Từ triệu phú đôla ở tuổi 25 đến “vua” bán lẻ khóa điện tử
Hết thời gian du học ở Australia, Hoàng Tuấn Anh không về Việt Nam ngay mà ở lại xứ sở chuột túi làm đủ thứ nghề để kiếm tiền và trở thành triệu phú AUD năm 25 tuổi. Chính những kinh nghiệm học được trong quãng thời gian này đã giúp anh trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ khóa điện tử tại Việt Nam, sau bảy năm gây dựng.
Theo Tuấn Anh, khóa điện tử là thị trường có giá nghìn tỷ đồng mà các doanh nghiệp Việt bỏ quên nhiều năm qua. Hầu hết người Việt vẫn đang dùng khóa cơ mà chưa quen sử dụng khóa điện tử, ngoài một số công trình lớn như khách sạn, resort. Chỉ có vài doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm này nhưng sản lượng cũng chưa nhiều.
Thống lĩnh thị trường khóa điện tử
Vì vậy, thị trường này hiện đang bị chiếm lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài thông qua các nhà phân phối. Trong đó, nhiều nhất là các hãng khóa điện tử của Hàn Quốc như Gateman, Epic, Samsung.
Ngoài Trung Quốc với thương hiệu Adel, một số nước châu Âu, Australia và Mỹ cũng tham gia thị trường này như Thụy Sĩ (Kaba), Đức (Kaadas), Mỹ (Yale), Australia (PHGLock).
Sở dĩ có nhiều người nhảy vào chia “miếng bánh” lớn này là do sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam năm 2015 là 35% và gần 37% năm 2016.
Đô thị hóa đi kèm với hình ảnh những căn nhà mới được xây dựng, trở thành thị trường béo bở cho các nhà sản xuất khóa điện tử. Theo báo cáo của công ty Nghiên cứu bất động sản CBRE, có hơn 37.000 căn hộ chào bán trong năm 2016 và thị trường tiêu thụ trên 35.000 căn.
Còn theo tính toán của Tuấn Anh, chỉ riêng Tp.HCM đã có trên 2 triệu căn nhà đang sử dụng khóa cơ, chưa dùng khóa điện tử. Tạm tính mỗi nhà dùng một khóa điện tử giá thấp nhất là 2 triệu đồng, tiềm năng thị trường này đã ở mức 4.000 tỷ đồng. Nếu tính trên cả nước, quy mô thị trường không dưới 10.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều lần vì mỗi nhà thường dùng 2 - 5 khóa. Nếu tính cả phân khúc khách sạn, văn phòng cho thuê và biệt thự, sẽ thấy tiềm năng thị trường khóa điện tử là rất lớn.
Theo xu thế phát triển chung là tiếp cận các dự án mới xây dựng, công ty Vũ Trụ Xanh của Tuấn Anh hiện đang phân phối độc quyền khóa điện tử PHGLock (Australia).
Ngoài ra, Tuấn Anh còn âm thầm phát triển hệ thống bán lẻ từ năm 2010. Đến nay, sau bảy năm đầu tư, Tuấn Anh xem như đã thống lĩnh phân khúc bán lẻ mặt hàng này với 300 đại lý trên toàn quốc, nhiều hơn cả Việt Tiệp với 223 đại lý.
Hiện tại, mỗi năm công ty bán ra ít nhất 50.000 sản phẩm, với mức giá thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất gần 40 triệu đồng mỗi sản phẩm, tương đương doanh thu tối thiểu 100 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2010 – 2015, doanh thu công ty chỉ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Nhưng từ năm 2015 đến nay, việc đầu tư vào hệ thống bán lẻ đã giúp doanh số hàng năm của công ty tăng gấp đôi.
Triệu phú AUD ở tuổi 25
Sinh ra trong một gia đình khá giả ở Tp.HCM, Tuấn Anh đi du học tự túc ở Melbourne, Australia từ năm 2000. Đam mê kinh doanh từ nhỏ và mở công ty từ năm 18 tuổi, Tuấn Anh đã tận dụng mọi cơ hội kinh doanh để kiếm tiền và trở thành triệu phú AUD khi mới 25 tuổi.
Ban đầu, Tuấn Anh đi làm cho cửa hàng bán đồ lưu niệm ở khu chợ trời Queen Victoria Market. Cứ 5 giờ sáng, khi nhiệt độ ngoài khoảng 5 độ, Tuấn Anh lại thức dậy và ra chợ bày biện gian hàng.
Năm 2006, trong một lần tình cờ tìm mua tivi, Tuấn Anh phát hiện một nơi chuyên bán đồ điện máy “factory second” của Samsung nhưng giá rẻ hơn nhiều so với hàng nguyên đai nguyên kiện.
Đó là những sản phẩm bị lỗi nhỏ như móp méo, trầy xước nhưng vẫn được bảo hành. Nhìn ra cơ hội kinh doanh, Tuấn Anh mua về rồi bán lại trên trang thương mại điện tử Ebay.
Ngay lô hàng đầu tiên đã giúp Tuấn Anh có lãi lớn, vì hàng này chỉ có giá khoảng 30 – 50% so với hàng mới. Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tuấn Anh kiếm được 100.000 AUD trong ba năm.
“Kiếm được vài trăm AUD không phải dễ dàng gì. Để bán được hàng, tôi thường xuyên phải tự cõng những chiếc tủ lạnh hay máy giặt lên tận lầu ba cho khách, đến nơi thở không ra hơi”, ông chủ 8X hồi tưởng.
Năm 2007, Tuấn Anh tốt nghiệp ngành Kĩ sư Xây dựng nhưng chưa vội về Việt Nam mà ở lại tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Một lần, Tuấn Anh tình cờ biết Chính phủ Australia sắp triển khai chương trình hỗ trợ tấm cách nhiệt miễn phí cho người dân trong hai năm, trị giá khoảng 2 tỷ AUD, Tuấn Anh thấy hứng thú lại tìm cách “nhảy vào”.
Tuấn Anh bắt đầu đọc sách, tìm tòi tài liệu và sản phẩm để chuẩn bị cho trận đánh lớn. Anh liên tục bay sang Nga, Trung Quốc… để tìm nguồn hàng. Sau khi tìm được nhà cung cấp, anh ngồi suốt một tuần trong phòng để đọc bộ tài liệu về quy chuẩn nhập khẩu của Australia hơn 1.000 trang.
Cuối cùng, công ty của Tuấn Anh là một trong 5 công ty tại Australia cung cấp sản phẩm này. Doanh nhân 8X này cho biết, lúc đó sản phẩm này rất “hot”, một căn nhà anh có thể lời từ 500 đến 1.000 AUD.
Sau hơn chục năm vừa học vừa làm ở Australia, Tuấn Anh đã có trong tay hơn 1 triệu AUD khi mới 25 tuổi (tương tương gần 15 tỷ đồng, tính theo tỷ giá cuối năm 2010). Năm 2010, anh quay về Việt Nam tiếp tục khởi nghiệp với những ý tưởng độc đáo khác, trong đó có mô hình chợ đêm bằng container.