Từng bị Shark Linh nhận xét "thiết kế cơ bản, giá đắt, thị trường nhỏ", startup đồ ngủ Emwear giờ ra sao?

24/07/2023 15:44 PM | Kinh doanh

2 năm kể từ khi lên sóng Shark Tank, CEO Nguyễn Thị Thùy Trang đã đưa Emwear đạt cột mốc 1 triệu USD doanh thu. Hiện nay, cô đang thử sức với mô hình fast fashion được giới thiệu là lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chất lượng chuẩn Zara nhưng giá trung bình chỉ 250.000 đồng.

Từng bị Shark Linh nhận xét "thiết kế cơ bản, giá đắt, thị trường nhỏ", startup đồ ngủ Emwear giờ ra sao? - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Thùy Trang – Founder & CEO của Emwear trên chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 1.

Với định hướng kinh doanh thời trang đồ ngủ cho phái nữ, Emwear là một trong những startup gây ấn tượng trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên, lên sóng hồi cuối năm 2017.

Nguyễn Thị Thùy Trang – Founder & CEO của Emwear cho biết đối tượng khách hàng của doanh nghiệp này là những người trong độ tuổi 20-35, thu nhập ít nhất 8 triệu đồng/tháng, sống tại các thành phố lớn. Ở thời điểm lên sóng, doanh thu 3 tháng gần nhất của Emwear là 840 triệu đồng, tăng trưởng hàng tháng 54%, có lượng khách hàng trung thành đáng kể.

Theo đánh giá của nữ CEO, thị trường thời trang ở nhà cho phụ nữ rất lớn, có thể đạt 500 triệu USD. Nếu có khả năng đưa ra những thị trường gần giống Việt Nam thì quy mô có thể lên tới tỷ USD.

Thương vụ này đã được 4/5 nhà đầu tư tranh giành quyết liệt. Cuối cùng, Thùy Trang quyết định bắt tay với Shark Trần Anh Vương, nhận về 2 tỷ đồng cho 25% cổ phần. Shark Thái Vân Linh là người duy nhất không tham gia đàm phán.

Thực sự đối với chị, những sản phẩm này không quá đặc biệt, thiết kế cơ bản. Chị thấy giá này hơi đắt. Thị trường với giá này sẽ nhỏ. Nếu đưa ra nước ngoài, với thiết kế cơ bản và giá này thì khó để bán hàng. Chị quyết định không đầu tư”, Shark Linh nhận xét.

Từ số vốn khởi nghiệp 7,5 triệu đồng đến cột mốc 1 triệu USD doanh thu

Emwear được thành lập vào tháng 2/2016. Theo lời kể của Thùy Trang, cô bắt đầu startup này chỉ với 7,5 triệu đồng, phải chạy xe máy từ Bình Thạnh qua quận 5 tìm mua vải, rồi vòng về quận 12 để may, cuối cùng vòng về Bình Thạnh giao hàng.

3 tháng đầu tiên cực kỳ khó khăn vì tôi không thể bán được hàng cho người lạ, phải "chai mặt" năn nỉ người thân, bạn bè mua giùm và góp ý. Lúc đó, sản phẩm rất mới nên việc không có người mua cũng bình thường, chưa kể thiết kế của mình cũng chưa đẹp và nhiều thứ chưa hoàn thiện. Nhưng tôi phải tìm mọi cách để bán được hàng, còn có tiền quay vòng để tồn tại”, Thùy Trang trả lời truyền thông vào tháng 9/2022.

Khi được hỏi mục tiêu tham gia Shark Tank là nhằm quảng bá hay thực sự muốn gọi vốn đầu tư, Thùy Trang khẳng định cô muốn gọi vốn thật.

Shark Tank là chương trình gọi vốn thật, hoặc ít nhất trong cảm nhận của tôi ở mùa 1 là 100% thật. Mùa 1 thì trước khi lên sóng có mấy ai biết đâu. Thậm chí trước đó tôi cũng chẳng biết các Shark là ai, họ sẽ hỏi gì”, nữ CEO thẳng thắn.

Quyết định về đội Shark Vương dường như là bước ngoặt đối với Emwear. Không chỉ được hỗ trợ về vốn, Thùy Trang còn được tư vấn vạch ra mục tiêu rõ ràng cho doanh nghiệp, quan trọng nhất là tìm được những người đồng hành cùng chí hướng.

Đầu tháng 2/2021, Shark Tank Việt Nam tiết lộ Emwear đã tăng doanh thu gấp 5 lần, đạt cột mốc 1 triệu USD đầu tiên bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, nhờ sự phát triển mạnh trên kênh bán online. Ngoài sản phẩm chính là đồ ngủ, Emwear cũng phát triển thêm nhiều trang phục khác cho phái nữ.

Lúc lên Shark Tank, doanh thu của Emwear chỉ hơn 200 triệu đồng/tháng. Khi đó, mục tiêu của tôi rất đơn giản là đạt được 1 triệu USD trong 3 - 5 năm tiếp theo. Đối với tôi, bán được 1,8 tỷ đồng/tháng lúc đó là rất to. Nhưng chỉ 2 năm sau tôi đã đạt tới con số đó.

Đúng là con số đó không lớn, nhưng đối với tôi thì rất ý nghĩa vì đấy là một cột mốc tôi đặt ra khi công bố trên Shark Tank – thời điểm tôi cũng chưa biết phải làm như thế nào để đạt được”, Thùy Trang kể lại.

Từng bị Shark Linh nhận xét "thiết kế cơ bản, giá đắt, thị trường nhỏ", startup đồ ngủ Emwear giờ ra sao? - Ảnh 2.

Lấn sân sang mô hình fast fashion

Cuối năm ngoái xuất hiện thông tin Thùy Trang đã cho ra mắt một mô hình fast fashion có tên Dawn, được giới thiệu là lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Hoạt động của Dawn là sản xuất và bán các sản phẩm thời trang nữ, chỉ bán online, với điểm nhấn là tốc độ ra mẫu mới siêu nhanh, thậm chí việc này có thể tiến hành hàng ngày. Hơn nữa, dù sản phẩm đều được thiết kế nhưng lại có giá rất rẻ, trung bình chỉ khoảng 250.000 đồng cho loạt hàng đầu tiên.

Theo Thùy Trang, Dawn được sản xuất theo chất lượng chuẩn Zara nhưng giá chỉ bằng một nửa so với những sản phẩm local brand khác cùng phân khúc. Hiện tại Dawn mới có nền tảng website, Facebook, TikTok, dự kiến sẽ có ứng dụng trên điện thoại để tăng trải nghiệm cho người dùng.

CEO của Emwear hiện đã kêu gọi cộng tác viên cùng hợp tác để phát triển Dawn, cũng như tuyển dụng và liên kết với các KOL/KOC để quảng cáo. Một trong những chiến lược của Dawn là chọn cả những KOL/KOC không quá nổi, thay vì chọn một người có chi phí cao hơn.

Trên thực tế, việc cho ra thiết kế mới hàng ngày như kiểu của Shein rất khó thực hiện bởi cần tạo dựng một chuỗi cung ứng đặc biệt, đồng thời nắm rõ nhu cầu người dùng. Tuy nhiên, nếu vận hành thành công, mô hình này sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM