Từ Tam Quốc diễn nghĩa đến bài học "tiên lễ hậu binh": Trước học cách không tức giận, sau học cách chọc tức người - đó mới là đỉnh cao "trả thù"

10/08/2019 11:18 AM | Sống

Tức giận với người khác chỉ làm tổn thương chính bạn, người không quan trọng, không đáng để bạn quan tâm. Dùng sự mạnh mẽ và ưu tú của bạn để chặn miệng người khác mới là cách trả thù tốt nhất.

(01)

Hai hôm trước, tôi đọc được một chủ đề khá thú vị:

"Khi bị người xấu làm tổn thương, có nên tức giận vì bọn họ hay không?"

Phía dưới có một câu bình luận nhận được nhiều like nhất, anh ấy bảo:

"Cách đây nhiều năm trước, khi tôi mới tốt nghiệp, tôi cũng từng bị rơi vào trường hợp như vậy. Ở công ty, tôi chỉ lo tập trung vào công việc của mình, vì không mua quà tặng cấp trên, lại không tạo mối quan hệ tốt với anh ta, nên sau đó, anh ta kiếm chuyện hãm hại và đuổi tôi ra khỏi công ty.

Nhưng lúc đó tôi không tức giận, cũng không oán hận gì cả, ngược lại còn lạc quan đối diện với cuộc sống, nên ăn cứ ăn, nên ngủ thì ngủ, còn dành thời gian để ôn thi lấy bằng IELTS.

Sau đó, tôi may mắn được nhận vào làm kế toán ở một công ty lớn. Mà công ty lúc trước hóa ra lại là công ty con của công ty này. Thế nên, tôi báo cáo việc lúc trước, cũng đưa ra một số bằng chứng về việc anh ta hay mượn việc công để làm việc tư với cấp trên.

Không lâu sau, anh ta bị xử lý rồi.

Nhớ lúc đó dù bị anh ta hãm hại, tôi cũng không tức giận, vì tôi biết có tức cũng vô ích."

Trong cuộc sống này có nhiều loại ác ý như thế, và cũng có rất nhiều người xấu nhắm vào bạn. Nhưng bạn càng tức giận, lại càng thỏa mãn bọn họ, cũng để họ chiếm được lợi thôi.

Tức giận không có lợi, còn làm hại bản thân, nên cách tốt nhất là im lặng cố gắng. Trước học cách không tức giận, sau học cách "chọc tức" người.

Từ Tam Quốc diễn nghĩa đến bài học tiên lễ hậu binh: Trước học cách không tức giận, sau học cách chọc tức người - đó mới là đỉnh cao trả thù  - Ảnh 1.

(02)

Trong chương trình "Hướng về cuộc sống", Hoàng Lỗi từng kể lại một chuyện mà anh từng gặp phải.

Hơn 20 năm trước, Hoàng Lỗi mới lên đại học, vẫn còn là người mới vào nghề.

Có một lần, anh ta đi tìm đạo diễn Trần Khải Ca để bàn chuyện, đúng lúc đang quay bộ phim Bá Vương biệt cơ (Farewell My Concubine), Trần Khải Ca liền mời anh ấy đóng một vai với tư cách khách mời.

Vì đó là vai diễn "khách làng chơi", nên người khác cứ nghĩ anh là diễn viên không chuyên nào đó được tuyển vào, hơn nữa còn đối xử không lịch sự với anh.

Thậm chí người quay phim còn không gọi tên anh, chỉ bảo: "Ê này, khách làng chơi, né sang bên kia."

Trần Khải Ca nghe được, cảm thấy không đúng, mới vội nói với người quay phim:

"Đây là Hoàng Lỗi, là nam chính trong bộ phim lần trước của tôi đấy."

Nghe đến đây, người quay phim mới vội đổi lời: "Ôi, mời anh đi bên này."

Bây giờ, nếu chúng ta bị làm tổn thương, liệu tức giận có tác dụng hay không? Người tổn thương bạn vẫn cứ tiếp tục, mà bạn tức giận chỉ làm hại bản thân mình thôi.

Gặp trường hợp này, không chỉ có mình Hoàng Lỗi.

Trong một cuộc phỏng vấn, người dẫn chương trình từng hỏi "ông hoàng phòng vé Trung Quốc" Hoàng Bột rằng: "Trước đây anh có từng bị coi thường bao giờ chưa?"

Hoàng Bột đã thẳng thừng trả lời, tất nhiên là có, sao lại không có được, lúc trước khi đi hát, mỗi ngày anh ta đều bị như vậy.

Sau khi đến đoàn phim, anh ta còn là diễn viên nhỏ, nên không ai để ý đến. Xe chở diễn viên về mà không đợi anh ta, nên cuối cùng anh ta phải chen chúc trong xe đưa cơm để trở về.

Giờ thì hoàn toàn ngược lại, vừa tan làm đã có xe chờ sẵn kế bên, còn có nhiều người hỏi han niềm nở.

Lời nói nhẹ nhàng của Hoàng Bột nói lên một sự thật đơn giản:

Lúc bạn yếu đuối, bị giẫm đạp là chuyện thường. Nhưng nếu chỉ biết tức giận và oán hận, vậy bạn thật vô dụng.

Chỉ có nỗ lực biến mọi thứ từ không thành có, từ yếu đuối thành mạnh mẽ, thế giới mới có thể dịu dàng với bạn.

So với việc tức giận, không bằng tranh đấu. So với việc oán hận, không bằng thay đổi bản thân.

Từ Tam Quốc diễn nghĩa đến bài học tiên lễ hậu binh: Trước học cách không tức giận, sau học cách chọc tức người - đó mới là đỉnh cao trả thù  - Ảnh 2.

(03)

Có một câu nói thế này: "Bạn không thể thay đổi thời tiết, nhưng có thể thay đổi tâm trạng; bạn không thể kiểm soát lời nói của người khác, nhưng có thể kiểm soát hành động của bản thân."

Trong "Tam quốc diễn nghĩa", Gia Cát Lượng nổi tiếng là người hay chọc tức người khác.

Ông ấy không chỉ đứng trước hai đội quân, mắng Vương Lãng tức chết, còn dùng một bức thư chọc Tào Chân tức đến ói máu mà chết. Người nổi tiếng nhất bị chọc tức ba lần chính là Chu Du.

Tuy nhiên, chiêu này lại vô dụng với một người, đó là Tư Mã Ý.

Khi Gia Cát Lượng dẫn quân tấn công nước Ngụy, vì vấn đề tiếp tế lương thực, nên nếu tốc độ đánh trận không nhanh, kết quả chỉ có thất bại.

Mà bên kia, Tư Mã Ý hiểu được điều đó nên sử dụng chiến thuật cố thủ không ra đánh.

Thấy thế, Gia Cát Lượng tìm cơ hội dụ quân Ngụy ra, ông sai người đến khiêu chiến, khiêu khích, nhưng Tư Mã Ý vẫn không chịu đánh.

Đến lúc này, Gia Cát Lượng mới nghĩ ra một kế, lấy khăn, yếm và đồ phụ nữ đựng vào một cái hòm, rồi sai người đưa đến trại Ngụy cùng một phong thư chế giễu.

Nhưng Tư Mã Ý vẫn cố thủ, thậm chí còn mặc bộ đồ phụ nữ đó đứng trước ba quân mà cám ơn.

Trần Đan Thanh từng nói rằng:

"Tôi trước giờ gần như chưa bao giờ tức giận, bởi vì tôi cảm thấy không cần thiết, có vấn đề thì đi giải quyết, đừng để lỗi sai của người khác ảnh hưởng đến mình."

Khi bạn bình tĩnh đối mặt, người tức giận là đối phương, không phải là bạn. Khi bạn giải quyết được vấn đề, người khó chịu là đối phương, không phải bạn. Và khi bạn không để ý đến họ, cố gắng đạt được kết quả tốt, người hối hận, ganh ghét là họ, không phải bạn."

Nên nhớ, những người từng làm bạn tổn thương, họ không xứng để bạn phải tức giận vì họ.

Từ Tam Quốc diễn nghĩa đến bài học tiên lễ hậu binh: Trước học cách không tức giận, sau học cách chọc tức người - đó mới là đỉnh cao trả thù  - Ảnh 3.

(04)

Kẻ tiểu nhân học cách hãm hại và làm tổn thương người khác. Người thông minh lại học cách chiến đấu và thay đổi.

Khi còn nhỏ, gia đình Châu Nhuận Phát còn nghèo. Anh ta phải làm công trong tiệm rửa xe. Lúc đó lần đầu tiên nhìn thấy chiếc xe Rolls-Royce cao cấp, nên Châu Nhuận Phát đã chạm vào nó.

Không ngờ người khách kia thấy được nên tức giận mắng: "Sờ cái gì mà sờ, cả đời này của mày cũng không mua nổi đâu!"

Nói xong, còn đánh vào đầu Châu Nhuận Phát.

Sự sỉ nhục này làm tổn thương anh, nhưng nó cũng là động lực khiến anh buộc mình phải mạnh mẽ hơn.

Sau đó, anh ta tình cờ gia nhập giới giải trí, không ngừng cố gắng, từng bước trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ. Giờ anh ta không chỉ mua được một chiếc xe Rolls-Royce, mà còn mua được nhiều chiếc nữa cơ.

Điều này làm tôi nhớ đến bản thân mình. Năm cấp ba, thật ra thành tích khi đó của tôi không tệ, cũng thuộc top đầu lớp. Nhưng vì sức khỏe không tốt, tôi không muốn vào lớp chuyên, vì sẽ có rất nhiều áp lực. Thế nên, tôi đã xin vào học ở lớp thường.

Khi đó, giáo viên chủ nhiệm lớp tôi từng nói trước lớp rằng tôi chỉ được cái siêng năng, chứ không thông minh, cũng chẳng bao giờ vượt qua nổi bạn K lớp chuyên.

Bạn biết đấy, đa phần những người sống nội tâm, ít nói thì lại rất hay quan tâm đến lời người khác. Hơn nữa, lúc đó, tôi còn bị body shaming. Lúc đầu, tôi rất buồn, còn nghĩ rằng: "Chẳng lẽ tôi thật sự vô dụng đến thế sao?"

Nhưng sau đó, tôi đã không còn để ý nữa, bởi vì tất cả tinh thần của tôi đều tập trung hết cho việc học. Cuối năm đó, tôi được học sinh giỏi nhất khối, tất cả thầy cô đều biết đến tôi, những bạn lớp khác cũng không còn xem thường tôi, cô chủ nhiệm cũng nói rằng cô rất tự hào vì có một học sinh như tôi, mà ba mẹ tôi... cũng không còn quá buồn phiền vì chuyện tôi mắc bệnh nữa.

Tức giận với người khác chỉ làm tổn thương chính bạn, người không quan trọng, không đáng để bạn quan tâm.

Đời người mười chuyện đã có đến chín chuyện không như ý rồi, nên học cách im lặng đối mặt, bớt nóng nảy, bạn sẽ có thể bước sang cảnh giới mới.

Dùng sự mạnh mẽ và ưu tú của bạn để chặn miệng người khác mới là cách trả thù tốt nhất.

Thiên Tuyết

Cùng chuyên mục
XEM