Từ câu nói ''Nhân viên Việt Nam đi làm đúng 5h chiều là về'' của Shak Việt, soi ngay những kỹ năng làm việc đáng nể của GEN Z: Sẵn sàng làm thêm giờ nhưng không phải giờ hành chính
Tới năm 2025, thế hệ Gen Z dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam.
Shark Việt là một trong những "cá mập" nhận được nhiều sự yêu thích nhất chương trình Shark Tank Việt Nam. Bên cạnh những thương vụ bạc tỷ thì Shark "ông nội" còn là chủ nhân của rất nhiều câu nói bất hủ với tính "sát thương" khá cao.
Mới đây, một phát ngôn cũ của Shark Việt đã được dân tình đào lại, tuy nhiên kèm theo đó còn là ít nhiều tranh cãi.
Cụ thể, tại sự kiện "Diễn đàn hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường" do Đại học Ngoại Thương tổ chức hồi năm 2019, Shark Việt đã chỉ ra một loạt nhược điểm của lao động Việt Nam như: Luôn lầu bầu khi sếp giao việc, sếp nói chưa xong đã cãi, làm thì hay ăn bớt công đoạn, thiếu chủ động trong công việc...
"Nhiều nhân viên Việt Nam đi làm chỉ mong đến đúng 5h chiều là về, đã vậy lại rất hay xin nghỉ, giỗ ông nội cũng nghỉ, rồi sinh nhật bà ngoại cũng nghỉ. Thế thì không chuyên nghiệp được. Không chuyên nghiệp thì không làm việc gì được. Khi các bạn là một mắt xích trong hệ thống, việc các bạn làm vậy sẽ rất ảnh hưởng tập thể", Shark Việt nhận xét.
Những chia sẻ của Shark Việt đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều người đồng tình với quan điểm của Shark về việc nhiều người lao động còn khá thụ động, hết giờ làm là coi như hết việc. Một số khác lại cho rằng câu nói của Shark là hơi áp đặt, bởi lẽ thế hệ trẻ hiện nay đã có sự thay đổi rõ ràng trong cả tư tưởng và cách làm việc.
Tại tọa đàm "Văn hóa đa dạng và bình đẳng trong môi trường làm việc hiện đại" vừa được tổ chức ở TP HCM vào đầu tháng 4 vừa qua, một thống kê đã được đưa ra, tới năm 2025, thế hệ Z (còn gọi là Gen Z - những người sinh từ năm 1996-2012) dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động tại Việt Nam.
Ông Charles-Henri Besseyre des Horts – Giảng viên Quản trị Nhân sự và Hành vi tổ chức tại Trường Quản lý HEC Paris, đồng thời là Giảng viên Chương trình MBA của CFVG từng nói: Thế hệ Z – thế hệ những người trẻ tuổi có thể coi như một "thảm họa" đối với những công ty có lịch sử phát triển lâu đời. Bởi lẽ bộ máy và quy trình tuyển dụng nhân sự chặt chẽ của họ sẽ khó có thể nắm bắt được những điều đặc biệt của thế hệ này.
Các bạn trẻ sinh năm 95, 96 chuẩn bị ra trường chính là đời đầu của thế hệ Z. Đây là một nguồn nhân lực "chưa từng có" trong lịch sử ngành tuyển dụng, một thế hệ "Internet trọn vẹn". Nếu như thế hệ Y – những người sinh trong giai đoạn 1980 – 1994 là những người của thế hệ Internet chuyển giao, chỉ khám phá Internet khi bắt đầu trưởng thành thì thế hệ Z mới sinh ra đã có Internet. Vì vậy, thế hệ Z sẽ là một thế hệ cực độc đáo, đẩy những giám đốc nhân sự đi từ ngạc nhiên này đến thú vị khác khi thế hệ này đòi hỏi một cách đối xử hoàn toàn khác với thế hệ Y.
Những ưu điểm tuyệt vời trong cách làm việc của Gen Z
Lực lượng lao động thuộc thế hệ này đang thể hiện những phẩm chất và kỳ vọng về môi trường làm việc mới. Bởi lẽ, họ vốn linh hoạt, khát khao khẳng định bản thân, chứng tỏ năng lực tại nơi làm việc, không bị ràng buộc vào các khuôn mẫu xã hội…Vậy đâu là những ưu điểm khác biệt giữa các chiến binh Z so với thế hệ trước đó?
Gen Z lớn lên trong thời đại công nghệ bùng nổ.
Gen Z thích phá luật, phá bỏ mọi giới hạn
Thế hệ Z vốn được biết đến là một thế hệ linh hoạt, đề cao tính cá nhân, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng trong tập thể. Cùng với sự cởi mở từng bước của xã hội, thế hệ Z thuộc các giới tính khác nhau luôn thích khẳng định bản thân và chứng tỏ năng lực tại nơi làm việc với các dấu ấn cá nhân riêng, không bị ràng buộc bởi bất cứ khuôn mẫu nào.
Do đó, đừng bao giờ mong họ sẽ răm rắp nghe theo lời lãnh đạo mà không cần biết đúng sai, họ sẵn sàng mạo hiểm để bảo vệ quan điểm của mình và sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.
Gen Z không ngại làm thêm giờ nhưng không phải giờ hành chính
Thế hệ Z hợp với các doanh nghiệp hơn là cơ quan nhà nước. Họ cảm thấy khó khăn khi phải làm việc theo giờ hành chính hay bất kỳ một giới hạn cố định nào cả về không gian lẫn thời gian. Song, lại rất sẵn sàng khi phải làm thêm giờ để nghĩ về các ý tưởng, tham gia các dự án lớn đòi hỏi tính sáng tạo và có thử thách cao, sẵn sàng di chuyển môi trường làm việc cách xa gia đình hàng trăm dặm… Nói cách khác, tiềm năng của thế hệ Z được phát huy nhiều hơn ở môi trường tự do thay vì 8 tiếng hành chính.
Gen Z sẵn sàng "nhảy việc" để học hỏi và tìm cơ hội
Với nhiều người, "nhảy việc" có thể là điều đáng sợ nhưng với "gen Z" thì không. Họ dường như làm chủ được công nghệ và có những bước tiến nhanh khi tìm việc cũng như chuẩn bị cho mình trở thành những ứng viên xuất sắc.
Gen Z có khả năng kết nối rộng, linh hoạt trong công việc mà không đi theo bất cứ khuôn mẫu nào
Thậm chí, Gen Z có xu hướng nhảy việc sau khoảng một năm hoặc vài năm. Sau một thời gian học việc, được đào tạo, tham gia các dự án và đến thời điểm chín muồi, họ sẽ "dứt áo ra đi" để tìm kiếm cơ hội mới hoặc tự thành lập công ty của chính mình.
Thế hệ Z có cái nhìn đa chiều
Nhiều người cho rằng, Gen Z chỉ biết "cắm mặt" vào điện thoại nên chẳng làm nên trò chống gì. Thế nhưng, khi nhìn vào thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Lớn lên trong sự bùng nổ của Internet giúp thế hệ Z sẽ có cái nhìn đa chiều hơn trong mọi việc. Họ không có suy nghĩ rập khuôn như thế hệ trước mà luôn có sự so sánh giữa vấn đề này với vấn đề khác; cách tìm hiểu thông tin không chỉ giới hạn ở trong nước mà họ còn chủ động xây dựng mạng lưới bạn bè trên toàn cầu.
Trong phương thức giao tiếp công việc cũng cho thấy đa số những người Gen Z chọn cách sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram... hoặc mạng nội bộ. Họ hạn chế gặp trực tiếp để tiết kiệm thời gian và linh hoạt về nơi làm việc
Với tất cả những điều trên, rõ ràng các nhà quản lý cũng cần có sự thay đổi trong nghệ thuật lãnh đạo, cần có tầm nhìn "trẻ hoá" để thích ứng với tính cách khác biệt của thế thế hệ Gen Z. Có như vậy, đội ngũ nhân sự của công ty mới ngày càng lớn mạnh và tạo nên sự đột phá trong nền kinh tế.