Truy nguồn gốc 2,5 tấn dầu đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà

14/10/2019 21:06 PM | Xã hội

Bộ TN-MT cho biết đang phối hợp với Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình truy tìm chủ nguồn thải của 2,5 tấn dầu đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT sáng nay ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Tổng cục đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm đổ dầu vào đầu nguồn của nhà máy nước sạch sông Đà.

Đây là nguồn nước sạch cung cấp cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của TP Hà Nội.

Đầu nguồn cấp nước thô cho nhà máy nước sạch sông Đà có con suối Trâm, chảy vào kênh dẫn nước nhà máy sản xuất nước sạch thuộc xã Phúc Minh và Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Đêm 8/10, người dân sống quanh khu vực 2 xã Phúc Minh, Phúc Tiến phát hiện có 1 xe tải loại 2,5 tấn đổ trộm dầu ra suối Trâm. Ngay trong đêm, khu vực có mưa to nên dầu tràn ra, lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà. Sau đó, công nhân nhà máy phát hiện dầu trên kênh, đã huy động người đến vớt dầu.

“Hành động vô trách nhiệm của DN hay cá nhân nào đó đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước sạch sông Đà - vốn là nguồn rất quan trọng trong cung cấp nguồn nước cho người dân Hà Nội. Do vậy, cần kiểm soát tốt nguồn nước đầu nguồn này nếu không hậu quả sẽ khôn lường”, ông Thức nói.

Trước câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm của nhà máy nước sạch sông Đà khi phát hiện ra dầu loang mà vẫn dùng nguồn nước này để sản xuất nước sạch, ông Thức cho biết đã giao cho Cục Môi trường miền Bắc làm việc với Sở TN-MT tỉnh Hoà Bình để làm rõ trách nhiệm.

Truy nguồn gốc 2,5 tấn dầu đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà - Ảnh 1.

Dầu đổ trộm gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Ảnh: TPO

Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn có xu hướng gia tăng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho biết, ô nhiễm không khí của Hà Nội, TP.HCM năm nay có khác thường so với năm khác, ô nhiễm cục bộ có tăng lên. Trước đó Hà Nội, TP.HCM thông tin kịp thời về hiện trạng ô nhiễm.

Ngày 7/10, Bộ có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình ô nhiễm ở các đô thị lớn, kiến nghị Thủ tướng các giải pháp.

Nguyên nhân vì sao tháng 9 ô nhiễm không khí, bụi mịn PM2.5 tăng cao, ông Thức cho biết, qua rà soát từ 2013 đến nay, tháng 9 năm nay ít mưa nhất trong vòng 6 năm qua. Trong tháng 9 có xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, bình thường không khí thoát lên cao, nghịch nhiệt thì bụi lơ lửng, không thoát được.

Ngoài ra, việc người dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ cũng ảnh hưởng đến không khí nội đô.

Thông tin về mạng lưới quan trắc, ông Thức cho biết: mạng lưới quan trắc có hai loại trạm, chính xác nhất là từ những trạm quan trắc cố định, còn trạm cảm biến. Tuỳ theo vị trí đặt trạm, ví dụ, chỗ đó ùn tắc giao thông, mật độ xây dựng cao thì đều có cao hơn ngưỡng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục ở TP Hà Nội cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng từ ngày 12 đến ngày 17/9, sau đó giảm từ ngày 18-22/9 và tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày 23-29/9. Trong các ngày 15-17/9 và từ ngày 23-29/9 có đến trên 75% giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt quy chuẩn quốc gia. Đặc biệt, trong các ngày từ 25-29/9, toàn bộ các trạm đều có giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quy chuẩn quốc gia. Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường vào thời điểm đêm và sáng sớm. Chỉ số chất lượng không khí trong khoảng thời gian này cũng ở mức kém, thậm chí có những giờ lên đến mức xấu.

Theo Thái Bình

Cùng chuyên mục
XEM