Từng hoài nghi về khả năng của Elon Musk nhưng giờ đây, người Nga vừa chính thức công nhận tên lửa tái chế chính là tương lai

06/04/2017 15:14 PM | Công nghệ

Người Nga không hề muốn tụt lại trong cuộc đua Vũ trụ của thế kỷ mớ này.

Không đâu xa, chỉ mới ngay năm ngoái thôi, các nhà khoa học tên lửa của Nga vẫn tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của những quả tên lửa tái chế - họ không tin rằng SpaceX hay Blue Origin có thể làm nên chuyện. Một trong số đó là Viện Nghiên cứu Trung tâm về Xây dựng Máy Móc, một bộ phận tập trung phát triển chiến lược tên lửa cho Roscosmos, cơ quan vũ trụ của Nga.

“Những điểm trội khả thi về mặt kinh tế của các hệ thống phóng tên lửa tái chế là không rõ ràng”, một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Nga nói hồi tháng Hai năm 2016. “Điều đầu tiên là nó sẽ phụ thuộc nhiều vào tần suất phóng tàu vũ trụ. Hiện tại, rất khó có thể phỏng đoán hướng đi nào cho thị trường dịch vụ phóng tàu vũ trụ khi những tên lửa tái chế được trở nên dễ dàng tiếp cận hơn. Những nhà thiết kế vẫn đang cố gắng tìm cách chứng minh giá sản xuất cho những hệ thống ấy và chứng minh cách thiết lập những giai đoạn tái chế để có thể tiếp tục phóng tàu lần nữa”.

Vào thời điểm phát biểu trên từ phía Nga được đưa ra, cả SpaceX và Blue Origin đều đã bắt đầu phóng lên những hệ thống tên lửa đẩy tái chế, nhưng SpaceX vẫn chưa làm được những “thành công kì diệu” mà chúng ta vẫn biết tới: họ chưa hạ cánh được trên biển hai đưa một hệ thống tên lửa tái chế hoạt động lần thứ hai. Blue Origin cũng vậy, cũng mới chỉ bắt đầu đưa hệ thống New Shepard vào thử nghiệm.

Vì thế, CEO của Roscosmos, ông Igor Komarov tự tin rằng việc giảm giá thành phóng tên lửa Proton-M của họ từ khoảng 90-100 triệu USD xuống còn 70 triệu USD sẽ là một động thái hợp lý và vẫn sẽ là những cái giá phải chăng, vẫn giữ cho Roscosmos có một chỗ đứng vững chắc trong ngành thương mại vũ trụ trong nước cũng như quốc tế.

Ông Igor Komarov.

Nhưng thành công mới đây của SpaceX – việc thử nghiệm thành công một quả tên lửa tái chế - đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của các nhà khoa học tên lửa của Nga với những quả tên lửa giá rẻ. CEO Komarov đã chúc mừng SpaceX và cá nhân Elon Musk, rằng “Đây là một bước tiến cực kì quan trọng, chúng tôi chân thành chúc mừng những người đồng nghiệp với thành tựu này”.

“Những đổi mới mà SpaceX mang lại đã khiến chúng tôi phải tập trung vào việc giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm. Đó chính là thứ cốt lõi để đảm bảo một mặt hàng có đầy tính cạnh tranh”, ông bổ sung. Những đổi mới cho bản thân mình mà CEO Kormarov đang nói tới bao gồm cả việc tái chế tên lửa.

“Chúng tôi hiện đang tiến hành những bước đầu của một dự án tên lửa có những thành phần có khả năng tái chế được”, ông Komarov nói. “Trong những thành phần ấy, chúng tôi có những động cơ có thể được dùng nhiều lần, ví dụ như Động cơ 191 hay động cơ cho tên lửa Angara. Chúng tôi cũng sẽ sử dụng những thành phần tên lửa có khả năng tái chế khác trong tương lai”.

Trên trang Ars Technica, một comment được đưa lên khung nổi bật có nội dung như sau:

Tôi chân thành chúc những nhà khoa học Nga may mắn, bởi lẽ các chương trình vũ trụ của họ hiển nhiên đã tạo hình cho sự phát triển của toàn ngành công nghiệp này, và nếu không có sự giúp đỡ từ phía họ, thảm họa Tàu con thoi Columbia sẽ khiến dự án Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS bị bỏ ngỏ khi mới chớm phát triển.

Sẽ không có một sứ mệnh tiếp tế cho ISS nào để nuôi dưỡng những công ty như SpaceX nếu như người Nga đã không tăng gấp đôi mật độ các chuyến bay vũ trụ của mình để duy trì hoạt động của ISS trong 3 năm trời đội ngũ tàu con thoi bị cấm bay (khi NASA phát hiện ra thứ đã khiến tàu con thoi Columbia nổ năm 2003 lại một lần nữa xuất hiện khi phóng tàu Discovery năm 2005, may mắn là Discovery cùng phi hành đoàn vẫn an toàn). Quả là đáng buồn nếu như ta phải chứng kiến cảnh chương trình vũ trụ của Nga tiếp tục đi xuống trong giai đoạn phát triển vũ trụ đầy hứa hẹn này.

Tuy nhiên, những báo cáo về việc thử tàu vũ trụ tại Nga đang không mấy đẹp đẽ. Hơi buồn cười khi họ lắp ngược con quay hồi chuyển đo góc (thiết bị để đo đạc độ thay đổi của góc theo thời gian) và khiến tàu Proton đâm thẳng xuống đất. Không còn buồn cười nữa khi những nhà sản xuất động cơ đã sử dụng sai loại hợp kim để tiến hành chế tạo động cơ tên lửa và gây ra thất bại của hai vụ phóng tên lửa.

Những người điều hành đã bị buộc thôi việc, những lớp người mới được thay thế, và vòng quay của lầm lỗi và sự yếu kém vẫn tiếp tục. Sự thực là họ đã bị chảy máu chất xám quá nhiều, và kết quả cuối cùng đã không mấy khả quan.

Theo Dink

Cùng chuyên mục
XEM