Tự học hỏi từ Mark Zuckerberg, chàng trai trở thành CEO của startup nửa tỷ USD chuyên bán đồ cũ và cả… việc làm, tiềm năng là kỳ lân tiếp theo của Đông Nam Á
Chụp ảnh, liệt kê và bán. Tuy là một ý tưởng đơn giản nhưng nó đã giúp ba sinh viên đại học gây dựng nên công ty trị giá hàng trăm triệu USD.
Siu Rui Quek, Marcus Tan và Lucas Ngoo là những nhà sáng lập Carousell, một thị trường C2C (hình thức thương mại điện tử giữa những người tiêu dùng với nhau) trực tuyến có trụ sở tại Singapore. Startup này được đánh giá là có khả năng trở thành kỳ lân 1 tỷ USD tiếp theo của khu vực Đông Nam Á.
Bộ ba bắt đầu kinh doanh từ năm 2012, sau khi được truyền cảm hứng trong thời gian thực tập tại Thung lũng Silicon. Chỉ trong vòng bảy năm, họ đã giành được sự ủng hộ của các nhà đầu tư hàng đầu và nâng mức định giá của công ty lên 550 triệu USD.
Bộ ba đồng sáng lập Carousell.
Quek chia sẻ: "Cảm hứng của chúng tôi đến từ những bài phát biểu của các nhà sáng lập nổi tiếng như CEO của Twitter - Jack Dorsey, CEO của Facebook - Mark Zuckerberg và CEO của Dropbox - Drew Houston. Điểm chung của bọn họ là niềm đam mê sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề và tạo ra ảnh hưởng lớn. Chúng tôi nhận ra cách tốt nhất để làm điều tương tự là giải quyết vấn đề của chính mình. Chúng tôi có rất nhiều thứ không dùng đến mà vẫn còn tốt nhưng lại rất khó bán qua điện thoại, vì vậy, ứng dụng Carousell đã ra đời".
Quek coi Mark Zuckerberg là người cố vấn cho mình cùng Tan và Ngoo nhưng trên thực tế, họ không được ông chủ Facebook hướng dẫn trực tiếp. Anh nói: "Tôi nói đùa rằng bọn tôi có một người thầy, chính là Mark Zuckerberg nhưng đó chỉ là một chiều mà thôi. Tôi biết anh ấy nhưng anh ấy không biết tôi".
Trở về Singapore sau thời gian thực tập, bộ ba đã bắt tay vào xây dựng ứng dụng. Ban đầu, họ tập trung vào các sản phẩm như đồ điện tử trước khi mở rộng sang danh mục khác bao gồm quần áo, ô tô và thậm chí là cả… việc làm. Carousell hoạt động giống như các nền tảng trực tuyến khác và cho phép người dùng mua bán sản phẩm bằng cách tải lên một bức ảnh và thông tin liên quan.
Quek cho biết, theo cách đó, có thể nói Carousell gần tương tự như eBay và Craiglist. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu, ba người muốn biến mô hình của họ thành giải pháp trên smartphone trước tiên. Họ tin rằng nó sẽ giúp đơn giản hóa quy trình mua bán cũng như phù hợp hơn với người dùng trong khu vực, những người đang có xu hướng dùng smartphone nhiều hơn máy tính để bàn.
Người dùng có thể dễ dàng chụp ảnh sản phẩm và đăng bán bằng smartphone.
Quek nói: "Mọi người thực sự bị cuốn hút bởi việc sử dụng smarttphone hơn là máy tính. Vậy nên chúng tôi muốn một thứ gì đó quen thuộc. Với Carousell, mọi thứ rất đơn giản: Chụp ảnh để bán và chat để mua".
Cách tiếp cận đơn giản này đã trở nên phổ biến với người dùng. Chỉ trong vòng ba ngày kể từ khi ra mắt vào tháng 8/2012, ứng dụng đã được xếp hạng thứ hai trong số các ứng dụng miễn phí hàng đầu tại Singapore.
Theo Quek, đó là nền tảng cho sứ mệnh giúp mọi người trên thế giới đều có thể mua và bán trực tuyến của công ty.
Để hiện thực hóa điều đó, Carousell đã đầu tư mạnh vào AI (trí tuệ nhân tạo) để tăng tốc quá trình giao dịch. Chẳng hạn như nhận dạng hình ảnh sẽ tự động xác định các sản phẩm và phân loại, gắn thẻ thích hợp.
Quek cho biết: "Chúng tôi làm rất nhiều điều với AI. Chúng tôi muốn việc bán hàng trở nên đơn giản hơn. Bạn chỉ cần chụp ảnh, mọi thứ còn lại như danh mục, mức giá hay tiêu đề giới thiệu sẽ được tự động đề xuất".
Sự tập trung vào công nghệ của Carousell đã thu hút nhiều nhà đầu tư. Sau khi nhận khoản tài trợ 35.000 USD ban đầu từ trường đại học để khởi động công ty năm 2012, Carousell hiện đã huy động được hơn 700.000 USD từ một số tên tuổi lớn như Rakuten, Golden Gate Ventures và 500 Startups.
Hiện ứng dụng Carousell đã có mặt tại Singapore, Úc, Indonesia, Hong Kong, Malaysia, Philippines và Đài Loan với 250 triệu lượt rao bán và 71 triệu sản phẩm giao dịch thành công. Thỏa thuận mới nhất trị giá 56 triệu USD của công ty với OLX Group đã nâng mức định giá của họ lên 550 triệu USD.
Carousell còn tổ chức một số sự kiện bán đồ cũ để người dùng có thể trực tiếp đến xem sản phẩm.
Các nhà phân tích cho rằng điều đó có thể giúp Carousell sớm trở thành kỳ lân trị giá 1 tỷ USD, gia nhập 10 startup kỳ lân hiện có của Đông Nam Á. Mặc dù vậy, Quek khẳng định họ không theo đuổi danh hiệu này mà thay vào đó, họ tập trung kiếm tiền từ kinh doanh bằng cách phát triển quảng cáo trực tuyến, người dùng cao cấp và dịch vụ đăng ký, đặc biệt là tại thị trường Singapore và Hong Kong. Năm ngoái, doanh thu của Carousell đã tăng gấp bốn lần.
CEO trẻ chia sẻ: "Chúng tôi chưa bao giờ bị ám ảnh bởi việc trở thành một startup kỳ lân hay định giá công ty. Tất cả đều hướng tới việc chúng tôi phục vụ cộng đồng như thế nào. Nếu làm điều đó thực sự tốt, tôi cho rằng định giá hay danh xưng kỳ lân chỉ là sản phẩm phụ mà thôi".
Năm ngoái, bộ ba đã từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 100 triệu USD bởi họ muốn tự mình tạo nên thành công của Carousell. Quek nói: "Năm hay 10 năm nữa, chúng tôi muốn Carousell tạo ra lối sống trong đó đồ cũ là lựa chọn đầu tiên. Điều này rất có ý nghĩa. Khi đó, bạn sẽ tiết kiệm tiền, góp phần bảo vệ Trái Đất và trao cơ hội sử dụng đồ cũ, còn tốt, giá rẻ cho mọi người".