Điểm danh loạt siêu dự án của các "đại gia" điện mặt trời có mặt tại Ninh Thuận
Ninh Thuận là một trong những địa phương có tiềm năng lợi thế về phát triển điện mặt trời, với tổng số giờ nắng trong năm đạt trên 2.800 giờ/năm, cao nhất so với cả nước. Với việc xác định năng lượng tái tạo là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nơi đây cũng quy tụ đông đủ những "tay chơi" điện mặt trời hàng đầu Việt Nam.
Ninh Thuận là nơi quy tụ nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời với các dự án quy mô hàng trăm MW. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng có hàng loạt dự án có công suất khoảng 50MW như Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn - Hoàn Lộc Việt, Nhà máy điện mặt trời Mỹ Sơn 2, Nhà máy Điện mặt trời Ninh Phước 6.1 và 6.2, Nhà máy điện mặt trời Hacom Solar, Nhà máy điện mặt trời Adani Phước Minh...
Theo Sở Công thương Ninh Thuận, trong 37 dự án điện mặt trời đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, tính đến tháng 10/2020, đã có 31 dự án đã công nhận ngày vận hành thương mại với tổng công suất 2.173,51MW. Có 5 dự án còn lại dự kiến vận hành thương mại vào cuối 2020.
Dưới đây là một số dự án điện mặt trời lớn của các tập đoàn hàng đầu về năng lượng tái tạo đang có mặt tại Ninh Thuận.
Thiên Tân Group
Thiên Tân là chủ đầu tư của dự án điện mặt trời lớn hàng đầu Ninh Thuận. Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1 được cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 28/9/2017 tại địa bàn xã Phước Trung, huyện Bác Ái, do Cty TNHH MTV Thiên Tân Solar Ninh Thuận (một Cty thành viên của Thiên Tân Group) làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng trên diện tích 105ha với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 1.418,6 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành vào tháng 3/2020, dự án này đã được hòa lưới điện quốc gia. Ở giai đoạn 2, Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW.
Khi hoàn thành dự án sẽ có tổng công suất 1.000MW trên diện tích 1.400ha, vốn đầu tư 2 tỷ USD.
Trung Nam Group
Trung Nam Group cũng là cái tên nổi bật tại Ninh Thuận với dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tổng vốn đầu tư cho dự án này là gần 12.000 tỷ đồng. Dự án sẽ khai thác hơn 1 tỷ kWh-tương đương 1GWh điện từ nguồn năng lượng tái tạo (năm đầu tiên 1,2 tỷ kWh).
Ngoài ra, trước đó Trung Nam đã xây dựng Nhà máy điện mặt trời Trung Nam nằm trên địa bàn xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cùng chung mảnh đất với dự án Nhà máy điện gió Trung Nam - Ninh Thuận. Nhà máy điện mặt trời này có công suất 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.
BIM Group
Ngoài ra, không thể không kể đến BIM Group. Ngày 27/4/2019, tại Ninh Thuận, BIM Group đã đưa vào vận hành tổ hợp nhà máy năng lượng điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MW với số vốn 294 triệu USD. Trong đó, nhà máy điện BIM 1 có công suất 30MW, BIM 2 đạt công suất 250MW và BIM 3 công suất 50MW.
Dự án do Công ty CP Năng lượng Tái tạo BIM Energy - thương hiệu thuộc BIM Group hợp tác với AC Energy thuộc Ayala - một trong những tập đoàn lớn tại Philippines.
Xuân Thiện Group
Một nhà đầu tư nổi bật nữa là Xuân Thiện Group. Ngày 25/2/2020 tại thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Xuân Thiện đóng điện thành công Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt 256 MW, được xây dựng trên diện tích 259 ha với vốn đầu tư hơn 7 nghìn tỷ đồng do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, Ninh Thuận lại không phải là địa điểm đầu tư lớn nhất của Xuân Thiện về năng lượng mặt trời. Tập đoàn này là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp (Đắk Lắk) công suất 600 MWac/831 MWp, với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, điện lượng 1,5 tỷ kWh/năm.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có đề xuất Thủ tướng xem xét quy định giá mua điện cụ thể cho 2 dự án điện mặt trời lớn đang triển khai trên địa bàn là Dự án điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam kết hợp đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải và Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1 công suất 250MW, đồng thời phê duyệt quy định đặc thù về phát triển điện mặt trời cho địa phương này.
Tính đến tháng 10/2020, tổng công suất tích lũy của các dự án điện mặt trời đã vận hành thương mại ở Ninh Thuận đã vượt quá công suất tích lũy 2000MW theo quy định. Theo tỉnh Ninh Thuận, vì 2 dự án trên đã được Chính phủ bổ sung quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư sau 23/11/2019 và tiến độ dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nên một phần công suất tích lũy vượt quá 2000MW của hai dự án không đáp ứng điều kiện để được áp dụng giá bán điện 7,09 Uscents/kWh.
Vì thế, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy định đặc thù về phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh, cho áp dụng giá bán điện là 7,09Uscents/kWh với phần công suất vượt quá 2000MW của các dự án trên.