Từ hiện tượng lịch sử giá dầu về âm, tìm hiểu câu chuyện lưỡng bại câu thương trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Hoa Kỳ - Nga - Arab Saudi

21/04/2020 09:19 AM | Kinh doanh

Ngành dầu khí đá phiến đã vươn lên đỉnh điểm và đang thoái trào, như quy luật cân bằng cung cầu của thị trường, nhưng cuộc chiến giá dầu liệu có kéo theo sự phá sản hàng loạt của các công ty dầu đá phiến Hoa Kỳ, sự đình trệ sản xuất dầu mỏ toàn cầu và cuối cùng là phá sản của các ngân hàng – trái tim của toàn bộ nền kinh tế thế giới?

Giá dầu khởi đầu câu chuyện

Phiên giao dịch ngày Thứ hai vừa rồi đã trở thành cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên chốt phiên giao dịch, giá dầu thô WTI trên sàn New York đã lao dốc không phanh hơn 300%, xuống chỉ còn âm 37,63 USD/thùng. Trong phiên giao dịch này, giá dầu thô WTI đã liên tục thiết lập những kỷ lục chưa từng có, thấp nhất có lúc giá giảm về mức âm 40,32 USD/thùng - biên độ giảm tồi tệ nhất trong một phiên giao dịch của giá dầu.

Từ hiện tượng lịch sử giá dầu về âm, tìm hiểu câu chuyện lưỡng bại câu thương trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Hoa Kỳ - Nga - Arab Saudi  - Ảnh 1.

Nguyên nhân của sự giảm giá dầu xuống mức chưa từng có vào thứ 2 vừa qua phần lớn là bởi các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu thị trường sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, thời gian đáo hạn của hợp đồng tháng 5 tới gần cũng tác động mạnh đến giao dịch của nhà đầu tư.

Suốt gần 4 tháng qua, giá dầu thô thế giới giảm mạnh do cung vượt quá cầu. Trữ lượng dầu thô tại Hoa Kỳ tăng mạnh thời gian qua. Tồn kho dầu thô theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2016, nguồn cung dầu thô nội địa tăng lên 13,8 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều so với dự báo trước đó của Viện xăng dầu Hoa Kỳ (API) là 10,5 triệu thùng.

Trong khi các kho dự trữ dầu Hoa Kỳ đầy ắp, thì các giếng dầu của Nga, Arab Saudi và các quốc gia giàu dầu khí khác vẫn hoạt động đều đặn và thậm chí còn gia tăng công suất. 

Công ty dầu khí quốc gia Arab Saudi là Aramco tuyên bố nâng sản lượng khai thác lên 12,3 triệu thùng/ngày, còn tổng thống Putin của Nga muốn nâng sản lượng thêm 500 nghìn thùng/ngày. Cuộc đối đầu giữa ba cường quốc xuất khẩu dầu khí Hoa Kỳ, Nga và Arab Saudi đã khiến giá dầu chạm đáy.

Chi phí khai thác dầu mỏ ở tất cả các giếng dầu trên thế giới (không phân biệt công nghệ khai thác dầu từ đá phiến ở Hoa Kỳ hay khoan hút truyền thống như ở Nga, Arab Saudi hay các nước khác) đều bị giá dầu thời gian qua xuyên thủng. 

Điểm hòa vốn của một thùng dầu Brent khai thác ở Arab Saudi là 83,6 USD, ở Hoa Kỳ là 44 USD còn tại Nga là xấp xỉ 42 USD, theo Bloomberg. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến sự thua lỗ của các công ty khai thác dầu mỏ, đặc biệt tại Hoa Kỳ. 

Ước tính, nếu suy thoái dầu mỏ vẫn diễn ra, các doanh nghiệp dầu mỏ Hoa Kỳ có thể phải gánh khoản nợ hơn 32 tỷ USD, lãi suất 17%, trong khi mức lãi trước đây chỉ 7%. Nguồn cơn của cuộc suy thoái có vẻ lạ kỳ, nhưng bắt đầu từ công nghệ khai thác dầu đá phiến vốn đưa Hoa Kỳ lên đỉnh cao sản xuất dầu thô trong thời gian qua.

Từ hiện tượng lịch sử giá dầu về âm, tìm hiểu câu chuyện lưỡng bại câu thương trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Hoa Kỳ - Nga - Arab Saudi  - Ảnh 2.


Trả đũa năng lượng và giải pháp dầu đá phiến

Trong nhiều năm, nhân loại quá quen thuộc với các giếng khoan xuyên thẳng vào túi dầu và hút dầu thô từ lòng đất lên. Những quốc gia có sản lượng dầu thô cao nhất thường nằm khu vực chứa các túi dầu thô dễ khai thác và trữ lượng dồi dào. Các quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (Organization of Petroleum Exporting Countries – OPEC) và Nga là những nước nắm trữ lượng dầu mỏ dồi dào và sản lượng khai thác lớn trên thế giới. 

Hoa Kỳ với trữ lượng dầu nhỏ chỉ hơn 100 tỷ thùng nên không thể đọ sức trực tiếp về sản lượng dầu thô hay dùng dầu mỏ làm quân cờ mặc cả với các nước này. Những năm 1973-1974, khi chiến tranh Israel và khối Arab bùng nổ, các nước Ả Rập thuộc OPEC đã cấm xuất khẩu dầu sang Hoa Kỳ để trả đũa cho sự hậu thuẫn của Washington đối với Tel Aviv trong cuộc chiến. 

Vì sản lượng thấp và phụ thuộc một phần vào nhập khẩu dầu thô, Hoa Kỳ buộc phải tìm kiếm sự độc lập năng lượng bằng cách tạo ra một kho dự trữ khẩn cấp có tên gọi Kho Dự trữ dầu chiến lược vào năm 1975, và cấm xuất khẩu hầu hết dầu thô.

Để đối phó với cuộc chiến năng lượng, Hoa Kỳ đầu tư kỹ nghệ làm dầu đá phiến. Nhờ nguồn đá phiến dồi dào, sau khi thương mại hóa thành công, Hoa Kỳ trở thành quốc gia có trữ lượng dầu thô lớn nhất thế giới và nhanh chóng tăng sản lượng dầu thô lên tới 9,14 triệu thùng/ngày hồi tháng Giêng năm 2020.

Đá phiến vốn chứa các túi dầu nhỏ li ti và nằm sâu hàng kilomet dưới lòng đất. Trong một thời gian dài, việc khái thác dầu đá phiến gắn liền với khai thác mỏ theo phương pháp hầm lò. Tuy nhiên, do đặc điểm các túi dầu phân tán và nằm sâu dưới lòng đất nên việc khai thác dầu đá phiến gặp khá nhiều trở ngại, sản lượng thấp và chi phí rất cao. 

Chính vì vậy, vào khoảng thập niên 50-60 của thế kỷ trước, hầu hết các quốc gia đều đã dừng các dự án khai thác dầu đá phiến do dầu mỏ rẻ hơn đã sẵn, trong khi chi phí xử lý dầu đá phiến lại quá cao.

Công nghiệp dầu đá phiến "phục sinh" trở lại vào những năm đầu thế kỷ XXI. Với kỹ thuật "thủy lực áp liệt" (hydraulic fracturing hay fracking), Hoa Kỳ đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp dầu đá phiến khi việc khai thác loại dầu này trở nên dễ dàng với chi phí và thời gian ngắn hơn. 

Công ty Devon Energy đã chỉ 3,5 tỷ USD năm 2003 để mua lại công nghệ này từ George Mitchell – người phát minh kỹ thuật khai thác dầu đá phiến hiện nay tại Hoa Kỳ. Với công nghệ mới, người ta sẽ khoan sâu từ 1-3 km rồi từ độ sâu ấy, họ khoan ngang thêm 1-2 km nữa. Sau đó, họ đưa các thiết bị kích nổ nhỏ nhằm tạo các lỗ hổng xung quanh lỗ khoan và bơm áp lực cao hỗn hợp nước, cát và hóa chất vào lỗ khoan. Hỗn hợp này sẽ rút dầu trong đá phiến ra và nhà khai thác chỉ việc bơm chúng lên mặt đất, bắt đầu quá trình lọc dầu.

Nhờ công nghệ mới, sản lượng khai thác dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ tăng từ 5% năm 2003 lên đến 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này năm 2015, đưa Hoa Kỳ trở thành quốc gia sản xuất nhiều dầu nhất thế giới. Năm 2015, quốc hội Hoa Kỳ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô.

Từ hiện tượng lịch sử giá dầu về âm, tìm hiểu câu chuyện lưỡng bại câu thương trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Hoa Kỳ - Nga - Arab Saudi  - Ảnh 3.

Kho chứa dầu thô ở vịnh Ba Tư


Covid-19 và những tay chơi trong cuộc chiến giá dầu

Sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến đã giúp Hoa Kỳ tranh thủ nguồn lực trong cuộc so găng với Arab Saudi và Nga trên sàn dầu. Nhờ hướng đi mới, sản lượng dầu mỏ của Hoa Kỳ tăng vọt từ 5,7 triệu thùng/ngày từ năm 2011 lên mức kỷ lục 11,6 triệu thùng/ngày vào năm 2018, bỏ xa Nga và Arab Saudi.

Kể từ năm 2016, với tư cách là lãnh đạo không chính thức của nhóm 13 nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC, Nga giữ vai trò quan trọng trong việc quyết định giá dầu cũng giống như Arab Saudi - nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của OPEC.

Nhưng vào tháng Ba năm 2020, tất cả các bên đều bất hòa trong cách đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do nhu cầu dầu mỏ lao dốc vì phong tỏa giao thương giữa đại dịch Covid-19

Arab Saudi yêu cầu cắt giảm tổng sản lượng giữa OPEC và nhóm các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC theo tỷ lệ 2:1. Tuy nhiên, Nga thấy không cần thiết vì cho rằng các đợt cắt giảm sản lượng trước đó đã tạo cơ hội cho ngành công nghiệp dầu đá phiến Hoa Kỳ lấp đầy khoảng trống thị trường. 

Bằng cách liên kết với các nhà sản xuất dầu không thuộc OPEC như Azerbaijan, Bahrain, Bolivia, Kazakhstan và Mexico, Nga đã thiết lập sân chơi mới và đóng vai trò dẫn dắt nhóm này từ tháng 12/2016 khi OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ không thuộc OPEC nhất trí giảm sản lượng để đối phó với nguồn cung dầu mỏ thế giới dư thừa từ đầu năm 2016.

Về phía Hoa Kỳ, giá dầu ở đỉnh suốt 3 năm (2011-2014) thúc đẩy các nhà băng và quỹ đầu tư bơm 880 tỷ USD vào ngành khai thác dầu đá phiến (tính đến năm 2014). Đến nay, họ đã bơm thêm 446 tỷ USD cho hoạt động tìm kiếm, khai thác và lọc dầu. Đối với họ, cắt giảm sản lượng đồng nghĩa lùi bước và để mất thị phần vào tay các đối thủ, đặc biệt là Arab Saudi. 

Việc Hoa Kỳ, Nga và các đồng minh, Arab Saudi và khối OPEC không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng thực tế cộng với nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm 20% (tương đương 20 triệu thùng mỗi ngày) vì phong tỏa giao thương, đẩy giá dầu xuống mức cực kỳ thấp trong thời gian qua.

Từ hiện tượng lịch sử giá dầu về âm, tìm hiểu câu chuyện lưỡng bại câu thương trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Hoa Kỳ - Nga - Arab Saudi  - Ảnh 4.

Một đường ống dẫn dầu


Các nạn nhân của cuộc chiến

Những chao đảo trong giá dầu từ tháng Giêng đến nay dự kiến thổi bay hàng trăm tỷ USD khỏi các hoạt động trắc địa và khai khoáng dầu thô toàn cầu, theo đánh giá của hãng tư vấn và nghiên cứu thị trường Rystad Energy.

Giá cổ phiếu của các ông trùm "vàng đen" toàn cầu như ExxonMobil, ConocoPhillips và Chevron đã giảm một nửa từ tháng Giêng năm nay. Với các quốc gia như Nigeria, Brazil, Ecuador, Angola hay Canada, dựa trên công suất hiện tại thì kho dự trữ dầu sẽ kịch kim trong vài tuần nữa. Đến lúc ấy, việc sản xuất sẽ bị cắt giảm từ 30-50% và ảnh hưởng trực tiếp dự toán doanh thu trong năm nay.

Công ty Sonatrach của Algeria đã lên kế hoạch cho kịch bản doanh thu chỉ đạt 3,5 thay vì 7 tỷ USD trong năm. Tập đoàn Petrobras của Brazil giảm các chỉ tiêu kỳ vọng xuống 25%. Những ông trùm khác như Shell, Total của Pháp và Eni của Ý, dự trù giảm 20% các hoạt động trên toàn cầu.

Ngay cả Arab Saudi và Nga cũng không tránh khỏi thiệt hại vì giá dầu. Đối với Nga, xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch và năng lượng chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành dầu khí chiếm đến 46% tổng chi tiêu của chính phủ, nhưng lại đóng góp tới 30% GDP của nước này. 

Theo các nhà phân tích, với giá dầu khoảng 20 USD/thùng và điểm hòa vốn khoảng 42 USD/thùng, đồng nghĩa với việc ngân sách Liên bang Nga sẽ mất khoảng 40%, tương đương 7,42 nghìn tỷ rúp trong năm 2020 (106 tỷ USD hoặc 18% GDP). Nước Nga mất hết quỹ dự trữ ngoại hối 420 tỷ USD trong 6 năm.

Tại Saudi Arabia, ngành dầu khí đóng góp khoảng 85% nguồn thu, 90% kim ngạch xuất khẩu và 42% GDP. Với điểm hòa vốn 83,6 USD, nguồn dự trữ ngoại hối cũng mau chóng khánh tận theo cuộc chiến giá dầu. Tập đoàn dầu khí Aramco của Arab Saudi tuyên bố chỉ đầu tư 25 tỷ USD trong năm nay so với 32,8 tỷ USD năm 2019 vì giá dầu giảm.

Tương tự, các công ty dầu đá phiến Hoa Kỳ cũng sắp ngập đầu trong đống nợ và kéo theo các nhà băng, quỹ đầu tư Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng dây chuyền. 

Từ năm 2010, các công ty dầu đá phiến là đối tượng chính của các trái phiếu rủi ro cao (junk bond). Đến năm 2016 khi giá dầu bắt đầu giảm, 208 công ty dầu đá phiến phía Bắc Hoa Kỳ đã đệ đơn cầu cứu khỏi tổng số nợ hơn 121 tỷ USD, theo báo cáo của Haynes and Boone’s Oil Patch Bankruptcy Monitor hồi tháng Giêng năm nay. Đối với những công ty trụ lại đến thời điểm này, giá trái phiếu rủi ro cao của họ vẫn cao hơn 10% so với thị trường junk bond.

Từ năm 2020, các công ty dầu đá phiến Hoa Kỳ phải thanh toán 86 tỷ USD nợ và lãi vay, các công ty ống dẫn dầu phải trả 123 tỷ USD nợ đáo hạn, còn mảng dịch vụ vận hành giếng dầu phải trả 32 tỷ USD. Những con số trên theo New York Times vẫn chưa phản ánh hết bức tranh nợ nần chồng chất của ngành khai dầu đá phiến Hoa Kỳ - nạn nhân trực tiếp từ cuộc chiến giá dầu.

Từ hiện tượng lịch sử giá dầu về âm, tìm hiểu câu chuyện lưỡng bại câu thương trong cuộc chiến dầu mỏ giữa Hoa Kỳ - Nga - Arab Saudi  - Ảnh 5.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM