Từ viên cảnh sát nghĩ mình là người đồng tính duy nhất đến CEO của app hẹn hò đồng tính có 49 triệu người dùng
Qua đợt IPO mới đây tại Mỹ, BlueCity của Ma Baoli đã huy động được khoảng 85 triệu USD.
Khi là một thanh niên trẻ sống ở Trung Quốc, Ma Baoli từng nghĩ rằng mình là người đồng tính duy nhất trên thế giới. Ông kể lại: "Thời đó mạng internet chưa phát triển và tôi không thể nào tìm được bạn trai. Lúc này, mọi người chỉ viết thông tin hẹn hò trên tường nhà vệ sinh công cộng. Thật là một thời đại khốn khổ".
Nhưng sự phát triển của internet đã thay đổi mọi thứ, giúp mọi người dễ dàng truy cập vào mọi thứ cũng như mang đến cách mới để cộng đồng LGBTQ+ gặp gỡ và tương tác với nhau.
Năm 2000, khi còn làm cảnh sát toàn thời gian, Ma đã thành lập một trong những diễn đàn đồng tính trực tuyến sớm nhất và có ảnh hưởng nhất của Trung Quốc là Danlan.org dưới bí danh Geng Le.
Trang web này có nghĩa là "thành phố màu xanh" trong tiếng Trung. Nó đã mở đường cho khoản đầu tư mạo hiểm mang tên BlueCity của Ma sau này. Ngày 8/7 vừa qua, công ty này đã tạo nên lịch sử khi là mạng xã hội đồng tính nam đầu tiên trên thế giới giao dịch trên sàn chứng khoán.
BlueCity vừa IPO tại Mỹ ngày 8/7 vừa qua.
Cổ phiếu của BlueCity (sở hữu ứng dụng hẹn hò Blued nổi tiếng) đã tăng tới 124% sau khi ra mắt trên sàn chứng khoán Nasdaq, với mức giá chốt phiên là 23,43 USD/cổ phiếu. Qua đợt IPO tại Mỹ, BlueCity huy động được khoảng 85 triệu USD.
Trong một cuộc phỏng vấn, Ma – nhà sáng lập và CEO của BlueCity cho biết anh rất lạc quan về triển vọng mở rộng ra nước ngoài của công ty dù gần đây xuất hiện phản ứng chống lại các công ty công nghệ Trung Quốc tại một số thị trường lớn như Mỹ và Ấn Độ. Bằng cách IPO tại Mỹ, Ma nói rằng ông hy vọng công ty có thể đem đến hình ảnh tốt về chứng khoán Trung Quốc.
Tuần trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok và WeChat, sau cuộc xung đột biên giới chết chóc giữa quân đội hai bên. Thượng viện Mỹ cũng mới thông qua một dự luật vào tháng 5 khiến các công ty Trung Quốc khó niêm yết ở nước này.
Ra mắt vào năm 2012, Blued hiện có hơn 49 triệu người dùng đăng ký và 6 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, trở thành một trong những nền tảng LGBTQ+ hàng đầu thế giới.
Tuy là ứng dụng hẹn hò lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc nhưng gần một nửa số người dùng hoạt động hàng tháng của họ đến từ bên ngoài thị trường quê nhà. Blued cũng là ứng dụng hẹn hò đồng tính dẫn đầu thị trường ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam vào năm 2019, theo báo cáo của Frost & Sullivan .
So với các ứng dụng Trung Quốc khác như TikTok, Blued đã không chịu nhiều sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý quốc tế. Tuy vậy, năm ngoái, họ đã tạm dừng cho phép người dùng mới đăng ký trong một tuần sau khi có báo cáo chỉ ra rằng một số người dùng chưa đủ tuổi trên ứng dụng nhiễm HIV.
BlueCity cho biết trong bản cáo bạch rằng họ đã hạn chế nghiêm ngặt việc sử dụng nền tảng bởi những người dùng chưa đủ tuổi vị thành niên. Mỗi người dùng mới tại Trung Quốc đều phải tuân theo quy trình xét duyệt thủ công.
Blued không nằm trong số 59 ứng dụng của Trung Quốc bị cấm ở Ấn Độ, hoặc có tên trong tuyên bố gần đây của nhà lập pháp Mỹ về việc hạn chế các công nghệ Trung Quốc. Về lệnh cấm ở Ấn Độ, Ma cho biết nó không gây ra quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Thậm chí, ông nói rằng Blued đã nhận được sự đón nhận tích cực của người dùng Ấn Độ, với một số sáng kiến xã hội như nâng cao nhận thức về phòng ngừa và điều trị HIV cũng như phổ biến cho người dùng về các biện pháp phòng ngừa Covid-19.
So với đối thủ nặng ký nhất là Grindr và các ứng dụng khác, BlueCity trở nên nổi bật bằng cách tập trung vào nhu cầu của cộng đồng LGBTQ+. Hiện BlueCity đã ra mắt hai dịch vụ chỉ có ở Trung Quốc và đặt mục tiêu mở rộng sang thị trường Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất của BlueCity khi tạo ra 90% doanh thu của công ty trong quý I/2020. Ở Trung Quốc, mối quan hệ đồng tính vẫn là một vấn đề nhạy cảm nhưng Ma cho biết cộng đồng LGBTQ+ đã chứng kiến nhiều sự chấp nhận và công nhận trong hai thập kỷ qua.
Ông nói: "Chính phủ Trung Quốc nhiều lần nói trong các cuộc họp quốc tế rằng họ không phân biệt đối xử và hứa hẹn quyền lợi về sức khỏe, việc làm cho cộng đồng LGBTQ+".