Từng hồ hởi với TPP, nay dệt may Việt Nam ảm đạm nhìn các đơn hàng về tay Lào, Myanmar

14/06/2016 13:42 PM | Kinh tế vĩ mô

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang khó khăn trong việc tìm đơn hàng mới. Trong khi đó, hàng loạt khách hàng đã chuyển đơn hàng đi Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng tháng 5, xuất khẩu dệt may ước đạt 1,75 tỷ USD, chỉ tăng 3,8% so với tháng 5/2015.

5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt và may mặc ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Bộ Công Thương cho biết sự tăng trưởng này chủ yếu là do sự đóng góp của các doanh nghiệp FDI trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng mới, đặc biệt là các đơn hàng sơ mi, quần, áo jacket.

Còn nhớ hồi năm ngoái, nền kinh tế cả nước, nhất là ngành dệt may hồ hởi với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia hiệp định này.

Khi những phút giây hồ hởi ban đầu qua đi, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – ông Vũ Đức Giang cho biết: Sau Quý 1/2016, hàng loạt khách hàng quen thuộc đã chủ động chuyển đơn hàng sang Lào và Myanmar.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Lý do ông Giang đưa ra là 2 thị trường nói trên được hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và châu Âu – 2 thị trường xuất khẩu dệt may hàng đầu của Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất của doanh nghiệp hết sức khó khăn do mệt mỏi với mật độ kiểm tra dày đặc của các cơ quan chức năng.

Ông Giang cho biết, nhập khẩu vải mẫu 3 - 5m cũng bị kiểm tra lên kiểm tra xuống. Tính riêng Quý 1/2016, các doanh nghiệp dệt may đã bị kiểm tới gần 140 lần.

Bên cạnh đó, lương và thưởng cũng là áp lực lớn với doanh nghiệp trong ngành.

Trả lời trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu may mặc đang gặp khó do phải chịu một số áp lực như tình trạng thiếu đơn hàng, giá cả không tăng trong khi chi phí tăng.

Trước tình hình khó khăn này, mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 của ngành dệt may Việt Nam cũng đã được điều chỉnh xuống mức trên 29 tỷ USD.

Trong khi Việt Nam đang phải cạnh tranh với Lào, Myanmar trong lĩnh vực dệt may, thì mới đây Thái Lan đã xác nhận sự sẵn sàng tham gia TPP của nước này.

Nguy cơ Thái Lan gia nhập TPP đã được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo.

“Nếu Liên minh Châu Âu (EU) đàm phán với khối ASEAN hoặc nhiều nước ASEAN khác; nếu Thái Lan, Philippines cũng là thành viên TPP; thì lợi thế đi trước của Việt Nam sẽ không còn nhiều. Cho nên, chúng ta phải nắm bắt bằng được cơ hội này”.

“Nếu không, báo cáo Việt Nam 2035 chúng tôi sẽ không dám nhìn. Bức tranh các chuyên gia chúng tôi vẽ cho Việt Nam vào năm 2035 sẽ lại trở thành giấc mơ”, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ướng (CIEM), bày tỏ.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM