Từ bán đồ ‘nhái’, chỉ có 8 follower đến thương hiệu 6 tỷ USD sở hữu 10 triệu fan trên Instagram

08/12/2020 09:39 AM | Kinh doanh

Năm 2019, có hơn 2,3 tỷ lượt truy cập vào các nền tảng khác nhau của thương hiệu thời trang này.

Thành lập năm 2000, đến nay, thương hiệu thời trang ASOS đã trở thành một nhà bán lẻ toàn cầu sở hữu phần lớn thị phần thời trang dành cho giới trẻ. Từ khởi đầu khiêm tốn, giờ đây giá trị của ASOS đạt hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, thành công của thương hiệu không xảy ra trong một sớm một chiều mà nhờ nhiều chiến lược kết hợp cùng nhau.

ASOS được Robertson và Griffiths thành lập năm 2000 tại London, chuyên "nhái" các sản phẩm do người nổi tiếng mặc và bán lại cho người tiêu dùng trẻ với giá rẻ hơn đáng kể. Đến năm 2001, công ty bắt đầu chuyển hướng sang các sản phẩm khác chứ không bắt chước như ban đầu.

Không lâu sau, số chi nhánh của ASOS đã lên tới 850. Lúc này, công ty đẩy mạnh các chiến dịch marketing để mở rộng sang thị trường nước ngoài, bao gồm Mỹ. Thời điểm hiện tại, ASOS có mặt tại 196 quốc gia với hơn 4.000 nhân viên.

Từ bán đồ ‘nhái’, chỉ có 8 follower đến thương hiệu 6 tỷ USD sở hữu 10 triệu fan trên Instagram - Ảnh 1.

Một cửa hàng của ASOS.

Với sự cạnh tranh của nhiều thương hiệu thời trang khác, ASOS vẫn giữ được sức hút, một phần là nhờ sự đa dạng. Sản phẩm của họ có 30 kích cỡ khác nhau và luôn khuyến khích người tiêu dùng yêu quý cơ thể mình.

ASOS thiết kế một chương trình hỗ trợ khá hiệu quả, giúp khách hàng chọn được món đồ vừa vặn và ưng ý nhất. Dịch vụ khách hàng cũng rất linh hoạt, với chính sách giao hàng và trả lại miễn phí.

Theo thời gian, ASOS đã xây dựng mối quan hệ đối tác thân thiết với nhiều tập đoàn và tổ chức như nhóm hoạt động LGBTQ+ nổi tiếng – GLAAD, đội đua công thức 1 McLaren, hay CoppaFeel, một trong những tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng của Anh hoạt động với mục đích nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú. Ngoài ra, thương hiệu còn tài trợ trang phục cho các vận động viên khuyết tật thuộc Hiệp hội Paralympic của Anh với mục đích giúp họ cảm thấy tự tin hơn. Những sự hợp tác ý nghĩa trên đã giúp ASOS được người tiêu dùng yêu mến.

Các phương tiện truyền thông xã hội là yếu tố quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu của ASOS. Một trong những dự án mang lại lợi nhuận cao nhất kể từ năm 2007 là phát hành tạp chí thời trang ASOS.

Tuy nhiên, cùng sự phát triển của Internet và mạng xã hội, công ty nhận ra rằng ấn phẩm bằng giấy đã lỗi thời. Họ bắt đầu gần như từ con số 0, với 1 người theo dõi trên Twitter, 8 người theo dõi trên Instagram và 10 người đăng ký nhận email. Việc đăng tải thường xuyên trên Facebook và Instagram với nội dung khéo léo về sản phẩm đã giúp ASOS có nhiều người theo dõi và mua hàng hơn.

Thời điểm hiện tại, tài khoản Facbeook của ASOS có hơn 6,8 triệu người theo dõi trong khi tài khoản Instagram của thương hiệu có hơn 10,9 triệu người theo dõi. Năm 2019, có hơn 2,3 tỷ lượt truy cập vào các nền tảng khác nhau của ASOS. Không ngủ quên trên chiến thắng, ASOS vẫn tiếp tục sáng tạo nhiều chiến dịch mới để phát triển.

Gần đây, công ty đang tập trung vào một số dự án của ASOS Foundation, tổ chức hợp tác với các đối tác phi lợi nhuận để hỗ trợ tài chính cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở Ấn Độ, Anh và Kenya.

Về thời trang bền vững, họ đã khởi động một chương trình thời trang hợp tác với Trung tâm Thời trang Bền vững của Đại học Thời trang London, bao gồm nhiều chương trình tái chế quần áo để bảo vệ môi trường.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM