Từ thanh niên mê ‘bay’ đến tỷ phú drone đầu tiên trên thế giới: Gây dựng đế chế tỷ đô từ đam mê vật thể bay ngày bé
Năm 2017, Frank trở thành tỷ phú công nghệ trẻ nhất châu Á.
Năm 1996, chàng thanh niên 16 tuổi Frank Wang đã nhận được một chiếc máy bay trực thăng nhỏ, có thể điều khiển từ xa trong ngày sinh nhật của mình. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, anh làm rơi chiếc trực thăng đó và tất nhiên, không được tặng một chiếc khác.
Vốn say mê các loại vật thể bay, chàng trai người Trung Quốc này đã dành phần lớn thời gian tuổi trẻ để đọc về trực thăng, máy bay và cách chế tạo chúng. Không những vậy, anh còn quyết định sẽ biến đam mê đó thành công việc chính thức.
Thế nhưng kết quả học tập ở trung học và đại học của Frank đều khá kém, khiến ước mơ của anh bị cản trở. Anh không thể theo học bất kỳ trường chất lượng tốt nào mà chỉ được nhận vào trường bình thường.
Cuối cùng, anh chọn Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong. Tại đây, anh đã được một giáo sư toán chú ý sau khi trình bày một dự án ấn tượng: Hệ thống điều khiển chuyến bay trực thăng do chính mình chế tạo.
Frank ngày trẻ.
Điều này giúp Frank giành được một suất vào chương trình sau đại học của trường. Năm 2005, ở tuổi 25, anh cùng nhóm bạn đại học của mình giành giải ba tại ABU Robocon. Phần thưởng của anh là 2.300 USD để phục vụ việc nghiên cứu và phát triển máy bay không người lái (drone). Và đây chính là khởi đầu cho hành trình dài và thành công của Frank sau này.
Những bước đầu tiên
Frank tiếp tục chế tạo các nguyên mẫu, bộ điều khiển và các bộ phận khác cho đến năm 2006, khi anh thuê 2 người bạn làm việc cho mình. Họ làm việc trong một căn hộ 3 phòng ngủ và cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, do Frank thiếu tầm nhìn, nhân viên liên tục đến rồi rời đi. Một nguyên nhân khác là vì anh có tính cách mạnh mẽ, cầu toàn – không phù hợp với nhiều người.
Dù vậy, công ty mang tên DJI của anh vẫn tiếp tục phát triển nhờ khoản đầu tư trị giá 90.000 USD của một người bạn của gia đình anh. Năm 2010, Frank thuê một người bạn học cũ để điều hành hoạt động marketing của công ty. Người bạn đó là Swift Xie Jia và anh chàng này cũng nhập cuộc bằng cách bán căn hộ của mình để mua 14% cổ phần của công ty.
Dưới sự giám sát của Swift, công ty máy bay không người lái bắt đầu phục vụ nhiều hơn cho người có sở thích cá nhân hơn là những người dùng để nghiên cứu. Họ cũng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc. Năm 2011, Frank gặp được người giúp công ty của anh lên một tầm cao mới - Colin Guinn.
Chân dung Colin Guinn.
Frank gặp Colin tại một triển lãm thương mại. Colin điều hành một startup nhỏ về quay phim trên không và họ bắt đầu trò chuyện về những thách thức để có được những thước phim đẹp từ máy bay không người lái.
Vấn đề đáng quan tâm nhất là máy ảnh luôn quá rung. Điều này thúc đẩy Frank thực hiện nhiều nghiên cứu hơn. Đến năm 2011, họ đã giảm chi phí của một bộ điều khiển bay từ 2.000 USD xuống còn 400 USD với khả năng quay video ổn định.
Thành công thương mại
Năm 2013, DJI công bố chiếc máy bay không người lái đầu tiên trên thị trường, mang tên Phantom. Colin thành lập DJI ở Bắc Mỹ và được trao 48% cổ phần. Nhờ sự giúp đỡ của anh, Phantom ra mắt thuận lợi tại thị trường Mỹ. Phần còn lại là lịch sử.
Phantom trở thành một thành công thương mại trên toàn thế giới dù có rất ít hoạt động marketing. Đây là chiếc drone có giá phải chăng, mạnh mẽ và có thể quay video ổn định.
Trong năm ra mắt, DJI thu về 130 triệu USD, phần lớn nhờ thành công của Phantom. Nhưng thành công này đã dẫn đến xung đột giữa Colin và Frank. Cuối cùng, Colin bị đuổi khỏi công ty sau khi nhận được một khoản bồi thường trị giá nhiều triệu USD.
Doanh số bán hàng tiếp tục tăng và vào năm 2015. "Thừa thắng xông lên", DJI ra mắt Phantom 3, sản phẩm tốt hơn mẫu trước đó. Cùng năm này, công ty huy động được 75 triệu USD tiền đầu tư, qua đó nâng mức định giá lên 8 tỷ USD.
Năm 2017, Frank trở thành tỷ phú công nghệ trẻ nhất châu Á. Thời điểm đó, công ty của anh đạt doanh thu 2,83 tỷ USD. Anh cũng trở thành tỷ phú nhờ kinh doanh drone đầu tiên trong lịch sử. Thời điểm hiện tại, DJI có hơn 14.000 nhân viên và nắm giữ 77% thị phần drone của Mỹ.
Mục tiêu cao hơn
Tuy là người thành công nhất trong lĩnh vực drone, Frank nói rằng DJI còn một chặng đường dài để đạt đến mức độ hoàn hảo mà anh muốn. Mọi sản phẩm đều có sai sót, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Với các dòng sản phẩm mới như Mavic, công ty dự định sẽ tiếp tục cải tiến và khắc phục những trục trặc trước đó. Là CEO, Frank luôn ưu tiên việc thực hiện kế hoạch một cách hoàn hảo hơn là khía cạnh kinh doanh và có lẽ chính sự tập trung tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá phải chăng đã giúp anh có được thành công như ngày nay.