TS. Võ Trí Thành: Ít nhất từ nay đến tháng 6/2021 không phải thời của bất động sản đầu cơ

18/11/2020 16:22 PM | Xã hội

Theo ông Thành, hãy đầu tư dài hạn và cẩn trọng với đòn bẩy tài chính (dù tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi). 4 yếu tố TS Thành lưu ý khi đầu tư vùng ven là tiềm năng kết nối, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các chủ đầu tư "đầu đàn" và tiềm năng tăng trưởng của tỉnh. Bất động sản công nghiệp tiếp tục được các chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho biết ít nhất đến tháng 6/2021 không phải là thời của bất động sản đầu cơ. “Hãy đầu tư dài hạn và cẩn trọng với đòn bẩy tài chính (dù tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi)”, ý kiến trên được ông Thành đưa ra tại hội thảo Chiến lược đầu tư thời Covid-19 do Tạp chí Thương gia tổ chức sáng nay (18/11).

Ông Thành cũng cho rằng sự phát triển của ngành bất động sản có xu hướng dồn về các địa phương giáp ranh các đô thị lớn TP HCM, Hà Nội... Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chú ý 4 yếu tố khi đầu tư vùng ven, bao gồm tiềm năng kết nối, sự quyết liệt của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các chủ đầu tư "đầu đàn" và cuối cùng mới tới tiềm năng tăng trưởng của tỉnh. Với ông Thành, tính kết nối của địa phương về hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt quan trọng nhất khi lựa chọn địa phương để đầu tư.

Đánh giá chung, ông Thành nói thị trường địa ốc 2019 - 2020 khá "trầm", nguồn cung tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM hạn chế, giá nhà tăng mạnh. Bất động sản công nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm và có dư địa phát triển.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cũng đồng quuan điểm bất động sản công nghiệp là một điểm sáng thị trường. Hiện nay, việc đầu tư vào bất động sản công nghiệp không chỉ là xây dựng khu công nghiệp lớn mà còn là xây dựng chuỗi hậu cần logistics khép kín, trong đó gồm chuỗi cung ứng, khu công nghiệp, hậu cần kho bãi... Đây là bài toán lớn mà thị trường Việt Nam cần phải cân nhắc, đặc biệt sau khi gia nhập EVFTA và nền kinh tế kinh tế thế giới đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước lân cận.

Đầu tư bất động sản công nghiệp chính là hình thành chuỗi giá trị khép kín, cùng với hệ thống cảng biển nước sâu và cơ sở hạ tầng từng bước được thay đổi. Nếu làm đúng, ông Khương đánh giá Việt Nam sẽ được xem như là Trung Quốc +1.

Chuyên gia đến từ Savills Việt Nam đánh giá Covid-19 tác động lên mọi mặt của nền kinh tế, trong đó có bất động sản. Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, nhiều chủ đầu tư gặp khó về tài chính, mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay. Thông thường, trong các dự án nhà ở thương mại, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10 - 20% còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay cực kỳ khó, huy động vốn từ khách hàng là bài toán nan giải.

Trong phân khúc bất động sản thương mại với vòng quay vốn 10 - 15 năm, các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nguồn chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh.

Khổng Chiêm

Cùng chuyên mục
XEM