Từng được Shark Bình thuyết phục "Tôi yêu em ngay từ phút đầu tiên", nhưng startup chọn về đội Shark Liên để rồi "đường ai nấy đi" sau vài tháng ngắn ngủi?
Vài tháng sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh với số vốn cam kết góp đúng như trong chương trình, CTCP dịch vụ và đầu tư Lian của Shark Liên đã không còn xuất hiện trong danh sách cổ đông của Green Joy - một thương vụ từng gây chấn động chương trình Shark Tank mùa 3.
Ngày 11/9/2019, tập 9 chương trình Tthương vụ Bạc Tỷ – Shark Tank mùa 3 đã "gây bão" cộng đồng mạng cùng với dự án Startup ống hút cỏ. Tất cả các Sharks đều đứng ngồi không yên và tranh giành nhau quyết liệt để được đầu tư cho startup này.
Võ Quốc Thảo Nguyên (Nguyên Võ) - nữ sáng lập kiêm CEO Green Joy Traw đến chương trình Shark Tank Việt Nam để kêu gọi vốn đầu tư 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần của công ty. Sản phẩm của công ty là ống hút cỏ, một giải pháp thiên nhiên tối ưu để thay thế ống hút nhựa, với tính năng dễ dàng phân hủy và an toàn cho sức khỏe người sử dụng.
Nữ sáng lập kiêm CEO của Green Joy Traw đã có 10 năm làm việc trong ngành ngân hàng, học MBA tại Châu Âu và chọn khởi nghiệp với một sản phẩm phù hợp xu hướng cùng một phần thuyết trình và số liệu mạch lạc, thuyết phục đã khiến Shark Bình chốt deal ngay từ những phút đầu tiên.
"Thôi, anh xin em, em không phải nói nữa ", Shark Bình cắt lời khi startup vẫn chưa trình bày xong.
Khi nữ CEO còn chưa hết "ngơ ngác", vị "cá mập" quả quyết: " Anh đầu tư luôn cho em. Anh không hỏi thêm gì nữa. Đây sẽ là deal ngắn nhất ở Shark Tank".
Shark Hòa Bình đề nghị được thêm 5% cổ phần và vui đùa: " Em không phải nghe thêm ai nữa. Anh yêu em từ cái nhìn đầu tiên rồi" . Khá bất ngờ vì được chốt deal nhanh không tưởng, nhưng Nguyên Võ vẫn muốn nghe thêm chia sẻ của các vị Shark khác.
Cùng quan tâm tới dự án, Shark Mạnh Dũng đề nghị 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần, kèm điều kiện Nguyên Võ phải đạt ít nhất 80% doanh thu dự kiến trong năm 2019. Trong trường hợp thất bại, Shark Dũng sẽ nắm 40% cổ phần và đây là điều kiện bắt buộc.
Shark Đỗ Liên bày tỏ hứng thú với sản phẩm của Nguyên Võ: "Tôi đánh giá cao ý tưởng của các bạn. Bạn đã biến cỏ thành tiền".
Shark Liên tỏ ra hào phóng nhất khi quyết định đầu tư mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Ngoài ra, bà sẵn sàng dành toàn bộ lợi nhuận từ Greenjoy chuyển vào quỹ "Môi trường xanh Việt Nam".
Sau những lời đề nghị hấp dẫn và màn tranh chấp quyết liệt giữa các nhà đầu tư, cuối cùng, CEO Greenjoy chấp nhận lời đầu tư của "cá mập" nữ duy nhất của chương trình. Số tiền cuối cùng hai bên chốt là 4 tỷ đồng cho 33% cổ phần GreenJoy.
Vài tháng sau khi chương trình SharkTank được phát sóng, đến tháng 02/2020, GreenJoy đã thay đổi đăng ký kinh doanh, chuyển từ mô hình công ty TNHH sang công ty cổ phần, với vốn điều lệ là 12 tỷ đồng.
Trong đó, cổ đông CTCP dịch vụ và đầu tư Lian của Shark Liên góp 4 tỷ đồng, tương đương 33,3% vốn điều lệ; CEO Võ Quốc Thảo Nguyên góp 7,8 tỷ đồng, tương đương 65% cổ phần. Số cổ phần còn lại thuộc về một cá nhân khác.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2020, GreenJoy lại đột ngột chuyển đổi mô hình công ty từ cổ phần sang TNHH, với 2 thành viên góp vốn là CEO Thảo Nguyên (chiếm 98,3% vốn góp) và một cá nhân khác.
Đáng nói, trong cơ cấu cổ đông của GreenJoy tại thời điểm chuyển đổi mô hình công ty không còn tên của CTCP dịch vụ và đầu tư Lian mà chỉ bao gồm CEO Nguyên Võ và cổ đông cá nhân kia.
Như vậy, câu chuyện "tình yêu sét đánh" trên sóng truyền hình đã không có một kết thúc có hậu, Lian và GreenJoy sau khi tìm hiểu đã "đường ai nấy đi".
Cùng với việc tham gia Shark Tank, trong năm 2019, GreenJoy từng đi tranh tài tại Blue Venture Award 2019 và giành ngôi vị á quân. Năm 2021, GreenJoy tiếp tục tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp.
Giữa tháng 11/2021, startup này là 1 trong 3 đội thi xuất sắc nhất được nhận giải thưởng Nhà đổi mới sáng tạo Quốc tế 2021 (International Innovators Award – IIA).
Trong một diễn biến khác về kinh doanh, vào tháng 12/2022, GreenJoy đã hạ vốn điều lệ từ 12 tỷ đồng xuống còn 1 tỷ đồng, trong đó, CEO Nguyên Võ vẫn nắm giữ 98,3% vốn góp.