TS Đặng Hoàng Giang lên tiếng cho uẩn ức người trẻ: Đó là một khu vườn bí ẩn, rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn

01/07/2020 11:18 AM | Sống

"Tôi muốn biết về thế giới của họ, muốn hiểu họ yêu gì, ghét gì, khao khát gì, hy vọng gì, họ đau buồn, hoang mang ra sao. Bởi vì, ngoài việc buông ra những lời phàn nàn và phán xét rằng người trẻ "lười", "ích kỷ", và "vô cảm", đã bao giờ chúng ta ngồi xuống và nghiêm túc lắng nghe họ?", TS Đặng Hoàng Giang.

"Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" tập hợp chân dung của các bạn trẻ trên dưới 20 tuổi, thuộc quãng tuổi đời mà tác giả gọi là "hậu tuổi thơ": Thời kỳ người ta đã để lại tuổi thơ ở đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính.

Khu vườn nhiều uẩn ức của người trẻ

Trong 2 năm tìm gặp và "nói chuyện với tất cả các bạn có nhu cầu chia sẻ", tác giả, TS Đặng Hoàng Giang không đoán được rằng những người trẻ đấy đã dắt tay ông "đến những nỗi đau, những uẩn ức, những vết thương tuổi thơ". "Tôi tưởng trong đầu các bạn sẽ chỉ có yêu đương, hút cần, tình dục, bỏ học… Nhưng không ngờ, đó lại là một khu vườn bí ẩn, rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn", ông nói tại sự kiện mới nhất ở TP.HCM.

"Ngồi đó và quan sát họ, tôi hay có cảm giác mình được mời vào một khu vườn kín mà từ trước đến nay chưa có ai bước vào. Nó vẫn đang biến động, và có lẽ chính chủ nhân cũng không bao giờ có thể khám phá hết mọi ngóc ngách của nó. Tôi thấy biết ơn khi được mời vào những khu vườn đó. Chúng khiến tôi khi mỉm cười, lúc thương xót, khi thấy ấm áp, lúc thấy băng giá. Trong nhiều khoảnh khắc, tôi thấy thiêng liêng. Tôi cảm nhận được gánh nặng của việc làm người trên vai họ", tác giả ghi trong lời tựa cuốn sách.

Đọc sách, ta gặp nhiều giọt nước mắt, những mảng màu u xám và tổn thương tinh thần.

"Suốt đời tôi đã cố gắng, con ngoan, học sinh giỏi, nhưng mọi sự chả đi tới đâu cả. Tôi thấy kiệt sức. Tôi chỉ muốn được nghỉ, muốn trốn đến một nơi nào đó để không phải lo nghĩ mình phải lớn lên như thế nào, mình phải là ai. Nơi mà tôi được yêu thương bởi tôi là tôi, chứ không phải vì tôi đang làm cái gì đó cho người ta".

"Chưa bao giờ bố mẹ vượt qua được nỗi thất vọng mà tôi gây ra cho họ, và vẫn ép tôi thi vào Nhạc viện, để thành "cái gì đó tử tế".

"Tương lai… Tương lai là cái khiến tôi đau đầu nhất. Mỗi khi mẹ tôi hỏi, ơ độ này con không làm gì à, để thời gian lãng phí thế à, con định tương lai của con thế nào, thì tôi không trả lời được".

"Tôi luôn bị ám ảnh bởi cảm giác mình có lỗi. Có lần tôi nói với mẹ là sẽ tốt hơn nếu tôi không được sinh ra. Cuộc sống của tôi đầy đau đớn, ở nhà thì thấy mình có lỗi, ở trường thì bị cô độc".

TS Đặng Hoàng Giang lên tiếng cho uẩn ức người trẻ: Đó là một khu vườn bí ẩn, rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn - Ảnh 1.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang trong buổi gặp gỡ

Sẽ không dễ nếu phải dùng một hai từ khoá để nói về gánh nặng những nhân vật trong "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" phải mang. Có người từng bị bạo lực thể chất, người bị bỏ mặc vì bố mẹ ly hôn, một bạn trẻ khác vì quá gần gũi với mẹ mà cái tôi của chính mình trở nên mờ nhạt, người lại đau khổ vì bị cấm đoán đam mê hay khổ sở với gia đình vì mình là người đồng tính. Rất khác nhau, nhưng có lẽ họ gặp nhau ở một điểm: Bị tổn thương bởi người thân (cha mẹ, ông bà), dù đôi khi bên gây nên tổn thương cũng không nhận ra ảnh hưởng tiêu cực mình tạo ra cho con cái.

Những tổn thương đó khiến người trẻ đau đớn, tác động đến nhiều khía cạnh: Học hành, công việc, mối quan hệ… Cao nhất là khiến họ khó khăn trong việc sống một cuộc đời độc lập, hạnh phúc, đúng với mong muốn của bản thân.

Một điểm chung khác nằm ở khoảng cách của những người trẻ này với người lớn và sự phán xét họ phải lặng lẽ chấp nhận. Bỏ học đại học, có trải nghiệm tình dục sớm, phá thai, hút cần, cạo đầu, xăm mình…, người lớn thường coi đó là dị hợm, hư hỏng hay vô bổ. Thậm chí, trong cuốn sách, những bạn trẻ có đam mê hoạt động cộng đồng, xã hội cũng không được hiểu hay trân trọng.

Một nhân vật đau xót kể về lúc cô thông báo bỏ học đại học với thầy giáo: "Chắn hẳn thầy cho rằng tôi là một đứa lười biếng và không có trách nhiệm với bản thân".

Một bạn trẻ khác nói về nỗi bế tắc trong việc chia sẻ cảm xúc với bố mẹ: "Bị mắng nhiều quá, có hôm tôi bảo, ‘Bố mẹ có biết vì sao con không ăn cơm nhà, vì sao con về muộn không? Con đang buồn…’ Mẹ chặn tôi, quát, ‘Buồn cái gì, mày thì có cái gì mà buồn? Sao mày không buồn thay cho bố mẹ mày phải kiếm tiền ấy?’"

TS Đặng Hoàng Giang lên tiếng cho uẩn ức người trẻ: Đó là một khu vườn bí ẩn, rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn - Ảnh 2.

Rất nhiều bạn trẻ đã tới cuộc gặp gỡ và đối thoại với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang về những ám ảnh, góc khuất sâu kín trong tâm hồn

Khao khát được người lớn lắng nghe

Cuốn sách của TS Đặng Hoàng Giang không lãng mạn hoá hay bi kịch hoá những câu chuyện của người trẻ. Mà ông "chạm" đến những nỗi niềm phổ quát họ đang đối diện hàng ngày, quan sát, cố gắng lắng nghe, kể lại chân thực nhất có thể.

Có một mô tả thay được cho những lời đánh giá. Trong những buổi giao lưu của tác giả tại Hà Nội và mới đây là Sài Gòn, khán giả ngồi lên những bậc thang lên xuống trong hội trường vì tất cả ghế đều đã kín chỗ, và sau khi mỗi buổi nói chuyện kết thúc, luôn có một hàng dài những độc giả trẻ, cầm sách trên tay chờ xin chữ ký tác giả.

Trong phần đầu sách, TS Đặng Hoàng Giang bộc bạch: "muốn nắm bắt những rung động nhỏ nhất, những chuyển động li ti nhất trong một tâm hồn, những vật lộn để trả lời các câu hỏi vĩnh cửu của tuổi trẻ".

Để làm được điều đó, như một phần của nhiệm vụ nan giải, vị tiến sĩ người Áo gốc Việt tóc đã hai màu từng đành lòng ngồi chung với người trẻ trong một quán hút cần lúc nửa đêm (bởi họ đâu thể "hút vào giờ hành chính" như ông muốn!). Tác giả cũng kỳ công "xâm nhập" vào quán game nghe tụi trẻ chửi thề hay chạy tới Circle K vào lúc 2 giờ đêm cùng với một bạn trẻ để quan sát họ trong không gian đó, ở thời điểm đó.

Nhưng trở ngại được tác giả nhắc đến đầu tiên, không nằm ở sự chênh lệch về nhịp sống của hai bên, mà là "phép thử lòng kiên nhẫn" và việc ngăn chính mình không phán xét, không "rơi vào tâm thế của người lớn".  

"Cái khó nhất là làm sao tôi tìm được những người đồng ý kể với tôi về tuổi thơ của họ, về tình yêu, tình dục, về chuyện họ bỏ học, tự tử như thế nào, về những phân vân của họ. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để toát ra sự kiên nhẫn của mình", TS chia sẻ, "Mình có mong muốn gặp, nhưng trong mình có sự vội vàng thì các bạn sẽ không muốn kể".

TS Đặng Hoàng Giang lên tiếng cho uẩn ức người trẻ: Đó là một khu vườn bí ẩn, rất đẹp nhưng cũng rất đau đớn - Ảnh 3.

Trong buổi giao lưu mới nhất tại TP.HCM, tác giả nhớ lại cảm giác của ông khi dành nửa tiếng đồng hồ nghe một bạn nữ tâm sự chuyện yêu đương: "Lúc đấy, thật sự tôi nghĩ những chuyện này vớ vẩn quá, mình phải mất 2 năm cuộc đời để nghe những chuyện như thế này hay sao, lẽ ra tôi phải quan tâm đến những chuyện lớn lao hơn ngoài kia".

"Và đó là vấn đề rất lớn của người lớn. Họ cho rằng con mình yêu đương như thế nào là mấy chuyện ba lăng nhăng trẻ con", TS nói, "Khi đó tôi nhận ra tâm thế người lớn của mình. Tôi đã không coi trọng sự vật vã mất ngủ vì bị người yêu bỏ quan trọng như thế nào với bạn ấy. Và nếu mình không nhận ra sự quan trọng đó, mình sẽ không kết nối được".

Người trẻ luôn khao khát được người lớn lắng nghe mà không phán xét, không đánh giá, như tác giả nói: "Có bạn đi một nửa thành phố, đến gặp tôi trong một trưa nắng, ngồi khóc sướt mướt, nước mắt nước mũi nhoe nhoét, khóc xong đi về".

Hay như lời một bạn trẻ nói với tác giả trong cuốn sách: "Làm sao mà tôi có thể nói chuyện với họ như tôi và bạn đang nói chuyện với nhau? Liệu bạn có thể giúp để tạo ra một cầu nối giữa chúng tôi và người lớn, để có thể tạo ra một sự nhận ra, đơn giản vậy thôi? Nhận ra, ngẫm nghĩ, rồi điều chỉnh hành động của mình cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn?"

"Có lẽ với rất nhiều bạn, trong 20 năm cuộc đời bạn, chưa có một người lớn nào ngồi xuống và nghe các bạn ấy như tôi đã nghe", TS Đặng Hoàng Giang nói, "Tôi đến nhà, xem tủ quần áo của các bạn, bạn rất tự hào rằng áo cháu mua ở đây, giày cháu mang như thế này. Việc có một người lớn quan tâm đến tủ quần áo, âm nhạc, đến những cuốn sách của mình cho các bạn một cảm giác ấm áp. Đó cũng là một cảm giác và trải nghiệm mới lạ vì từ trước đến nay, những gì các bạn nhận được là một sự lạnh lẽo, thờ ơ và trách móc của người lớn".

"Nhiều lần tôi tự hỏi tại sao các bạn đến với tôi? Tôi không cho các bạn ấy tiền, không cho cơ hội làm việc, cũng không cho lời khuyên. Nhưng tôi có thể nghe và cho các bạn một sự tin tưởng vào bản thân các bạn.

Ví dụ, tôi bảo: Tôi nghĩ bạn là một người có trách nhiệm với cuộc đời của mình. Đấy là sự thật, là suy nghĩ thật của tôi. Và đấy có thể cũng là điều mà các bạn chưa bao giờ nghe được từ bố mẹ mình.

‘Bố mẹ tin con là đứa có trách nhiệm với cuộc đời con’ – Có những bạn trẻ rất xuất sắc, suy nghĩ nhiều, rất có trách nhiệm với bản thân và gia đình, với cộng đồng nhưng chưa bao giờ nhận được lời nhận xét như vậy", TS chia sẻ.

"Người trẻ cần xác lập ranh giới với người thân và phát ra thông điệp rõ ràng về quyền được sống cho bản thân, quyền được mưu cầu hạnh phúc, với một thái độ cương quyết nhưng phi bạo lực".

"Triết lý về giáo dục của tôi là làm sao một đứa trẻ lớn lên phải thành một cá nhân độc lập: Độc lập trong tư duy, độc lập trong việc xác định hệ giá trị của mình, độc lập trong chuyện biết rằng cần phải làm gì cho mình, về trách nhiệm với người khác, với cộng đồng.

Có những điều bố mẹ cho là "xấu" nhưng đối với bạn trẻ lại là điều vô cùng cần thiết để tạo nên con người bạn. Ví dụ, bố mẹ bảo bạn yêu người đồng tính là làm xấu hổ bố mẹ, nhưng với bạn trẻ thì đó là bản chất và họ cần sống với bản chất của mình. Một bạn nữ có thể đi bảo tồn ở châu Phi chẳng hạn mà không lấy chồng, bố mẹ sẽ cho rằng đấy là một việc rất tệ, nhưng việc đấy không "xấu", bạn ấy đang sống đúng với con người bạn", TS Đặng Hoàng Giang.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM