Từ chuyện cậu sinh viên đột nhiên òa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhận ra xác bạn mình: Cả một sự thật đen tối phía sau được hé lộ

03/08/2021 07:55 AM | Sống

Chuyện cậu sinh viên Enya Egbe phải bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu đã vô tình hé lộ một sự thật đen tối về các tử thi được hiến tặng cho khoa học ở Nigeria.

Enya Egbe - một sinh viên ngành y bỗng nhiên hét thất thanh, hòa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu sau khi được yêu cầu xử lý một thi thể. Nhiều người có thể nghĩ rằng Egbe đã phản ứng hơi quá, vì làm ngành y là buộc phải đối diện với thi thể bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nguyên nhân đằng sau thực chất lại rất đau lòng.

Cụ thể theo BBC đưa tin, đây là một câu chuyện hồi tưởng của Egbe (năm nay 26 tuổi) thời còn là sinh viên cách đây 7 năm tại ĐH Calabar (Nigeria). Đó là một buổi chiều Thứ 5, khi Egbe đang đứng chung với bạn học quanh 3 tử thi đặt trên bàn. Nhưng chỉ vài phút sau, Egbe hét thất thanh và bỏ chạy khỏi lớp.

Bởi lẽ, thi thể nhóm của Egbe phụ trách đảm nhận là của Divine - người bạn thân thiết của Egbe, chơi với nhau đã hơn 7 năm.

"Chúng tôi đi chơi cùng nhau rất nhiều. Ngực cậu ta còn thấy rõ 2 vết đạn bắn."

Từ chuyện cậu sinh viên đột nhiên òa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhận ra xác bạn mình: Cả một sự thật đen tối phía sau được hé lộ - Ảnh 1.

Enya Egbe - sinh viên bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhìn thấy xác bạn mình


Oyifo Ana là một trong số nhiều sinh viên khác chạy theo Egbe để kiểm tra, và thấy anh khóc nức nở bên ngoài.

"Hầu hết các thi thể chúng tôi dùng trong trường đều có vết đạn. Tôi thực sự thấy rất tệ khi nhận ra một số người không phải là tội phạm thực sự," - Ana cảm thán. Ana cũng nói thêm rằng có một buổi sáng, cô thấy chiếc xe tải của cảnh sát chở theo nhiều thi thể nhuốm máu tới trường của họ - nơi có một nhà xác đặt bên trong khuôn viên nhà trường.

Sự thật đen tối gây phẫn nộ

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Việc thi thể của Divine xuất hiện tại phòng giải phẫu của trường đã hé lộ ra một sự thật đáng sợ hơn thế, sau khi Egbe gửi tin nhắn cho gia đình của Divine.

Hóa ra, gia đình của nạn nhân đã đến rất nhiều đồn cảnh sát khác nhau để tìm con, sau khi Divine và 3 người bạn khác bị bắt giữ trong một buổi tối ra ngoài chơi. Họ lập tức đến trường và nhận lại thi thể của con trai mình.

Phát hiện gây shock của Egbe đã vô tình làm nổi bật lên tình trạng thiếu thi thể cho sinh viên y khoa thực hành tại Nigeria, đồng thời hé lộ sự thật tăm tối đằng sau các nạn nhân bị cảnh sát bạo hành ở quốc gia này.

Từ giữa thế kỷ 16 đến 19, các điều luật tại Anh quy định những thi thể phạm nhân bị xử tử sẽ được quyên tặng cho các trường y khoa, như một hình thức trừng phạt và phục vụ cho tiến bộ khoa học. Nhưng ở Nigeria, luật pháp hiện hành còn cho phép các thi thể vô thừa nhận tại nhà xác của chính phủ được giao cho trường y xử lý. Các cơ quan cũng có thể tịch thu thi thể tội phạm bị hành hình, dù lần xử tử cuối cùng diễn ra vào năm 2007.

Từ chuyện cậu sinh viên đột nhiên òa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhận ra xác bạn mình: Cả một sự thật đen tối phía sau được hé lộ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Nhưng 90% thi thể được sử dụng tại các trường y ở Nigeria là "tội phạm bị chết khi đấu súng" - theo một nghiên cứu năm 2011 công bố trên tạp chí Clinical Anatomy. Trên thực tế, điều này có nghĩa nhiều tử thi sẽ là nghi phạm bị lực lượng hành pháp bắn chết. Độ tuổi trung bình của các thi thể được ước tính trong khoảng 20 - 40 tuổi, với 95% là năm giới, và 3/4 thuộc tầng lớp thấp trong xã hội. Không có bất kỳ thi thể nào là được hiến tặng.

"Chẳng có gì thay đổi trong suốt 10 năm sau đó," - Emeka Anyanwu, giáo sư ngành giải phẫu tại ĐH Nigeria cho biết.

Mảng tối mang tên "nhiệm vụ cứu thương"

Năm 2020, chính phủ Nigeria đã phải thành lập hội đồng tư pháp để điều tra các cáo buộc liên quan đến các trường hợp cảnh sát bị tố quá tàn bạo. Đây là động thái để chấm dứt phong trào #EndSars, sau khi video có nội dung một người đàn ông trẻ bị bắn chết bởi cảnh sát thuộc lực lượng Sars (Biệt đội Chống cướp) tại phía nam bang Delta được lan truyền trên mạng xã hội.

Từ chuyện cậu sinh viên đột nhiên òa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhận ra xác bạn mình: Cả một sự thật đen tối phía sau được hé lộ - Ảnh 3.

Tuần hành phản đối biệt đội Sars tại Nigeria


Đã có rất nhiều nhân chứng đứng ra lên tiếng, nói về việc người thân của họ bị biệt đội Sars bắt giữ và không bao giờ trở lại nữa. Đa số các vụ việc, cảnh sát đều nói rằng họ làm vậy là để tự vệ, và những người mất tích là nhóm cướp tử vong trong quá trình đấu súng. Trong khi đó đại diện của cảnh sát - ông Frank Mba cho biết bản thân không biết gì về chuyện cảnh sát bỏ thi thể ở lại các phòng thí nghiệm giải phẫu hoặc nhà xác.

Đáng chú ý nhất là trong tờ khai trình lên tòa án bang Enugu, thương nhân Cheta Nnamani (36 tuổi) cho biết anh đã hỗ trợ cơ quan an ninh loại bỏ thi thể các nạn nhân bị tra tấn hoặc hành hình trong vòng 4 tháng bị Sars giam giữ vào năm 2009.

Nnamani cho biết có một đêm, anh được yêu cầu chất 3 thi thể lên một chiếc xe tải - thứ được trại giam gọi là "nhiệm vụ cứu thương". Cảnh sát sau đó khóa anh vào xe, lái đến ĐH Y Nigeria (UNTH) để dỡ số thi thể ấy xuống. Tất cả đều được đưa vào nhà xác của trường.

Và ngay sau đó thôi, Nnamani bị những viên cảnh sát đe dọa sẽ phải chịu số phận tương tự.

Tại thị trấn Owerri phía đông nam đất nước, nhà xác của bệnh viện tư nhân Aladinma đã ngừng nhận thi thể tội phạm, bởi cảnh sát hiếm khi đưa ra được giấy tờ nhận dạng cũng như không thông báo cho người nhà của nạn nhân. Việc này từng khiến các nhà xác mắc kẹt trong các quản chi phí bảo quản thi thể vô thừa nhận, cho đến vài năm gần đây khi chính phủ cho phép tiến hành các đám tang chôn cất tập thể.

Từ chuyện cậu sinh viên đột nhiên òa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhận ra xác bạn mình: Cả một sự thật đen tối phía sau được hé lộ - Ảnh 4.

"Đôi khi, cảnh sát ép buộc chúng tôi phải nhận thi thể, nhưng chúng tôi kiên quyết bảo họ đưa đến các bệnh viện công," - Ugonna Amamasi, quản lý nhà xác cho biết. "Các nhà xác tư nhân không được cấp phép cung cấp thi thể cho trường y khoa, nhưng nhà xác của bệnh viện công thì có."

Tìm kiếm trong vô vọng

Luật sư Fred Onuobia cho biết gia đình các nạn nhân vốn có quyền hợp pháp thu nhận lại thi thể của các tội phạm bị hành hình. "Trong trường hợp nếu không ai đến đúng hạn, thi thể sẽ được chuyển tới các trường y khoa," - ông cho biết.

Nhưng trên thực tế, tình hình sẽ tệ hơn trong các trường hợp giết người phi pháp. Thân nhân sẽ không biết gì về cái chết ấy trong một khoảng thời gian, cũng không biết thi thể người nhà đang ở đâu. Trường hợp của Divine là một may mắn, khi tình cừ Egbe nhận ra bạn mình và thông báo cho gia đình để anh nhận được một đám tang chu toàn.

Từ chuyện cậu sinh viên đột nhiên òa khóc rồi bỏ chạy khỏi lớp giải phẫu vì nhận ra xác bạn mình: Cả một sự thật đen tối phía sau được hé lộ - Ảnh 5.

Ảnh minh họa về biệt đội Sars của Nigeria - nơi chịu rất nhiều chỉ trích về hành vi bạo lực vượt quá khuôn khổ pháp luật


Hiệp hội các nhà giải phẫu Nigeria hiện đang vận động hành lang cho sự thay đổi về luật pháp, nhằm đảm bảo các nhà xác có được hồ sơ đầy đủ của thi thể hiến tặng cho các trường học, và đồng thời phải được thân nhân chấp thuận. Đây cũng là cách để cổ vũ mọi người hiến xác nhằm phục vụ khoa học.

"Sẽ cần có những công tác giáo dục và vận động để mọi người hiểu rằng hiến xác là tốt cho cộng đồng như thế nào," - chủ tịch hiệp hội, ông Olugbenga Ayannuga cho hay.

Về trường hợp của Egbe, anh đã bị sang chấn nặng sau khi nhìn thấy thi thể của bạn mình, và buộc phải nghỉ học trong nhiều tuần liên tiếp vì luôn tưởng tượng ra hình ảnh của Divine mỗi khi bước vào lớp giải phẫu. Rốt cục, Egbe tốt nghiệp chậm hơn bạn bè 1 năm, và hiện đang làm cho phòng thí nghiệm của một bệnh viện ở bang Delta

Gia đình Divine sau đó đã tìm cách đưa các viên cảnh sát biến chất liên quan đến sự việc bị sa thải. Một sự công bằng ít ỏi thôi, nhưng vẫn còn hơn rất nhiều trường hợp tương tự tại Nigeria, khi người thân của họ trở thành nạn nhân bị cảnh sát bạo hành và thi thể được đưa đến nhiều trường y khác nữa.

Nguồn: BBC


J.D

Cùng chuyên mục
XEM