Từ 25 tỷ USD còn 167 triệu USD: Công ty cho vay tiền số Celsius sụp đổ như thế nào?

21/07/2022 15:32 PM | Kinh doanh

Hồ sơ phá sản cho thấy công ty có hơn 100.000 chủ nợ, trong đó một số người cho nền tảng này vay tiền mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào.

Việc Celsius đệ đơn phá sản không khiến nhiều người ngạc nhiên. Ảnh: Reuters
Việc Celsius đệ đơn phá sản không khiến nhiều người ngạc nhiên. Ảnh: Reuters

Việc Celsius đệ đơn phá sản không phải điều gì đó khiến mọi người phải bất ngờ. Trước đó khoảng một tháng, hãng cho vay tiền số này đã ngừng cho phép khách hàng rút, chuyển tiền. Dù không phải một cú sốc, sự sụp đổ của công ty vẫn là một vấn đề lớn với lĩnh vực tiền điện tiền tử.

Tháng 10/2021, CEO Alex Mashinsky cho biết Celsiu quản lý khối tài sản trị giá 25 tỷ USD. Dù thị trường tiền số lao dốc, công ty vẫn quản lý khoảng 11,8 tỷ USD tính đến tháng 5, theo trang web của hãng. Với dư nợ khoảng 8 tỷ USD, Celsius là một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực cho vay tiền mã hóa.

Hiện Celsius chỉ còn 167 triệu USD “tiền mặt” để hỗ trợ các hoạt động trong quá trình tái cơ cấu. Theo hồ sơ phá sản, công ty nợ người dùng khoảng 4,7 tỷ USD và có một khoản lỗ 1,2 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán.

Tất cả những điều này cho thấy đòn bẩy giống như một thứ gây nghiện, nhưng thời điểm bạn rút hết tiền, “bữa tiệc” sẽ rất khó để tiếp tục.

Sự sụp đổ của Celsius đánh dấu vụ phá sản lớn thứ ba trong hệ sinh thái tiền điện tử chỉ trong hai tuần. Sự kiện này được ví như “khủng hoảng Lehman Brothers" của tiền mã hóa – so sánh tác động từ cú ngã của một công ty cho vay tiền điện tử với sự sụp đổ của một ngân hàng lớn ở Phố Wall vào khủng hoảng tài chính 2008.

Không rõ sự sụp đổ của Celsius có lan rộng ra ngành công nghiệp tiền mã hóa hay không. Nhưng thời kỳ khách hàng thu về những khoản lợi nhuận 2 chữ số đã qua. Đối với Celsius, việc hứa hẹn những mức lợi nhuận hấp dẫn được xem như một phương tiện để tiếp cận người dùng mới và đây cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến sự sụp đổ của công ty.

Ai sẽ là người lấy lại được tiền?

Ba tuần sau khi Celsius dừng cho khách hàng rút tiền vì “điều kiện thị trường khắc nghiệt” và một vài ngày trước khi nộp đơn xin phá sản, nền tảng này vẫn đăng quảng cáo trên trang web của mình, in đậm mức lợi nhuận gần 19%/năm.

Những lời hứa hẹn như vậy giúp công ty nhanh chóng thu hút người dùng mới. Celsius cho biết họ có 1,7 triệu khách hàng, tính đến tháng 6.

Hồ sơ phá sản cho thấy công ty có hơn 100.000 chủ nợ, trong đó một số người cho nền tảng này vay tiền mà không cần bất kỳ tài sản thế chấp nào. Danh sách 50 chủ nợ không có bảo đảm hàng đầu bao gồm công ty Alameda Research của tỷ phú Sam Bankman-Fried và một công ty đầu tư có trụ sở tại Quần đảo Cayman.

Các chủ nợ này có khả năng là những người đầu tiên xếp hàng để lấy lại tiền – nếu có bất kỳ thứ gì để lấy.

Sau khi đệ đơn xin phá sản, Celsius nói rằng “hầu hết các tài khoản hoạt động sẽ bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới” và "không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cho phép khách hàng rút tiền vào thời điểm này".

Từ 25 tỷ USD còn 167 triệu USD: Công ty cho vay tiền số Celsius sụp đổ như thế nào? - Ảnh 1.

Các vết nứt tiếp tục lan trên khắp các ngóc ngách của thị trường tiền số. Ảnh: Reuters


Trong phần câu hỏi thường gặp, Celsius cho biết việc tích lũy thưởng cũng bị tạm dừng thông qua quy trình phá sản theo Chương 11. Hiện cũng chưa rõ là sau khi mất nhiều năm để hoàn tất thủ tục phá sản, khách hàng có thể nhận lại tiền hay không và ai sẽ là bên nhận được tiền đầu tiên.

Không giống như hệ thống ngân hàng truyền thống thường đảm bảo tiền gửi của khách hàng, các công ty cho vay tiền mã hóa không có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng khi sự cố xảy ra.

Trong các điều khoản và điều kiện của Celsius, bất cứ tài sản kỹ thuật số nào được chuyển sang nền tảng đều tạo ra một khoản vay cho Celsius. Do không có tài sản thế chấp nào, khoản tiền của khách hàng chỉ là những khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Bên cạnh Celsius, một nền tảng cho vay tiền điện tử khác là Voyager Digital với 3,5 triệu khách hàng gần đây cũng nộp đơn phá sản.

Sự chệch hướng đến từ đâu?

Vấn đề lớn nhất của Celsius là mức lợi nhuận gần 20%/năm mà họ hứa hẹn với khách hàng là không thực tế. Trong một vụ kiện, nền tảng cho vay bị cáo buộc tạo ra mô hình Ponzi, tức trả tiền cho những khách hàng cũ bằng số tiền vừa huy động từ các khách hàng mới.

Celsius cũng đầu tư tiền vào các nền tảng khác mang lại lợi nhuận cao tương tự, để giữ cho mô hình kinh doanh của mình tiếp tục phát triển.

Một báo cáo từ The Block cho thấy rằng Celsius đã đầu tư ít nhất nửa tỷ USD vào Anchor - nền tảng cho vay hàng đầu của dự án stablecoin UST neo với đồng USD. Anchor hứa trả lãi 20%/năm trên số lượng UST mà các nhà đầu tư nắm giữ – tỷ lệ mà nhiều nhà phân tích cho là không bền vững.

Celsius là một trong nhiều nền tảng đầu tư tiền vào Anchor. Đây là lý do hàng loạt cú sập xảy ra sau khi dự án UST sụp đổ hồi tháng 5.

"Họ luôn phải tạo ra lợi nhuận. Do đó, họ đổ tiền vào những tài sản hứa hẹn sinh lời cao và không phòng ngừa rủi ro", ông Nik Bhatia - nhà sáng lập của The Bitcoin Layer nhận định.

Đối với khoản chênh lệch 1,2 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán, Bhatia đánh giá đó là mô hình quản lý rủi ro kém và thực tế là tài sản thế chấp đã được các tổ chức cho vay bán hết.

Tất nhiên, Celsius không phải trường hợp duy nhất. Các vết nứt đang tiếp tục lan trên khắp các ngóc ngách của thị trường tiền số.

“Niềm tin đang bị xói mòn nghiêm trọng, các tiêu chuẩn bảo lãnh đang được thắt chặt, khả năng thanh toán cũng bị giám sát. Vì vậy, nhà đầu tư đang rút thanh khoản khỏi các công ty cho vay tiền số”, Nic Carter, nhà quản lý tại Castle Island Ventures – quỹ chuyên đầu tư vào Blockchain bình luận.


Theo Linh Lam

Cùng chuyên mục
XEM