ trách nhiệm
Hội đồng xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát kiến nghị Cục 03 - Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại ngân hàng SCB.
Trước đó, Hội đồng xét xử đã tuyên bố bản án với các bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát. Bà Trương Mỹ Lan nhận án tử hình, bị buộc bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 673.849 tỷ đồng.
HĐXX cũng kiến nghị Cục 03 - Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong quá trình điều tra giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan. Nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý đúng quy định.
Từ năm 2012, các báo cáo kiểm toán tại Ngân hàng SCB do 3 công ty kiểm toán lớn thực hiện, thuộc nhóm Big4 trên thị trường. Cụ thể, tại thời kỳ đầu sáp nhập, Ernst & Young thực hiện kiểm toán BCTC hợp nhất và soát xét SCB cho đến năm 2016.
Từ năm 2017 đến 2019 các BCTC kiểm toán và soát xét SCB do Deloitte Việt Nam thực hiện. Từ 2019 đến BCTC soát xét bán niên 2021 do KPMG thực hiện.
Trong BCTC soát xét bán niên 2021, lãi sau thuế của SCB được ghi nhận là 359 tỷ đồng, gấp 8,6 lần cùng kỳ. Tổng tài sản đạt 671.628 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 21.754 tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng 479.216 tỷ đồng và dư nợ cho vay khách hàng 356.882 tỷ đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của SCB thể hiện tổng tiền ngân hàng huy động và vay các tổ chức tín dụng khác là 673.586 tỷ đồng, trong đó tiền huy động từ khách hàng 511.262 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá 76.845 tỷ đồng, vay NHNN 66.030 tỷ đồng và vay từ các tổ chức tín dụng khác 6.756 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 21.036 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn của ngân hàng theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng.
Khi vụ án được điều tra, ngày 8/10/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu SCB thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ. Kết quả báo cáo rà soát, đánh giá cho thấy: SCB đã âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.
3 công ty kiểm toán hàng đầu nói gì về BCTC của SCB?
Trong báo cáo bán niên 2021, kiểm toán viên KPMG kết luận: "Chúng tôi không thấy có vấn đề gì khiến chúng tôi cho rằng báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã không phản ánh trung thực và hợp lý...".
Ở mục vấn đề cần nhấn mạnh năm 2020, KPMG lưu ý người đọc về đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2020, tầm nhìn đến 2030. Khi đó, giá trị trên sổ sách SCB có vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ đồng, lãi sau thuế sáu tháng đạt 453 tỷ đồng.
Trong 5 năm 2012 - 2016, Ernst & Young Việt Nam nhận xét báo cáo tài chính hợp nhất của SCB phản ánh trung thực và hợp lý hoặc nhất quán trên các khía cạnh trọng yếu.
Riêng 2012, kiểm toán viên của Ernst & Young Việt Nam lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới rủi ro thanh khoản ngân hàng.
"Ngân hàng có các khoản nợ đã quá hạn thanh toán bao gồm tiền vay Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi và vay TCTD khác và các khoản nợ khác.
Ngân hàng đồng thời cũng có một số khoản phải thu đã quá hạn nhưng chưa thu hồi được gây ra khó khăn về thanh khoản và hoạt động của ngân hàng...", kiểm toán viên lưu ý.
Deloitte Việt Nam, khi kiểm toán SCB từ 2017 - bán niên 2019, đều nhận xét báo cáo tài chính hợp nhất trung thực và hợp lý, nhất quán…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cựu lãnh đạo Deloitte chỉ bình luận về mặt kỹ thuật: sau các cuộc thanh tra, điều tra mới phát hiện hồ sơ ma, hồ sơ khống, còn kiểm toán trên hồ sơ có đầy đủ các tính pháp lý do đơn vị cung cấp.
Kiểm toán viên kiểm toán trên các bằng chứng do đơn vị cung cấp (các đơn vị này phải chịu trách nhiệm về những bằng chứng đưa kiểm toán viên). Nếu các hồ sơ sai thì kiểm toán viên rất khó với cách kiểm tra thông thường, khi không có điều tra, thanh tra.
Liên hệ KPMG, phía đại diện truyền thông hãng cho biết từ chối cung cấp thông tin bình luận liên quan đến cuộc điều tra, xét xử đang diễn ra tại SCB. Trong khi đó, phía Ernst & Young chưa phản hồi thông tin.