Từ chiếc băng ca trống rỗng trong vụ khủng bố 11/9 đến bệnh viện vỡ trận vì đại dịch Covid-19: Ký ức không thể quên của nữ y tá New York
Hiện giờ, khi nữ y tá Suzanne Pugh làm việc quần quật suốt hàng giờ liền ở bệnh viện, bà lại nhớ về một ngày rất dài vào 19 năm trước. "Tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để nhận thêm 3.000 bệnh nhân nữa vào ngày hôm đó" - ngày diễn ra vụ khủng bố đẫm máu ở New York.
Nhờ sự chuẩn bị kĩ càng và nhiều lần tập huấn, các nhân viên y tế đã chủ động sắp xếp một dãy băng ca và xe lăn ngoài hành lang Bệnh viện St. Vincent's thuộc quận Mahattan, thành phố New York. Đó là buổi sáng 11/9/2001 - ngày xảy ra sự kiện khủng bố chấn động nước Mỹ và toàn thế giới.
Thế nhưng, những chiếc băng ca và xe lăn, vẫn trống rỗng trong suốt ngày hôm đó.
Những nạn nhân bước ra từ tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới - hoặc gần như nguyên vẹn và lành lặn, hoặc là không còn gì cả. Suốt nhiều ngày sau đó, xung quanh bệnh viện dán đầy những tờ bướm in ảnh các nạn nhân - những người đã không thể trở về nhà, thậm chí không có cơ hội được nằm lên băng ca.
Trong sự kiện khủng bố 19 năm trước, những tên không tặc al-Quaeda đã đâm máy bay vào hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới, khiến gần 3.000 người tử vong. Hiện giờ, New York lại trải qua đại dịch Covid-19, đã cướp đi hơn 8.600 sinh mạng.
Gần hai thập kỷ sau, đại dịch Covid-19 đã làm xuất hiện cảnh tượng trái ngược ở các bệnh viện New York: người bệnh nhiều hơn giường điều trị và liên tục bị từ chối. Các nhà xác đều trở nên quá tải.
Suzanne Pugh là y tá trưởng ở khoa cấp cứu tại bệnh viện St. Vincent's ngày 11/9, hiện làm cùng công việc ở bệnh viện NewYork-Presbyterian Queens - một trong những nơi chủ chốt điều trị người nhiễm virus corona tại tâm dịch nước Mỹ.
Nữ y tá 60 tuổi cho biết về tình cảnh hiện giờ: khoảng 360 bệnh nhân nhiễm virus được đưa đến phòng cấp cứu mỗi ngày, trong số đó 75 người được nhập viện, còn lại về nhà theo dõi. "Đa số họ đều được cho về nhà do không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Nhưng ai nấy đều tràn ngập nỗi lo lắng" - bà Pugh nói.
Nữ y tá kỳ cựu Suzanne Pugh (Ảnh: NY Times)
Kể thêm về bản thân, Pugh nói mình đã sống qua "thời gian bắt đầu và đỉnh điểm của dịch AIDS", và cả vụ đánh bom năm 1993 cũng ở Trung tâm Thương mại Thế giới.
Có 6 người thiệt mạng trong vụ khủng bố đó, hiện trường cách bệnh viện St. Vincent's chưa tới 5 km. Âm mưu của kẻ khủng bố là giết chết hàng ngàn người. Vì vậy, giới chức lãnh đạo y tế của New York đã lên kế hoạch ứng phó ngay lập tức, đề phòng cho các nguy cơ tiếp theo.
Bà Pugh nhớ lại: "Khi tôi gia nhập bệnh viện vào năm 1995, mọi người đã thao diễn rất thường xuyên. Vì vậy khi ngày 11/9 kinh khủng ập tới, không có nhân viên y tế nào hoảng loạn đặt ra các câu hỏi như: Tôi nên đi đâu, tôi phải làm gì".
"Thay vào đó, tất cả thư ký đều sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Mỗi người gác cửa, tài xế xe cấp cứu, kĩ sư... cũng trong tâm thế cảnh giác. Mỗi giường bệnh đều có một y tá và bác sĩ chờ đợi, sẵn sàng đẩy nhanh quá trình điều trị. Khu vực giám sát với vệ tinh cũng được thiết lập xong".
Một vài bệnh nhân nguy kịch đã được nhập viện ngay sau vụ tấn công. Tiếp theo là những người tự bước vào với cơ thể nhiều thương tích. Họ phun ra những mảnh vỡ hay đất cát từ vụ nổ. Tuy nhiên, bệnh viện không hề chứng kiến tình trạng quá tải như đã được cảnh báo. Hầu hết các băng ca không được sử dụng, vì hơn 2.000 nạn nhân đã tử vong ngay tại hiện trường.
Dù vậy, không một ai đổ lỗi cho St. Vincent's và các bệnh viện khác của New York vì sự chuẩn bị quá kĩ càng.
Các y bác sĩ chờ đợi trong bất lực vào ngày 11/9. Trong số hàng ngàn người bước vào Trung tâm Thương mại hôm đó, rất nhiều người đã mãi mãi không thể trở lại... (Ảnh: Reuters)
Khi New York chuẩn bị bước vào đỉnh dịch Covid-19, Thống đốc bang Andrew Cuomo đã tìm kiếm hàng ngàn máy thở để chuẩn bị sẵn cho làn sóng bệnh nhân nguy kịch. Vậy nhưng Tổng thống Trump lại dè chừng: "Tôi không nghĩ là các anh cần đến 40.000 hay thậm chí 30.000 máy thở".
Đáp lại, thống đốc Cuomo kiên quyết: "Chúng ta không cần 140.000 giường bệnh vào hôm nay, dĩ nhiên là không. Nhưng chúng ta sẽ cần khi dịch lên tới đỉnh".
Sự thật cho thấy New York đã có 5 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 700 người tử vong/ngày (tính đến 11/4). Tổng số ca người thiệt mạng lên tới 8.600, vượt xa con số 3.000 nạn nhân trong vụ khủng bố 19 năm trước. Tổng số người được xác nhận nhiễm Covid-19 của New York cũng lên tới hơn 180.000 trường hợp, cao hơn bất kỳ quốc gia nào ngoài nước Mỹ.
Mỗi sự kiện thảm kịch sẽ đòi hỏi cách ứng phó khác biệt, nhưng đều cần phải phán ứng nhanh, mạnh mẽ và chu toàn.
Hiện giờ, khi nữ y tá Suzanne Pugh đang làm việc quần quật suốt 12 giờ/ca mỗi ngày ở Queens, bà lại nhớ về một ngày rất dài ở St. Vincent's vào 19 năm trước. "Tôi sẽ đánh đổi bất cứ thứ gì để nhận thêm 3.000 bệnh nhân nữa vào ngày hôm đó".
Những chiếc băng ca trống rỗng ngày 11/9/2001...
... và những chiếc băng ca liên tục quá tải vào 19 năm sau.
Với 3.000 bệnh nhân trong vụ nổ, chắc chắn bệnh viện sẽ quá tải, chắn chắn có nhiều cảnh tượng tang tóc và ám ảnh. Nhưng họ có thêm một cơ hội để được cứu sống dù rất mỏng manh, và các nhân viên y tế cũng không phải lặng lẽ nhìn những dãy băng ca trống rỗng trong sự bất lực tột cùng...
Vụ khủng bố 11/9 đã qua đi nhiều năm nhưng bài học vẫn còn đó: sẽ không bao giờ là sai khi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp xấu nhất, để cứu lấy nhiều người nhất có thể. Nó nhắc nhở rằng mỗi cơ hội để gìn giữ mạng sống đều vô cùng quý giá, và thật tội lỗi nếu tỏ ra chủ quan lơ là, hay hạ thấp nguy cơ của các sự kiện thảm họa.
(Theo NY Times)