Từ chuyện Vietjet Air muốn trở thành "Hãng hàng không tiêu dùng", hãy xem cách tiền bối Air Asia biến TMĐT trở thành 'phao cứu sinh' tuyệt vời như thế nào
Đối với cuộc phiêu lưu lớn tiếp theo của AirAsia, Tony Fernandes muốn chuyển mô hình doanh thu của AirAsia không chỉ đơn giản là bán vé và bước vào thế giới thương mại điện tử.
Mười tám năm trước, Tony Fernandes, với một nhóm nhỏ các doanh nhân gan dạ, đã tiếp quản một hãng hàng không thuộc sở hữu của Chính phủ Malaysia với giá 0,25 USD và lời hứa sẽ nhận khoản nợ 11 triệu USD. Kể từ đó, AirAsia đã giúp mang lại những chuyến bay giá rẻ cho số đông người dân khu vực Đông Nam Á.
Trong quá trình phát triển, công ty có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia đã trở thành một trong những lực lượng gây rối nhất trong lịch sử hàng không thương mại thế giới đồng thời biến Fernandes thành một ngôi sao đáng ngưỡng mộ trong giới kinh doanh.
Năm 2017, Fernandes đã dành một buổi sáng phỏng vấn với Business Insider tại trụ sở New York. Cuộc trò chuyện đề cập tới một số chủ đề bao gồm những nỗ lực tương lai của công ty trong thương mại điện tử, fintech, định hình ngành công nghiệp hàng không cũng như lời khuyên từ người cố vấn Richard Branson.
Đặt cược lớn vào thương mại điện tử
Đối với cuộc phiêu lưu lớn tiếp theo của hãng hàng không này, Fernandes muốn chuyển mô hình doanh thu của AirAsia không chỉ đơn giản là bán vé và bước vào thế giới thương mại điện tử. Với nguồn cung cấp dữ liệu khách hàng dồi dào, AirAsia muốn neo hoạt động thương mại điện tử của mình xung quanh việc bán hàng hóa miễn thuế.
"Khi bạn đặt vé (trực tuyến), chúng tôi sẽ đề xuất cho bạn cơ hội mua hàng miễn thuế và bạn có thể lấy nó trên máy bay hoặc tại sân bay", Fernandes nói với Business Insider. "Nó khiến cho khách hàng dành nhiều thời gian truy cập và có khả năng chúng tôi có thể tạo ra một nơi cho các cửa hàng để đưa nội dung lên trang web của AirAsia", CEO này cho biết thêm.
Theo Fernandes, hành khách trung bình có từ 1-1,5 giờ để mua sắm tại sân bay. Với các cửa hàng trực tuyến, hành khách của AirAsia có thể mua sắm 365 ngày một năm với các đề xuất được cá nhân hóa.
Hơn nữa, Fernandes muốn sử dụng đội bay của hãng hàng không để vận chuyển hàng hóa được mua đến các địa điểm trên khắp châu Á, từ đó tạo ra một doanh nghiệp hậu cần.
"Nếu bạn theo dõi Amazon sẽ thấy họ đã bắt đầu với một trang web và phân phối tuyệt vời, bây giờ họ đang mua máy bay", Fernandes nói. "Chúng tôi đã có các máy bay và AirAsia đang làm ngược lại", lãnh đạo AirAisa trả lời phỏng vấn.
Tất nhiên, cuộc cách mạng thương mại điện tử của AirAsia sẽ không thể thành công nếu bỏ qua việc trang bị thêm cho hệ thống máy bay đường truyền Wifi tốc độ cao. Quá trình này hiện đang được thiết lập (thời điểm 2017). Đó là một yếu tố về trải nghiệm hành khách tuy nhiên Fernandes thừa nhận hiện vẫn đang thiếu trên các chuyến bay của AirAsia.
Tập trung loại bỏ tiền mặt
Phi hành đoàn trên các chuyến bay của AirAsia cũng đồng thời là những nhân viên bán hàng. Nhưng do bản chất của mạng lưới AirAsia bao trùm toàn bộ Đông Nam Á, tiền mặt đặt ra một vấn đề lớn. Đó là lý do tại sao Fernandes hào hứng nhảy vào mảng công nghệ tài chính (fintech).
"Chúng tôi rất hứng thú với cuộc cách mạng fintech," Fernandes nói. "Chúng tôi ghét tiền mặt. Đó là một nỗi đau cho phi hành đoàn của chúng tôi. Ngoại tệ là một nỗi đau siêu lớn. Nó dẫn đến sự gian lận. Nó cám dỗ phi hành đoàn của tôi làm những việc họ không nên làm", ông cho biết.
Do đó, AirAsia đã ra mắt một nền tảng thanh toán mới có tên BigPay cho phép khách hàng của hãng mua sản phẩm thông qua điện thoại thông minh. Theo Fernandes, nền tảng này được xây dựng với mục đích du lịch theo nhóm. Điều đó có nghĩa là nó sẽ cho phép mọi người chia sẻ hóa đơn và chuyển tiền cho nhau.
Ban đầu, BigPay áp dụng với hình thức thẻ trả trước nhưng Fernandes và nhóm của ông đang tập trung phát triển theo hướng ứng dụng bằng cách sử dụng mã QR và công nghệ khác. BigPay cũng sẽ có chức năng trao đổi ngoại tệ.
"Chúng tôi nghĩ rằng khách hàng của mình đang bị các ngân hàng "chém đẹp"", Fernandes ví von. "Nếu bạn đang đi du lịch đến Bali, Indonesia từ Đà Nẵng, Việt Nam và muốn đổi tiền đồng sang Rupiah, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho bạn với mức giá thấp hơn nhiều", CEO AirAsia tiết lộ.
BigPay hiện đang hoạt động với 10 loại tiền tệ, nhưng Fernandes dự kiến sẽ tăng con số đó lên 14. Cuối cùng, ông chủ AirAsia tin rằng BigPay sẽ có thể mở rộng ra ngoài hệ sinh thái hàng không và bán lẻ chính thống.
Trung thành với mô hình giá rẻ
Mặc dù AirAsia đang phát triển mạnh, hãng sẽ không mở rộng ra ngoài mô hình giá rẻ. Khi được hỏi liệu AirAsia đang tìm cách cung cấp một sản phẩm chỉ dành cho doanh nghiệp với chi phí thấp, chặng bay dài như La Compagnie, Fernandes đã nhanh chóng phủ nhận.
"Không, không phải khi tôi vẫn ở AirAsia. Tôi nghĩ tập trung là chìa khóa và chúng tôi giỏi trong những gì đang làm và đó là một mô hình khác", ông nói với phóng viên Business Insider.
Như đã nói, Fernandes hiểu lý do đằng sau của việc phân loại vé thương gia nhưng khá bối rối với việc các hãng hàng không sẽ cung cấp rất nhiều cabin khác nhau trên một chiếc máy bay.
"Các hãng hàng không thật điên rồ khi có khoang hạng nhất, hạng thương gia, hạng cao cấp và hạng phổ thông trên một mặt sàn. Đó là 4 mô hình kinh doanh trên một mặt phẳng," Fernandes nói.
"Bạn không thể tìm ra một khách sạn Four Seasons nào có cả phòng siêu rẻ và phòng hạng siêu cao cấp, về cơ bản họ có một tiêu chuẩn chỉ khác nhau bởi độ lớn của các phòng", ông phân tích thêm.
Thay vào đó, ông chủ AirAsia tin rằng phân khúc thị trường trong tương lai sẽ thấy các hãng hàng không chuyên về một hoặc hai sản phẩm cụ thể.
"Tôi đã luôn nói rằng các hãng hàng không cuối cùng sẽ trở thành các hãng hàng không giá rẻ và hàng không dành cho thương gia", ông tuyên bố.
Theo Fernandes, ngành hàng không sẽ chấm dứt hình thức khoang hạng nhất trong vòng 5 năm tới. Ngoài ra, các hãng hàng không với đầy đủ hình thức kết hợp có thể biến mất hoàn toàn với việc hàng không giá rẻ chuyên dụng chiếm lĩnh phân khúc thị trường thấp cấp.
Lời khuyên tốt nhất của Richard Branson cho Fernandes
Trong giữa những năm 1980, Fernandes đã dành vài năm làm người kiểm soát tài chính cho Virgin Communications. Qua nhiều năm, ông được biết đến với tình bạn thân thiết với người sáng lập Tập đoàn Virgin, Richard Branson.
Nhưng Fernandes nói rõ rằng anh ta không có tham vọng trở thành Branson của châu Á. "Mọi người đều nghĩ tôi muốn trở thành Richard, nhưng tôi có thể xác nhận với Business Insider rằng tôi không muốn thế", nhà sáng lập AirAsia cho biết.
Khi còn ở Virgin Group trong những ngày đầu của Virgin Atlantic Airlines, Fernandes nói với Branson rằng quyết định đi vào ngành hàng không của ông là điên rồ và khuyên ông nên bán Virgin Records. Đó là điều Branson nhớ trong những ngày đầu của AirAsia.
"Một trong những người đầu tiên gọi cho tôi khi tôi bắt đầu AirAsia là Richard. Ông nói với Tony Fernanse rằng "Tôi nghĩ rằng thật là ngu ngốc khi bắt đầu một hãng hàng không ", Fernandes hài hước nhớ lại.
Lời khuyên của Richard Branson khá đơn giản, nhưng sâu sắc. "Ông ấy chỉ nói rằng phải vui vẻ và biến nó thành một nơi thú vị. Đó là điều chúng tôi đã cố gắng thực hiện", CEO của AirAsia Group nhấn mạnh. "Nhưng dù sao thì chúng tôi cũng đã làm điều đó bằng mọi giá", Fernandes nhớ lại.
Theo Fernandes, văn hóa cởi mở và sáng tạo này đã quyết định thành công của công ty. Ví dụ, AirAsia khuyến khích nhân viên của mình thiết kế các lựa chọn đồng phục của riêng họ và thể hiện cá tính của họ với tư cách cá nhân độc lập.
"Nếu họ cảm thấy thoải mái khi làm việc, họ sẽ hạnh phúc hơn với bản thân", ông nói.