TS. Nguyễn Đình Cung khuyến nghị du lịch Việt Nam phải sáng tạo với tư duy "trồng lúa trên sa mạc"
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương nhấn mạnh vai trò của tính sáng tạo trong ngành du lịch bằng cách ví von: “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn, trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường”.
Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành Du lịch” diễn ra vào sáng nay (22/12), do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đã đặt ra nhiều vấn đề cũng như các giải pháp cho ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tổng thu của ngành năm 2017 dự kiến đạt 500.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2016 (400.700 tỷ đồng). Từ 2011 đến 2016, du lịch nội địa tăng từ 30 triệu lên 62 triệu lượt khách, du lịch quốc tế tăng từ 6 triệu lên 10 triệu lượt.
Ngành du lịch đã đóng góp 6,96% GDP và 67,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2016. Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh nhất.
Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Con số này dự kiến tăng lên đến 13 triệu trong năm nay. Trong đó, Đông Bắc Á và Đông Nam Á là hai thị trường trọng điểm, lần lượt chiếm 55% và 15% trong tổng số khách du lịch nước ngoài.
Mặc dù ngành du lịch Việt Nam nhìn chung đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đạt được mục tiêu năm 2030, đóng góp 12% cho GDP. Tăng trưởng nhanh nhưng khoảng cách giữa du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn rất lớn.
Hội thảo đã đưa ra 8 nhóm vấn đề cùng giải pháp kèm theo. Trong đó cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng sáng tạo là nhân tố cốt lõi. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, nhấn mạnh vai trò của tính sáng tạo trong ngành du lịch bằng cách ví von: “Người ta trồng lúa trên sa mạc mới là hấp dẫn, trồng lúa trên cánh đồng lúa là chuyện bình thường”.
Thứ nhất, tái cơ cấu sản phẩm du lịch cần được chú trọng. Các sản phẩm du lịch thực tế còn nghèo nàn, tính sáng tạo của sản phẩm còn yếu. Ví dụ, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch lịch sử chiến tranh nhưng chưa tận dụng được. Hội thảo đưa ra những gợi ý phát triển một số sản phẩm như sân golf, các hoạt động du lịch ngoài trời, du lịch mua sắm hay bán dịch vụ condotel (bất động sản du lịch cho người nước ngoài).
Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, cho biết: “Đến Mỹ, tôi bỏ ra nửa ngày để xem bảo tàng đường sắt. Tôi bỏ ra nửa ngày để xem bảo tàng xay sát hay xem bảo tàng Đại học Quốc gia. Chúng ta có một số bảo tàng về chiến tranh nhưng nói chung những sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo còn thiếu”.
Thứ hai, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe, tính mạng cho du khách cần được cải thiện. Ngành du lịch cần “tuyên chiến” với các loại rác thải. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh công cộng cũng là vấn đề gây nhức nhối. Các vấn nạn như ăn xin, đeo bám, lừa đảo cũng cần giải quyết dứt điểm. Để thực hiện được điều này, Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành các bộ chỉ số đánh giá và công bố bảng xếp hạng cho các địa phương hằng năm.
Thứ ba, chính sách visa du lịch cần được mở rộng. Nếu như Thái Lan miễn visa cho 65 nước, Malaysia miễn cho 155 nước hay Singapore miễn cho 157 nước thì Việt Nam mới chỉ miễn visa du lịch cho công dân của 23 nước.
Ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh “visa du lịch không phải là vấn đề song phương”. Điều đó có nghĩa là visa tùy thuộc vào chính sách du lịch của mỗi quốc gia. Việt Nam cần miễn visa với nhiều quốc gia hơn nữa, đồng thời đơn giản hóa thụ tục cấp visa và phát triển visa online.
Thứ tư, quảng bá du lịch cần được đầu tư nhiều hơn nữa. Quảng bá du lịch là một trong những “nút cổ chai” chính đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam do hoạt động tiếp thị cả trong và ngoài nước đều chưa được đầu tư đúng mức. Để tháo được nút thắt này, ngành du lịch cần nhanh chóng tháo gỡ cả về nguồn ngân sách lẫn mô hình tổ chức thực hiện.
Thứ năm, phát triển cơ sở lưu trú có chất lượng và chuyên nghiệp. Số lượng cũng như chất lượng của các nhà nghỉ, khách sạn có vẻ còn chưa tương xứng với lượng du khách ngày càng tăng thêm. Hội thảo đề xuất quy hoạch xây dựng khách sạn nội đô và rà soát hệ thống nhà nghỉ để nâng cấp trở nên chuyên nghiệp.
Thứ sáu, các tiêu chí du lịch bền vững cần được làm rõ. Phát triển du lịch và phát triển bền vững vẫn là vấn đề gây tranh cãi lâu nay với các địa điểm như Sapa, Sơn Trà hay Phú Quốc. Vì vậy để giảm thiểu xung đột giữa phát triển du lịch và bảo tồn thiên nhiên, Nhà nước cần ban hành bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững để làm cơ sở đánh giá.
Thứ bảy, nâng cấp hạ tầng sân bay và vận tải hàng không. Cả nước hiện có 21 sân bay, tuy nhiên, tổng công suất của 21 sân bay này mới bằng công suất của 1 sân bay ở Thái Lan hay Singapore. Số hãng hàng không khai thác ở Việt nam cũng ít hơn các nước trong khu vực. Do đó, nước ta cần thống nhất chủ trương “mở cửa bầu trời”, tự do hóa vận tải hàng không để nâng cấp cả số lượng và chất lượng dịch vụ này.
Cuối cùng, nâng cấp quản lý về du lịch là cần thiết. Hội thảo đề xuất thành lập Bộ du lịch riêng và Quỹ phát triển du lịch thay vì Tổng cục du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như hiện nay.