Từ chuyện iVivu và Saigon Tourist đi bán cơm, nhà hàng Vua Cua làm bánh bao, tới mục tiêu tối thượng thời dịch "Làm sao để doanh nghiệp TỒN TẠI"

17/04/2020 14:49 PM | Kinh doanh

Tìm thị trường mới, làm thêm sản phẩm, dịch vụ mới, thậm chí trái ngành các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tìm mọi cách để tự cứu mình trước nguy cơ kinh tế đã được dự báo.

Doanh nghiệp tìm cách tồn tại

Một số liệu gần đây của Phòng công nghiệp và thương mại VCCI cho biết đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 3 tháng đầu năm nay. Lần đầu tiên sau nhiều năm, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới. 

Theo khảo sát VTV24 phối hợp với cộng đồng CEOs Supportive Community cách đây ít ngày, có đến 58% doanh nghiệp được hỏi cho biết doanh thu đã giảm từ 70-100%. Số liệu từ VCCI cho biết 60% thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh, nếu dịch bệnh kéo dài phức tạp thì 50% doanh nghiệp cho biết họ chỉ trụ được tới nửa năm. Với tình cảnh đầy khó khăn như hiện nay thì các doanh nghiệp đặc biệt trong ngành dịch vụ đang phải tìm mọi cách để tự cứu lấy mình. 

Doanh nghiệp lữ hành

Khi ngành du lịch đóng băng vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành bằng cách tận dụng nhân sự, cơ sở vật chất sẵn có đang triển khai các dịch vụ trái ngành chưa từng làm trước đây. Saigon Tourist huy động gần 100 nhà hàng khách sự trong hệ thống để giao thức ăn tận nơi tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Tương tự, công ty du lịch iVivu thay vì cắt giảm nhân sự thì còn tuyển thêm để làm dịch vụ giao cơm trưa tận nhà. Hiện doanh nghiệp đang cung cấp được 1.000 suất ăn mỗi ngày, mục tiêu tăng trưởng gấp đôi sau mỗi tuần. 

“Mình khởi đầu từ 3 tuần trước khi đóng băng ngành du lịch thì bằng mọi cách mình sẽ xoay xở để có công ăn việc làm cho tất cả mọi người. Trong lúc mọi người không thể đi du lịch được thì nhu cầu cơ bản nhất vẫn là ăn uống. Lúc này nó chưa mang lợi nhuận một cách cụ thể. Lợi nhuận thuần hầu như chưa có, hầu như mình là để chưa có lỗ. 

Đây không phải ứng phó trong thời điểm trước mắt mà nằm trong 1 hệ sinh thái dài hơi và sẽ trở thành sản phẩm chủ lực bây giờ và tương lai của iVivu, một siêu ứng dụng cung cấp tất cả các nền tảng cho người dùng“, ông Nguyễn Trung Công, giám đốc CTCP iVivu trả lời phỏng vấn VTV. Nhiều đơn vị lữ hành khác cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến các đặc sản địa phương để ít nhiều duy trì được dòng tiền.

Từ chuyện iVivu và Saigon Tourist đi bán cơm, nhà hàng Vua Cua làm bánh bao, tới mục tiêu tối thượng thời dịch Làm sao để doanh nghiệp TỒN TẠI - Ảnh 1.

Doanh nghiệp ăn uống

Các doanh nghiệp F&B ngoài việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến cũng chủ động tạo ra các sản phẩm hợp thời. Nhà hàng Vua Cua ở Tp.HCM thay vì bán mặt hàng hải sản thì nay dành ra 3 giờ mỗi ngày để chế biến và giao bánh bao mang đi. Hay như chuỗi cà phê Coffee Bike cũng tập trung nguồn lực để bán mặt hàng cà phê nguyên liệu, cà phê bột để duy trì khách hàng trung thành.

“Thay vì 80% nhân sự tập trung cho bán lẻ đồ ăn thức uống thì lại tập trung nhân lực đó để bán cà phê nguyên liệu, cà phê bột, cà phê phin giấy cho mọi người có thể mua về pha chế tại nhà. Ưu tiên số 1 của doanh nghiệp hiện tại là tồn tại. Tùy vào tình hình sau khi hết dịch bệnh công ty sẽ có những phương án để phát triển trở lại “, anh Hoàng Tiễn, nhà sáng lập Coffee Bike cho biết. 

Ngành tiêu dùng khác

Hoa tươi được coi là mặt hàng xa xỉ trong giai đoạn hiện nay. Sức mua giảm mạnh khiến nhiều cửa hàng chật vật đi tìm hướng đi mới trong đó kết hợp hoa tươi với ly cà phê là cách cửa hàng Hoa Lá áp dụng. Doanh nghiệp này cho biết hoa cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực khi dịch bệnh đi qua. 


Tư duy kinh doanh mới hậu Covid-19

Dù khó khăn bủa vây nhưng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam vẫn phần nào thể hiện được thái độ tích cực, chủ động thích ứng với ảnh hưởng dịch bênh. Theo một khảo sát của Hội doanh nhân trẻ Việt Nam với gần 350 doanh nghiệp về các đối sách chủ động đối phó với Covid-19 trong 3 tháng tới, kết quả là có 42% doanh nghiệp cho biết sẽ tìm thị trường mới làm đối sách quan trọng để ứng phó. Con số này ít nhất lớn hơn gấp đôi so với các đối sách khác như tăng giá (4%), bán doanh nghiệp (5%), tạm dừng kinh doanh (25%).

Làm thế nào để các giải pháp tự cứu lấy mình của doanh nghiệp không chỉ mang tính cầm cự ngắn hạn mà còn phải tạo ra giá trị về lâu về dài là câu hỏi được đặt ra. Theo giới chuyên gia sự dài hạn bền vững không được đo đếm bằng từng sản phẩm hay từng sản phẩm kích cầu mới của doanh nghiệp, mà phải được thể hiện qua tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp. 

Dịch bệnh đã khiến 7 trong số 12 cửa hàng của chuỗi Pizza Home ngừng hoạt động. Doanh thu sụt giảm nặng nề thời điểm đầu dịch. Tuy nhiên cũng chính thời gian dịch bệnh đã thôi thúc chủ doanh nghiệp đầu tư chất xám đưa ra ý tưởng làm pizza thanh long, sau đó là burger corona rồi sau đó là tối ưu chi phí bằng bán hàng trực tuyến mang đi. Kết quả những sản phẩm tưởng ngắn hạn bắt xu hướng lại giúp tên tuổi các nhà hàng phủ sóng nhiều hãng truyền thông hàng đầu thế giới tao ra giá trị không thể đo đếm về truyền thông marketing, doanh thu chuỗi cung đạt 70% so với trươc dịch. CEO Pizza Home cho rằng vấn đề không nằm ở sản phẩm mà nằm ở tư duy đường hướng. 

Từ chuyện iVivu và Saigon Tourist đi bán cơm, nhà hàng Vua Cua làm bánh bao, tới mục tiêu tối thượng thời dịch Làm sao để doanh nghiệp TỒN TẠI - Ảnh 2.

“Pizza thanh long ban đầu mang tính chất là ngắn hạn thôi, giải cứu nông sản thôi. Nhưng khi giá thanh long lên cao thì sản phẩm sẽ dừng nhưng đường hướng là sản phẩm của mình sẽ kết hợp với một loại nông sản Việt Nam là hướng đi dài hơi. Hay như burger corona cũng vậy, không bán được khi dịch qua đi nhưng việc mình làm ra những sản phẩm mang thông điệp tích cực, sáng tạo thì cái đấy sẽ mang tính dài hơi cho doanh nghiệp “, anh Hoàng Tùng - CEO Pizza Home trả lời phỏng vấn VTV.

Theo chuyên gia bán lẻ Phạm Thái Bình, những xu hướng không thể đảo ngược như áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh để cắt giảm chi phí, tối ưu hóa quy trình và nâng cao năng suất sẽ ngày càng được đẩy nhanh trước sức ép dịch bệnh tạo ra. Việc các doanh nghiệp tận dụng thời cơ này để tăng tốc chuyển đổi số cũng sẽ là giải pháp giải cứu dài hạn sau dịch.

“Các doanh nghiệp mà có thể kết hợp được, khuếch trương, đầu tư thêm mảng online thì nó sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn và các doanh nghiệp họ sẽ nhận thấy vấn đề công nghệ là yếu tố không thể nào loại trừ, xem nhẹ cho vấn đề kinh doanh hậu Covid-19 này”, ông Phạm Thái Bình nhận định.

Tuy nhiên theo ông Lý Quý Trung người có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng ăn uống nhận định, để đảm bảo tính bền vững dài hạn thì giải pháp tự cứu mà các doanh nghiệp đang làm là bám vào một nguyên tắc - sự tập trung.

“Tiếng Anh có chữ là "stay focus" có nghĩa là phải tập trung. Một giải pháp tình thế để cải thiện nó khác với lại một cái mình theo bắt bóng bỏ hình thì rất nguy hiểm. Dĩ nhiên trong khó khăn lúc nào cũng có cơ hội hết. Nó có rất nhiều cơ hội. Theo ý kiến của tôi tìm những cơ hội trong ngành nghề cốt lõi của doanh nghiệp đừng đi khỏi cái đó sẽ bị đi chệch hướng”, chuyên gia này phân tích.

Ngoài việc tập trung và không đầu tư tràn lan, ông Trung cho rằng hậu dịch bệnh kinh tế thế giới sẽ mãi mãi không còn như cũ, do đó tư duy của người kinh doanh cũng cần đổi mới ngay từ bây giờ để không trở thành người lạc hậu sau dịch bệnh. 

Từ chuyện iVivu và Saigon Tourist đi bán cơm, nhà hàng Vua Cua làm bánh bao, tới mục tiêu tối thượng thời dịch Làm sao để doanh nghiệp TỒN TẠI - Ảnh 4.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM