TS. Nguyễn Khánh Hòa phủ nhận detox, cảnh báo rất nhiều tác hại
Giải độc cơ thể bằng phương pháp thải độc (detox), thải độc tế bào là không có cơ sở khoa học, thậm chí là có hại.
LTS: Thời gian qua, trên mạng rộ lên rất trào lưu "thải độc" (detox, hay còn gọi là thải độc tế bào) khiến cho rất nhiều người quan tâm, áp dụng theo. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học rất lo ngại đến tác hại của các phương pháp này đối với sức khỏe con người.
TS.Bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa - Quản lý labo các chất vận chuyển nucleotide, Bộ môn Dược lý, Khoa Y và Nha, Trường Đại học Alberta, Canada - cho rằng việc "nhắm mắt" chạy theo trào lưu mà không hiểu bản chất khoa học thì rất nguy hiểm. TS Hòa khuyên những ai đang có ý định hoặc đang thực hiện các biện pháp detox theo kiểu này nên dừng lại kẻo muộn.
Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu bài viết với sự tìm tòi sâu sắc của TS.Bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa.
Gần đây, rất nhiều phương tiện thông tin bao gồm báo chí, các trang mạng cũng như người dân tự rỉ tai nhau về một phương pháp làm sạch cơ thể khỏi các chất độc hại từ thực phẩm, từ ô nhiễm môi trường… gọi là phương pháp thải độc (detox) hoặc thải độc tế bào [1,2,3].
Thậm chí, một thương hiệu được quảng cáo rất nhiều trên cả truyền hình còn tổ chức cả một buổi tọa đàm trực tuyến với một số chuyên gia là các giáo sư, bác sĩ ở khoa chống độc bệnh viện Bạch Mai, Viện Ung thư, Viện dinh dưỡng về phương pháp thải độc tế bào để quảng bá cho sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, rất đáng chú ý là trong buổi tọa đàm trực tuyến này, tất cả các chuyên gia đều phản đối phương pháp thải độc.
PGS.TS. Phạm Duệ khẳng định: "Tôi làm trong chuyên ngành chống độc đã nhiều năm. Tôi chưa thấy có tài liệu nào nói về giải độc cơ thể bằng detox như các bạn nói. Phương pháp này có thể nói là kỳ quái.
Theo tôi, phương pháp này chỉ có thể có tác dụng với người bị táo bón giúp tẩy độc, đưa tất cả chất thải, phân ra ngoài. Mà phương pháp chữa táo bón này chỉ có thể áp dụng trong 1, 2 ngày là cùng. Hiện nay, chữa táo bón cũng có nhiều cách. Theo tôi, không nên áp dụng giảm cân hay thanh lọc cơ thể bằng phương pháp detox". [4]
Vậy các chuyên gia đã sử dụng những cơ sở khoa học nào để đưa ra những phủ nhận về phương pháp này?
1. Tế bào không có khả năng thải độc, vì vậy không có cái gọi là phương pháp "thải độc tế bào"!
Tế bào là thành phần cơ bản để tạo nên các cơ quan trong cơ thể. Bao bọc xung quanh tế bào là một màng rất mỏng có bản chất là lipid, xen kẽ các phân tử lipid là các phân tử protein có nhiệm vụ đảm bảo cho chức năng trao đổi chất cũng như phản ứng của tế bào đối với môi trường xung quanh.
Môi trường xung quanh tế bào là môi trường tương đối ổn định về mặt vật lý cũng như hóa học như độ pH dao động xung quang 7,4, áp suất thẩm thấu cân bằng với áp suất thẩm thấu bên trong tế bào, nồng độ các ion, protein, glucose, lipid… nằm trong giới hạn cho phép để tế bào có thể phát triển ổn định [5].
Chất độc là các chất có khả năng làm hại tế bào (hóa chất, vi sinh vật) bằng cách phá vỡ màng tế bào, thâm nhập vào tế bào làm rối loạn chức năng của tế bào, kết hợp với protein, hoặc DNA trong tế bào làm thay đổi khả năng sinh trưởng và phát triển của tế bào [6].
Các sản phẩm của quá trình trao đổi chất của tế bào như aceton, pyruvic acid, ure, CO2, gốc tự do… khi bị ứ trệ với nồng độ vượt quá giới hạn cho phép trong tế bào cũng có thể gây hại cho tế bào.
Tùy thuộc vào nồng độ cũng như thời gian tiếp xúc với chất độc mà tế bào có thể có những mức độ phản ứng khác nhau gồm:
- Với các chất là sản phẩm chuyển hóa của tế bào, tế bào sẽ thải trực tiếp ra môi trường xung quanh và nhờ các cơ chế sinh lý của cơ thể, các chất có hại này sẽ được thải ra ngoài cơ thể thông qua hệ hô hấp (CO2), hệ tiêu hóa qua quá trình chuyển hóa ở gan rồi thải qua đường mật, ure thải qua nước tiểu hoặc mồ hôi.
- Với chất độc liều thấp, tế bào còn khả năng đề kháng thì tế bào sẽ tự đóng gói các chất độc vào trong các túi nhỏ để cô lập hoàn toàn chất độc, trả lại môi trường bình thường cho tế bào phát triển. Quá trình này gọi là autophagy.
Ở cơ quan có chức năng khử độc của cơ thể như gan, thận thì chất độc trong các túi này sẽ được chuyển hóa thành chất không độc hoặc ít độc hơn rồi thải ra ngoài theo đường mật, qua phân hoặc theo đường tiết niệu ra nước tiểu [7].
- Với liều cao hơn, tế bào không đủ sức đề kháng, thì quá trình chết theo chương trình (apoptosis) của tế bào sẽ xảy ra, nhân tế bào sẽ bị phá hủy trước rồi sau đó toàn bộ tế bào sẽ bị thoái hóa dần.
- Với liều gây độc cao hơn nữa, tế bào sẽ chết và bị phá vỡ nhanh chóng, quá trình này gọi là necrosis [7].
Khi tế bào chết, nó sẽ giải phóng ra một số hóa chất để kêu gọi các đại thực bào trong cơ thể đến để dọn dẹp các tế bào chết, tránh cho chất độc cũng như các sản phẩm sinh ra từ các tế bào chết giải phóng ngược trở lại môi trường làm ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác.
Trường hợp có quá nhiều tế bào chết cùng lúc, lượng hóa chất phản ứng nhiều lên sẽ xảy ra hiện tượng viêm, quá trình viêm sẽ dẫn đến việc hình thành một hàng rào ngăn cản không cho chất độc cũng như các chất gây viêm phát tán ra toàn cơ thể, tạo thành một khối viêm [7].
Tuy nhiên khối viêm sẽ lại gây tác động có hại đến các tổ chức lành xung quanh nếu không được kiểm soát tốt.
Ví dụ về viêm gan trong nhiễm độc.
Giai đoạn khởi đầu, ngay khi xâm nhập vào cơ thể, tế bào gan đã bị chất độc tác động làm hoại tử tế bào (necrosis). Các tế bào hoại tử sẽ sản xuất ra các chất để hoạt hóa đại thực bào và cytokine để kích hoạt các quá trình chết theo chương trình, quá trình viêm và tăng sinh tế bào.
Các quá trình này sẽ gây nên hiện tượng thâm nhiễm các bạch cầu trung tính và đơn nhân tại khu vực tổn thương tạo thành một ổ viêm. Ổ viêm sẽ giải phóng ra các chất oxy hóa và các chất oxy hóa lại gây ra các thương tổn ở các tế bào gan lành [8].
Quá trình lặp lại liên tục tế bào chết kéo theo viêm, rồi sản xuất ra chất gây chết các tế bào lành sẽ dẫn tới hiện tượng phá hủy tế bào gan hàng loạt và cuối cùng dẫn tới hiện tượng gan nhiễm mỡ. Toàn bộ các quá trình này kéo dài sẽ dẫn tới việc xuất hiện các tế bào ung thư và tạo nên ung thư gan [9].
Như vậy ngay sau khi chất độc xâm nhập vào cơ thể, nó đã có tác động gây hại đến tế bào và kích hoạt các phản ứng của cơ thể, không có quá trình tế bào thải chất độc ra ngoài, chỉ có các sản phẩm của quá trình chuyển hóa, trao đổi chất của tế bào là được tế bào trực tiếp đào thải ra ngoài môi trường rồi nhờ hệ tuần hoàn chuyển đến các cơ quan có chứa năng xử lý chất độc xử lý và thải ra ngoài.
Quá trình này thực chất là quá trình trao đổi chất thông thường và không thể coi là quá trình thải độc.
Để tăng cường đào thải các sản phẩm của quá trình trao đổi chất, chúng ta chỉ cần tăng cường chức năng của các cơ quan liên quan như hô hấp, tuần hoàn, bài tiết.
Tăng cường hô hấp bằng thể dục, hít thở không khí trong lành, tăng cường chức năng của hệ tuần hoàn bằng các bài tập thể dục, chơi thể thao.
Tăng cường chức năng bài tiết bằng cách uống đủ nước sạch, tránh nhịn tiểu, tránh ăn uống các chất quá chua, quá cay ảnh hưởng đến nồng độ pH nước tiểu.
Đối với chất độc ngoại sinh (hóa chất, vi khuẩn), tế bào không có khả năng đào thải mà chỉ có khả năng cô lập chất độc tránh cho chất độc hoặc vi khuẩn làm ảnh hưởng đến môi trường hoặc tế bào khác. Khi bản thân tế bào không đủ khả năng, nó chết và kêu gọi sự hỗ trợ của cơ quan chuyên trách của cơ thể là hệ miễn dịch để cô lập chất độc [7].
Các phương pháp điều trị hiện nay để loại bỏ chất độc cấp tính ra khỏi cơ thể gồm có: Biện pháp tăng thải, hạn chế hấp thu ở đường tiêu hoá, da, hô hấp, tăng thải qua đường tiểu, qua gan, lọc máu ngoài thận và trung hòa chất độc đặc hiệu [10].
Cho tới hiện nay, chưa có phương pháp nào giúp cho tế bào tăng cường đào thải chất độc ngoại sinh ra khỏi tế bào. Để ngăn chặn tác hại của độc chất, không cho tổn thương lan rộng, các nhà khoa học đang nghiên cứu các phương pháp ngăn chặn quá trình viêm bằng thuốc chống viêm [11].
2. Phương pháp giải độc bằng detox không những không có hoặc có rất ít tác dụng mà còn có thể gây hại
Các phương pháp thải độc detox đang được lan truyền hiện nay chủ yếu bao gồm các nguyên lý như sau [12]:
- Nhịn ăn
- Uống nước hoặc nước có pha thêm một số chất khác như nước mía, nước chè pha đường, nước chanh, nước cam hay một loại hoa quả, thảo dược nào đó.
Thải độc (detox) bằng nước hoa quả
Về bản chất khi nhịn ăn, cơ thể sẽ giảm bớt việc thu nạp dinh dưỡng vì vậy quá trình trao đổi chất giảm đi dẫn tới các sản phẩm của quá trình trao đổi chất giảm đi, cơ thể có thể được thanh lọc một phần khỏi sản phẩm của chuyển hóa.
Tuy nhiên, khi nhịn ăn kéo dài, tế bào sẽ không có đủ năng lượng để hoạt động, cơ thể sẽ phải huy động kho dự trữ là mỡ (lipid) và protein trong cơ thể. Sử dụng lipid nhưng không đủ glucose sẽ dẫn tới việc tăng sinh các thể cetonic gây độc cho tế bào, sử dụng protein sẽ dẫn tới hủy hoại cơ đồng thời làm tăng ure trong máu [13].
Uống nhiều nước hoa quả, đặc biệt là các loại quả có chứa nhiều acid sẽ làm giảm pH trong máu gây ra các rối loạn nặng nề và có thể gây chết [14].
Tình trạng nhịn đói kéo dài còn dẫn đến thiểu sản niêm mạc ruột và ngừng tiết enzyme trypsin tại tụy và ruột non. Khi người bệnh được cho ăn lại thì không tiêu hóa được protein làm tăng sinh vi khuẩn C.welchi type C tại ruột, các độc tố do khuẩn này tiết ra này không bị trypsin phân hủy sẽ gây viêm ruột hoại tử [14].
Các thảo dược, hoặc hoa quả sử dụng cùng với nước trong các thực đơn detox chủ yếu là các loại hoa quả có chứa chất chống oxi hóa hoặc tăng cường miễn dịch hoàn toàn không có khả ăng trung hòa hay loại bỏ chất độc cũng như tăng cường khả năng giải độc của gan hoặc thận vì vậy chúng hoàn toàn không có khả năng giải độc.
Cũng phải lưu ý hiện nay một số thảo được được cho là có tác dụng giải độc lại có khả năng gây viêm gan như Lô hội (Aloe Vera) [15], nước ép trái Nhàu (Noni juice from Morinda citrifolia) [16, 17].
Tóm lại: Để làm sạch tế bào khỏi sản phẩm của quá trình trao đổi chất cần tăng cường chức năng của các cơ quan hô hấp, tuần hoàn, bài tiết và tiêu hóa. Cách tốt nhất để tăng cường chức năng của các cơ quan này là tăng vận động thể lực, uống đủ nước, ăn vừa phải, đủ dinh dưỡng, đủ vitamin và hít thở không khí trong lành.
Khi cơ thể bị nhiễm độc, chất độc ngay lập tức tác động vào tế bào và gây ra một chuỗi phản ứng làm để kích hoạt quá trình viêm. Quá trình viêm bị kích hoạt quá mức sẽ tự khuếch đại và làm tổn hại thêm các tổ chức khác mà không phải do chất độc gây nên.
Để ngăn chặn, cũng như giảm thiểu tác hại của các chất độc trong thực phẩm, cách tốt nhất là sử dụng thực phẩm sạch, không hoặc ít chứa độc tố, ăn nhiều rau xanh, hoa quả để tăng cường điều hòa hệ thống miễn dịch, tránh phản ứng quá mức.
Phương pháp thải độc bằng detox thông qua việc nhịn ăn phối hợp với uống các loại nước hoa quả, thảo dược không có nhiều tác dụng vì không có khả năng giải độc mà chỉ có tác dụng làm tăng cường hệ thống miễn dịch hoặc chống oxi hóa, đôi khi còn có hại vì có thể gây đói, suy dinh dưỡng, chảy máu dạ dày, viêm ruột và có thể tử vong…
Vì vậy tốt nhất không nên sử dụng phương pháp detox để loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể.
Cân nhắc khi bỏ tiền mua các sản phẩm được quảng cáo là có chức năng thải độc vì thực chất đó chỉ là các sản phẩm có chứa chất chống oxi hóa, tăng cường chức năng miễn dịch, không có chức năng thải độc. Một số sản phẩm được quảng cáo là có chức năng giải độc lại có khả năng gây độc.
Tài liệu tham khảo
1. http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/321489/thai-doc-te-bao-dang-cuc-hot-o-ha-noi-tp-hcm.html
2. http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/322702/thai-doc-te-bao-ngua-ung-thu-vi-thuc-pham-ban.html
3. http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20160325/chi-em-hoa-mat-voi-quang-cao-thai-doc-co-the/1073401.html
4. http://suckhoedoisong.vn/truyen-hinh-truc-tuyen-phuong-phap-thai-doc-te-bao-giup-ngan-ngua-ung-thu-n122099.html
5. Guillaume Charras & Erik Sahai. Physical influences of the extracellular environment on cell migration. Nature Reviews Molecular Cell Biology 15, 813–824 (2014) doi:10.1038/nrm3897
6. http://nature.berkeley.edu/~dnomura/pdf/Lecture6Mechanisms3.pdf
7. Sten Orrenius, Pierluigi Nicotera, and Boris Zhivotovsky. Cell Death Mechanisms and Their Implications in Toxicology, TOXICOLOGICAL SCIENCES 119(1), 3–19 (2011) doi:10.1093/toxsci/kfq268.
8. Giulia Malaguarnera, Emanuela Cataudella, Maria Giordano, Giuseppe Nunnari, Giuseppe Chisari, Mariano Malaguarnera. Toxic hepatitis in occupational exposure to solvents. World J Gastroenterol 2012 June 14; 18(22): 2756-2766 ISSN 1007-9327 (print) ISSN 2219-2840.
9. Maria Eugenia Guicciardi, Harmeet Malhi, Justin L. Mott, and Gregory J. Gores. Apoptosis and Necrosis in the Liver. Compr Physiol. 2013 April ; 3(2): . doi:10.1002/cphy.c120020.
10. http://baigiangykhoa.edu.vn/ngo-doc-cap-cuu/chuan-doan-cap-cuu-va-dieu-tri-ngo-doc-cap.html
11. https://www.sciencedaily.com/releases/2006/09/060911013549.htm
12. http://giammonhanh.com.vn/tag/detox-giam-can
13. http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/271577/bac-si-dinh-duong-len-tieng-ve-phuong-phap-detox-thai-doc-co-the.html
14. http://tintuc24honline.net/2016/08/31/them-nhieu-nguoi-suyt-tu-vong-vi-thai-doc-co-the.html
15. http://soha.vn/cay-lo-hoi-rat-doc-khi-su-dung-khong-dung-cach-2016051310585275.htm
16. Ha Na Yang, Dong Joon Kim, Young Mook Kim, Byoung Ho Kim, Kyoung Min Sohn, Myung Jin Choi, and Young Hee Choi. Aloe-induced Toxic Hepatitis. J Korean Med Sci. 2010 Mar; 25(3): 492–495. Published online 2010 Feb 17. doi: 10.3346/jkms.2010.25.3.492
17. Yuce B, Gulberg V, Diebold J, Gerbes AL. Hepatitis induced by Noni juice from Morinda citrifolia: a rare cause of hepatotoxicity or the tip of the iceberg? Digestion. 2006;73(2-3):167-70. Epub 2006 Jul 11.