Từ cân nhắc của Apple đến lý do tại sao Việt Nam phải để ý đến những gì Ấn Độ đang làm?
Trong thời gian gần đây, Apple hay nhiều tập đoàn sản xuất lớn đã phát đi thông điệp sẽ di dời một phần đáng kể các chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Trong đó, Ấn Độ, Việt Nam được nhắc đến nhiều nhất bởi những tiềm năng hấp dẫn cho nỗ lực "thế chân".
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, kế tiếp đó là dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc bỏ hết "trứng vào chiếc giỏ Trung Quốc". Do đó, rất nhiều doanh nghiệp đã phát đi tín hiệu sẵn sàng chọn cho mình "bến đỗ mới", giúp phân tán rủi ro.
Bến đỗ mới này không mang hàm nghĩa Trung Quốc rồi sẽ mất đi vị trí đại công xưởng của thế giới bởi để thay thế một mạng lưới khổng lồ, phức tạp về cung ứng, lao động, cũng như thị trường tỷ dân là rất khó khăn. Hơn thế, nhiều chuyên gia cũng nhận định, nếu thành công về mặt chính sách, cũng phải mất từ 3 – 5 năm các nước mới mang được chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang "nghe ngóng" và sẵn sàng đón lấy cơ hội từ sự dịch chuyển của xu hướng Trung Quốc + 1 này.
Apple là một cái tên rất mong đợi khi phát đi hàng loạt thông điệp mạnh mẽ.
Đầu tháng 5, tờ Nikkei Asian Review dẫn các nguồn tin cho biết trong quý II, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu (khoảng 30%) tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam (không bao gồm AirPods Pro).
AirPods là mặt hàng tăng trưởng nhanh nhất trong danh mục phần cứng Apple, là tai nghe Bluetooth không dây bán chạy nhất thế giới. Apple dự đoán mặt hàng này có thể bán được 100 triệu máy trong năm 2020.
Trước đó, các nhà cung cấp lớn của Apple cũng cho biết ý định thúc đẩy quá trình đa dạng hoá nơi sản xuất. Đơn cử như Pegatron, CEO Liao Syh-jang của công ty này cho biết họ hy vọng sẽ sản xuất tại Việt Nam trong năm 2021, Inventec, đối tác lắp ráp chính AirPod cũng đang có kế hoạch xây dựng cơ sở mới ở Việt Nam.
Nhưng Việt Nam không phải là cái tên duy nhất được nhắc đến trong nỗ lực đa dạng hoá của các tập đoàn sản xuất công nghệ. Mexico, Indonesia, Malaysia, đặc biệt là Ấn Độ cũng được cân nhắc kỹ lưỡng.
Apple đang có kế hoạch chuyển bớt 20% công suất lắp ráp iPhone ở Trung Quốc sang Ấn Độ trong 2 năm tới, theo thông tin từ tờ Economic Times bản Ấn. Trong các tháng đầu năm 2020, báo chí nước ngoài dẫn tin Wistron sẽ sản xuất bảng mạch in của iPhone ở một nhà máy miền Nam Ấn Độ. Một nhà máy lắp ráp thứ 2 của Wistron sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4/2020.
Apple thực tế đã thiết lập hoạt động sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ trong nhiều năm trước đó. Điện thoại iPhone XR của Apple được sản xuất tại nhà máy của đối tác Foxconn ở Chennai - thủ phủ của bang Tamil Nadu. Ngoài ra, Apple còn lắp ráp các mẫu iPhone SE, iPhone 6S và iPhone 7 tại một nhà máy ở Bengaluru - thủ phủ của bang Karnataka.
Hoạt động sản xuất các mẫu điện thoại thông minh iPhone tại Ấn Độ sẽ giúp Apple tránh mức thuế 20% mà Chính phủ Ân Độ áp dụng đối với các công ty nhập khẩu thiết bị điện tử. Ngoài ra, Apple nhận thấy có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán sản phẩm tại thị trường Ấn Độ thông qua việc sản xuất sản phẩm ngay tại nước này, từ đó tăng doanh số ở thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới.
"Việt Nam cần lưu tâm đến Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác trong nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài", ông Đinh Trường Hinh Chủ tịch EGAT (Virginia, Hoa Kỳ) nói.
Đặc biệt lưu tâm đến Ấn Độ, ông cho biết hiện nước này đã liên lạc để lôi kéo trên 1.000 công ty ngoại quốc, đa số là Mỹ, ở trong các lãnh vực y tế, công kỹ nghệ hiện đang có chuỗi cung ứng ở Trung Quốc. Trong số 1.000 công ty này, có trên 300 công ty đã bắt đầu chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng thế giới từ Trung Quốc qua Ấn Độ. Các công ty này nằm trong các lĩnh vực điện thoại di động, điện tử, dụng cụ y khoa, và dệt may.
"Ấn Độ đang cố gắng đưa ra những gói ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư từ Mỹ. Ấn độ đã hạ mức thuế doanh nghiệp từ 25% xuống đến 17%, một trong những mức thuế thấp nhất ở châu Á nhằm khuyến khích đem FDI vào nội địa", ông nói.
Nước này cũng đang kiếm cách giảm giá sản xuất để làm cho việc đầu tư trở nên hấp dẫn hơn. Theo sự tính toán của họ, giá lao động của các nước châu Á như Việt Nam rẻ hơn khoảng 10-15 % nhưng bù lại với dân số 1,2 tỷ người, họ có thể hấp dẫn các công ty Mỹ bám vào thị trường nội địa và yếu tố này có thể bù lại 6-7%. Như vậy, giá sản xuất của họ sẽ gần với các nước châu Á khác.