Từ Viettel đến chuyện đưa hàng Việt về nông thôn
Con đường đến doanh thu hơn 10 tỷ USD của Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) sẽ không bắt đầu được nếu không có những chiến lược đầu tiên, mà tựu chung là chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”.
Khi Viettel chân ướt chân ráo bước vào cuộc chơi viễn thông, thị trường lúc bấy giờ do hai ông lớn MobiFone và VinaPhone thống trị. Không chọn cách đối đầu trực tiếp, Viettel đi đường vòng, về phủ sóng khu vực nông thôn.
Nhờ đó tập đoàn này đã chiếm gần trọn thị phần nông thôn trong khi các nhà mạng khác mải mê thành phố mà bỏ lơ nhóm khách hàng vốn chiếm 80% dân số. Không chỉ đầu tư ở nông thôn, Viettel còn chú trọng đến những phân khúc khách hàng thu nhập thấp hoặc chưa có thu nhập như sinh viên.
Ở phân khúc này, mức cước của Viettel thu không đáng kể. Tuy nhiên, đây chính là nguồn đầu tư cho tương lai của Viettel. Chính việc đầu tư bài bản và có phần ngược chiều so với những nhà mạng khác đã giúp Viettel đạt doanh thu và lợi nhuận “khủng”. Năm 2015, tập đoàn này đạt doanh thu khoảng hơn 10 tỷ USD và lợi nhuận hơn 2 tỷ USD.
Khi Viettel đã xây vững thành trì nông thôn và “dạy” người dân nơi đây cách dùng điện thoại di động, các nhà mạng khác mới hốt hoảng nhìn thấy nguy cơ thì đã muộn...
Từ Viettel đến câu chuyện hàng Việt về quê
Báo cáo quý II/2016 của Nielsen cho biết nông thôn tiếp tục là thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh với mức tăng trưởng của 12 tháng gần nhất tính từ tháng 6/2015 đến hết tháng 6/2016 đạt 7,6%.
Cũng theo Nielsen, dân số khu vực nông thôn ở Việt Nam khoảng 61,2 triệu người, tuy nhiên hiện chỉ có 54% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh đến từ nông thôn. Như vậy, có thể nhận thấy dư địa của khu vực này còn rất lớn.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự khai phá hết các cơ hội tiềm ẩn tại thị trường nông thôn,” ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhận xét.
Thực ra, từ trước, Chính phủ đã có những mục tiêu cụ thể để phát triển thương mại nông thôn. Như đề án “Phát triển thương mại nông thông giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020” phê duyệt ngày 6/1/2010.
Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công thương đã phê duyệt 3 dự án đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý chợ, hộ kinh doanh và chủ nhiệm hợp tác xã từ các tỉnh thành trong cả nước.
Hay đến ngày 30/6/2015, Thủ tướng đã ban hành quyết định số 964/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo giai đoạn 2015 – 2020.
Mục tiêu của chương trình là phấn đấu đến năm 2020 đạt mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xam giai đoạn 2015 – 2020 khoảng 10 – 20%. Phát triển các sản phẩm hàng hoá có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế miền núi.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết việc đưa hàng hoá về nông thôn đối với họ phần nhiều vì nghĩa vụ, mục tiêu chính sách nhà nước, bởi nếu không được nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ gặp khó nhiều khó khăn.
Quả thực, việc mở rộng, đưa hàng hoá về nông thôn theo nhận định của các chuyên gia kinh tế đều mang theo những thách thức, ví dụ như chi phí vận chuyển cao vì thị xã nằm phân tán. Do đó, điều quan trọng đối với các nhà sản xuất là phải có kế hoạch tập trung đầu tư thích hợp để mở rông kinh doanh đến những vùng này. Một số vùng nông thôn trọng điểm nhất định sẽ có triển vọng cao hơn so với những vùng khác nên việc xác định được những vùng trọng điểm đầu tư trở nên rất quan trọng để đảm bảo tối đa hiệu quả kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại câu chuyện của Viettel, có thể thấy nông thôn là một thị trường tiềm năng, ít cạnh tranh với những ông lớn nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước có thể chiếm được miếng bánh đang bỏ trống này, hàng Việt hẳn nhiên có thêm lớp thành trì kiên cố trước những cơn sóng ngoại lai.