Từng bùng nổ nhờ đại dịch, nhiều startup 'đám mây' ở Mỹ đang gặp khó trong việc phát triển

29/08/2022 14:21 PM | Kinh doanh

Sự bùng nổ của việc chuyển sang làm việc từ xa trong đại dịch đã khiến các công ty chi nhiều tiền cho những phần mềm phục vụ hoạt động này mà không thông qua quy trình như bình thường.

Cách đây vài năm, startup công nghệ Notion đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty "hot" nhất Thung lũng Silicon - sự bùng nổ được thúc đẩy bởi đại dịch. Ứng dụng Notion cho phép người dùng lên kế hoạch, ghi chú và tổ chức cuộc sống. Nó được miêu tả là tất cả mọi thứ đều có thể lưu trữ vào một không gian đám mây.

Xu hướng làm việc từ xa do đại dịch đã giúp Notion thu hút được nhiều nhà đầu tư. Năm ngoái, công ty gọi vốn thành công 275 triệu USD, nâng định giá lên 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, tháng 11/2021, sự tăng trưởng siêu tốc của họ đã bị chậm lại bởi thông tin Microsoft đang tung ra Loop – sản phẩm có chức năng và giao diện giống Notion. Loop đã được tích hợp trong Microsoft 365 - gói phần mềm dịch vụ thương mại có hơn 300 triệu người dùng trả phí tính đến tháng 4/2021.

Trên thực tế, việc "sao chép" tính năng của một ứng dụng đang nổi không còn là điều quá xa lạ trong làng công nghệ. Phần mềm phục vụ doanh nghiệp từ lâu đã bị thống trị bởi một vài gã khổng lồ nhưng trong 2 năm qua, nhiều startup đã tìm cách chiếm thị phần và đạt được thành công nhất định.

Nhờ đại dịch, một số công ty mới như Miro, Airtable và Notion đã huy động được vốn đầu tư cũng như đạt mức định giá chưa từng có. Dù vậy, những công ty này đang phải đối mặt với một thời điểm quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái như hiện nay, nhiều khách hàng của họ đang tìm cách cắt giảm chi tiêu.

Theo Business Insider, sản phẩm của các công ty mới như Notion là đối tượng bị cắt giảm đầu tiên. Một số startup đã bắt đầu sa thải nhân viên để tiết kiệm chi phí.

Jody Shapiro, CEO và người sáng lập của startup công nghệ Productiv cho biết ông đã thấy sự thay đổi trong nhu cầu sử dụng phần mềm tại nơi làm việc của khách hàng của mình.

Theo ông, sự bùng nổ của việc chuyển sang làm việc từ xa trong đại dịch đã khiến các công ty chi nhiều tiền cho những phần mềm phục vụ hoạt động này mà không thông qua quy trình như bình thường. Còn giờ đây, khi mọi người đã bắt đầu quay trở lại văn phòng nhiều hơn và các công ty có chiến lược rõ ràng hơn, họ đang tìm cách để loại bỏ những công cụ không thực sự cần thiết.

Một điều cần lưu ý là những công cụ như Asana, Smartsheet và Notion thường được sử dụng bởi các nhóm nhỏ trong công ty chứ không phải toàn bộ nhân viên, khiến chúng dễ dàng bị cắt bỏ hơn.

Từng bùng nổ nhờ đại dịch, nhiều startup 'đám mây' ở Mỹ đang gặp khó trong việc phát triển - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Một cuộc thăm dò ý kiến của Survey Monkey năm 2021 cho thấy 54% số người được hỏi cho rằng tiết kiệm chi phí là lý do chính để các công ty xem xét mua sản phẩm/dịch vụ của một đơn vị mới nổi hay một gã khổng lồ lâu đời. Điều này cho thấy  ngay cả trước suy thoái kinh tế, không ít công ty đã tìm kiếm các dịch vụ thay thế như một cách để tiết kiệm chi phí.

Có một thực tế là việc bỏ một công cụ đơn lẻ dễ dàng hơn nhiều so với một bộ công cụ trọn gói như của Microsoft, Google, Salesforce và Cisco.

Khi được hỏi về việc tung ra Loop, một phát ngôn viên của Microsoft cho biết: "Mọi người cần nhiều hơn một ứng dụng duy nhất để hoàn thành công việc. Microsoft 365 tích hợp nhiều công cụ, mang lại sự tiết kiệm chi phí và thuận tiện cho khách hàng so với việc phải ghép nhiều ứng dụng lại với nhau để tạo ra một giải pháp đầy đủ".

Một số chuyên gia nhận định rằng các startup trong lĩnh vực đám mây sẽ khó có thể tiếp tục phát triển như thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, nếu có chiến lược đa dạng hóa hay tạo ra thêm công cụ để phục vụ nhu cầu của người dùng, họ vẫn có thể kiếm được tiền.

Ví dụ, Notion đang hỗ trợ tính năng quản lý dự án đồng thời bổ sung tính năng tự động hóa để thực hiện các tác vụ đơn giản dễ dàng hơn. Còn những công ty như Miro, Figma và Canva đang tạo ra một danh mục công cụ trực quan mới nhằm vào các nhóm làm việc từ xa.

Nguồn: BI

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM