TS. Nguyễn Đình Cung: Sân bay nhỏ sẽ thúc đẩy hạ tầng, hệ sinh thái du lịch địa phương bứt phá

31/10/2022 08:57 AM | Xã hội

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhu cầu của địa phương phát triển kết nối, trong đó có kết nối hàng không, sân bay là nhu cầu chính đáng, giúp khai thác tiềm năng, tạo động phức phát triển du lịch, kinh tế trong trung và dài hạn.

Liên quan đến việc nhiều địa phương đề xuất nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bên lề Tọa đàm “Sân bay nhỏ cho kinh tế địa phương cất cánh” TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đây là nhu cầu chính đáng của các địa phương. Do đó, quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc đang được dự thảo là rất quan trọng. Nếu quy hoạch không hợp lý sẽ thành điểm nghẽn phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Thưa ông, hiện nay địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch nhưng đang bị rào cản về hạ tầng giao thông đề xuất xây dựng các sân bay nhỏ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tôi cho rằng việc phát triển thêm các sân bay nhỏ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh mạng lưới sân bay tại Việt Nam vẫn được cho là "mỏng" hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở, nhu cầu đi lại, giao thương đang ngày càng gia tăng.

Trong tương lai, hàng không sẽ trở thành xu hướng phát triển mang tính chủ lực, nếu không bắt kịp chúng ta sẽ tụt hậu. Do đó, tôi cho rằng nhiều địa phương có động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế-xã hội, trong đó, xây dựng sân bay như một điểm nhấn trong hệ sinh thái của địa phương.

Ông có thể nói rõ hơn vai trò của sân bay trong việc kết nối hệ sinh thái địa phương?

Nhu cầu của địa phương phát triển kết nối, trong đó có kết nối hàng không, sân bay là nhu cầu chính đáng, giúp khai thác tiềm năng, lợi thế. Động lực này có thể tạo khởi sắc trong trung hạn. Như với tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Quảng Trị…muốn phát triển để khai thác lợi thế, kết nối là không thể thiếu, trong đó kết nối về hàng không là khả thi nhất, hiệu quả nhất, trong khi đầu tư có thể là ít nhất so với đầu tư về đường bộ.

Chẳng hạn du lịch Hà Giang, qua quảng bá mọi người đều biết đến và muốn chiêm nghiệm ngay. Hay đặc sản địa phương phải được tiêu dùng trong ngày, qua đó thể hiện kết nối phát triển là nhu cầu hiện thực. Có kết nối sẽ giúp hiện thực hóa nhu cầu, qua đó hiện thực hóa tiềm năng phát triển.

Tôi cho rằng xây dựng sân bay là điểm nhấn của hệ sinh thái. Nếu thiếu sân bay, trong một số trường hợp hệ sinh thái sẽ không thể hiện thực được mục tiêu.

Rõ ràng việc phát triển các sân bay là đòn bẩy cho phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nguồn vốn khi tổng vốn đầu tư cho một sân bay không hề nhỏ?

Đừng nghĩ xây sân bay là phải Nhà nước. Nhà nước chỉ nên tập trung một số cái lớn còn đâu phân cấp cho địa phương để họ chủ động bố trí vốn và huy động từ khu vực tư nhân. Tư nhân giờ không chỉ có vốn mà còn có kỹ năng quản trị, kinh doanh và tạo lập hệ sinh thái phát triển cho địa phương. Tư duy phải thay đổi thì mới tạo ra sự đột phá.

Theo quy hoạch, hai phần ba tổng số sân bay nên giao cho địa phương kêu gọi đầu tư vì nguồn lực của ACV hạn chế. Các sân bay nhỏ phải để tư nhân đầu tư vì họ đánh giá phương án kinh doanh, phát triển đồng bộ cả vùng.

Tôi cho rằng Nhà nước tạo thể chế, công cụ để các địa phương kêu gọi nhà đầu tư tham gia làm sân bay. Muốn vậy phải xây dựng quy hoạch mở, không mang tính chủ quan của người xây dựng theo kiểu nhìn vào chân mình đoán tương lai.

Để có thể phát triển được hiệu quả phát triển quy hoạch mạng lưới sân bay, theo ông chúng ta cần chú ý gì trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?

Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc đang được dự thảo là rất quan trọng. Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đang "chốt cứng" 28 cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 và 31 cảng hàng không vào năm 2050.

Nếu nhu cầu vượt quá con số trong quy hoạch thì tính "động" và "mở" của quy hoạch nên như thế nào? Tôi cho rằng quy hoạch là cần thiết nhưng quan trọng là quy hoạch phải hợp lý nếu không sẽ là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Hơn nữa, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ rất mất thời gian và làm lỡ cơ hội phát triển của địa phương.

Cùng với đó, tôi cho rằng nên cho phép địa phương có sáng kiến tốt hơn được chạy trước chứ không phải năm nay thì Lào Cai, năm sau mới đến Hà Giang hay Quảng Trị…

Xin cảm ơn ông!

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM