Từ cái chết đau đớn của Vinaxuki, tiến sĩ ĐH Fulbright đã chỉ ra điểm cốt tử của kinh tế Việt Nam là đang thiếu đi loại “keo dính đặc biệt” này
Thế nhưng, nhìn lại tình hình Việt Nam, chúng ta có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ, mà đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ có 10 lao động trở xuống. Chúng ta chỉ có trên dưới 2% là doanh nghiệp lớn và còn lại là 2% số doanh nghiệp vừa. 2% doanh nghiệp vừa là quá ít, không đủ để tạo kết nối giữa DN nhỏ và DN lớn.
Hôm 10/3, tại buổi hội thảo khoa học quốc tế mang tên "Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035", Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. HCM – đã đưa ra quan điểm của mình về việc phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai 10 năm tới.
Trong phần phỏng vấn, ông Tự Anh đã tập trung quan điểm của mình vào việc công nghiệp Việt Nam vẫn thiếu hệ thống các ngành công nghiệp phụ trợ, và chính điều này sẽ là rào cản cản bước tiến của cả nền công nghiệp trong tương lai sắp tới.
Vinaxuki hay các doanh nghiệp, các ngành khác "chết" cũng vì thiếu công nghiệp phụ trợ
Lấy ví dụ ở ngành ô tô thì có thể thấy giờ đây ngay cả tại những doanh nghiệp có công nghệ cao nhất, bộ phận quan trọng nhất của một chiếc ô tô là động cơ (chiếm 40-45% giá trị ô tô) thì chúng ta vẫn phải đi nhập khẩu.
“Vinaxuki là một ví dụ cho thấy khát vọng thôi thì chưa đủ. Khát vọng phải đi đôi với nguồn lực, phải đi đôi với những điều kiện từ thể chế, phải đi đôi với cả một hệ sinh thái mà trong đó có doanh nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ” – ông Tự Anh lấy ví dụ về giấc mơ ô tô Việt Nam.
Sự thực là sản xuất ô tô nói riêng và sản xuất công nghiệp nói chung đang rất thiếu các ngành mang tính hỗ trợ để làm bàn đạp cho sự phát triển. Đối với riêng ô tô ở đây, các ngành công nghiệp hỗ trợ ở đây chính chế tạo thép hay ngành logistics.
Vậy tại sao bài toán công nghiệp phụ trợ, suốt mấy mươi năm đã được nhắc đến, mà vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa ?
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông “định danh” (từ của ông Tự Anh) ngay vấn đề chính là việc thiếu các doanh nghiệp vừa: “Công nghiệp hỗ trợ phải đi đôi với cả hệ sinh thái. Mà một trong số những điều rất quan trọng của hệ sinh thái là phải có doanh nghiệp cỡ vừa”.
Theo vị tiến sỹ, doanh nghiệp vừa có vai trò rất quan trọng trong cả nền kinh tế. Một mặt, các doanh nghiệp này là đối tượng có đủ quy mô, đủ nguồn lực và năng lực để kết nối với các tập đoàn lớn. Một mặt nó cũng giúp đưa các doanh nghiệp nhỏ vào trong chuỗi cung ứng, làm cầu nối với các doanh nghiệp lớn.
Thế nhưng, nhìn lại tình hình Việt Nam, chúng ta có khoảng 96% là doanh nghiệp nhỏ, mà đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ có 10 lao động trở xuống. Chúng ta chỉ có trên dưới 2% là doanh nghiệp lớn và còn lại là 2% số doanh nghiệp vừa.
“Như vậy, làm sao 2% số doanh nghiệp vừa có thể kéo 96% mà đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ để kết nối với 2% ông lớn còn lại trong nền kinh tế Công nghiệp Việt Nam cần phải giải được bài toàn này”, ông Tự Anh nhận định.