Trưởng bộ phận Chuyển đổi số Decathlon VN: Tất cả doanh nghiệp được tạo ra đều có mục tiêu hoạt động, chứ không phải "ngủ đông"! Và sẽ có những “chú gấu” không thể tỉnh lại ngay “khi mùa xuân đến”...

24/04/2020 16:00 PM | Kinh doanh

Từ tháng 5/2020, có thể sẽ có những "chú gấu" không thể tỉnh lại ngay "khi mùa xuân đến" hoặc tỉnh lại nhưng sẽ không thể hoạt động năng nổ như những mùa xuân trước kia. Sự sàng lọc nguồn cung để cân bằng lại thị trường là điều không tránh khỏi theo quy luật cung - cầu. Khi đó chỉ có những doanh nghiệp đủ mạnh về nội lực, đủ linh hoạt để thích nghi với những nhu cầu mới, mới có thể đi tiếp được.

Đại dịch Covid-19 đã kéo dài 3 tháng, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh. Để hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch đến tình hình kinh doanh hiện tại, chúng tôi đã trao đổi với một số doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Bài phỏng vấn dưới đây ghi nhận ý kiến từ anh Nguyễn Huy Phương - Trưởng bộ phận Cải tiến liên tục và Chuyển đổi số (Continuous Improvement Leader/Industry 4.0 Leader) tại Công ty TNHH Decathlon Việt Nam – thành viên của tập đoàn Decathlon toàn cầu.


* PV: Chào anh Phương. Nhiều ý kiến ví von khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 lần này với SARS năm 2003 và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo góc nhìn của anh, khủng hoảng do đại dịch COVID-19 lần này ở mức độ nào đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung?

- Anh Nguyễn Huy Phương: Kể từ cuối năm 2018 cho đến 2019, kinh tế thế giới đã ở giai đoạn suy trầm với liên tiếp những biến cố chính trị - xã hội, thậm chí là biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Kèm với đó, thói quen mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng tại thời kỳ mới cũng đã thay đổi nhanh trong những năm gần đây khiến các doanh nghiệp dịch vụ và sản xuất cũng gặp khó khăn để bắt kịp xu hướng.

Tin tốt là cho đến trước đại dịch Covid 19 bùng phát, dù có những thách thức như vậy, nhu cầu mua bán - tiêu dùng dù đang thay đổi, hay giảm sút nhưng vẫn còn, nên bản thân các doanh nghiệp đang có sự sàng lọc, sáp nhập, biến đổi từ từ để đưa ra những nguồn cung phù hợp.

Cùng với sự mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, virus Covid-19 đã lây lan rất nhanh, chỉ trong 3 tháng, từ phạm vi một thành phố của Trung Quốc (Vũ Hán), đã lan ra đến 95% quốc gia, ảnh hưởng đến toàn cầu. Có thể nói khủng hoảng 2020 là chưa từng có tiền lệ trong thế kỷ 20 đến nay và đa phần chúng ta, từ quốc gia – đến doanh nghiệp – người dân, không có sự chuẩn bị cho biến cố này.

Những lần khủng hoảng trước (1929, 1973, 1997, 2008) thường được bắt đầu bằng sự sụp đổ của những đại gia tài chính hay bất động sản, kèm với những tín hiệu leo thang của vật giá, lãi suất ngân hàng, dầu khí. Khủng hoảng lần này thì khác, chưa gây ra một sự sụp đổ trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng gây ra sự đứt mạch của dòng chảy. Đáng ngại hơn đó là tâm lý e ngại của người dân về dịch bệnh sẽ còn kéo dài (cho đến khi có vacxin chữa bệnh được sản xuất đại trà). Điều này dẫn tới hệ quả mà chúng ta đang và sẽ chứng kiến đó là một cuộc khủng hoảng đi kèm với sự giảm phát.


* Cơn đại dịch này ảnh hưởng tới Decathlon Việt Nam ra sao? Công ty đã dự trù những kịch bản ứng phó thế nào?

- Anh Nguyễn Huy Phương: Theo dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất được cập nhật vào đầu tháng 4.2020 từ quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng 2020 sẽ ở mức -3% so với 2019, tức là -6% so với dự báo trước đó được đưa ra hồi tháng 10/2019 (khi đó IMF dự báo lạc quan về kinh tế thế giới 2020 với mức tăng trưởng +3,3%).

Tăng trưởng kinh tế dựa trên quá trình liên hồi của sự mua bán – giao thương - trao đổi hàng hóa và dịch vụ, khi quá trình này không còn diễn ra thì có nghĩa sự tăng trưởng cũng bị đóng băng theo. Trên thực tế, trong giai đoạn dịch bệnh hiện tại, quá trình này chỉ đang tiếp tục vận hành trơn tru đối với các ngành nghề giải quyết nhu cầu tối thiểu để duy trì sự tồn tại, như các ngành nghề cung cấp thiết yếu phẩm và lương thực. Vậy nên chắc chắn rằng đa số các doanh nghiệp còn lại đều sẽ bị ảnh hưởng trong dịch bệnh lần này, đương nhiên việc bị tác động ở mức độ nào sẽ tùy thuộc vào từng doanh nghiệp và các ngành nghề khác nhau.

Đối với Decathlon Việt Nam, lúc trước chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để đạt tăng trưởng +7 tới +10%/năm (cả về năng lực sản xuất, con người, mặt bằng, công cụ và trang thiết bị).

Hiện nay, trước bối cảnh dịch bệnh khó lường, chúng tôi cũng phải lên kế hoạch cho nhiều kịch bản khác nhau, thậm chí có cả kịch bản tăng trưởng là 0, tăng trưởng âm -5%, -10%, - 15%.... trong 2020.

Nói như vậy không có nghĩa chúng tôi bi quan cho tương lai, chúng tôi luôn tin tưởng sau giông bão, trời lại sáng, tăng trưởng sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn vấn đề dưới góc độ thực tế, đó là kinh tế cũng sẽ phải mất 6 tháng đến 2 năm để quay lại tốc độ của năm 2019.

Có một dẫn chứng đơn giản là các bạn hãy nhìn vào sự trượt dốc nghiêm trọng của giá dầu trên thế giới và sự sụt giảm năng suất khai thác dầu thô xuống 1/2 khả năng thực tế, để hiểu tính nghiêm trọng của vấn đề. Bởi vì ngành khai thác dầu mỏ phản ánh khá rõ nhu cầu về giao thông vận tải hàng hóa cũng như nhiên liệu để phát triển công nghiệp.

Trưởng bộ phận Chuyển đổi số Decathlon VN: Tất cả doanh nghiệp được tạo ra đều có mục tiêu hoạt động, chứ không phải ngủ đông! Và sẽ có những “chú gấu” không thể tỉnh lại ngay “khi mùa xuân đến”... - Ảnh 2.


* Với những kịch bản đã dự phòng, Decathlon đã có những hành động gì để ứng phó với tình hình mới và có chuẩn bị gì cho chiến lược quay trở lại sau dịch bệnh?

- Anh Nguyễn Huy Phương: Đối mặt với hoàn cảnh khó khăn hiện tại và trước mắt, chúng tôi đã và đang đưa ra những hành động nhanh, quyết liệt nhưng cũng linh hoạt để đối phó với từng biến chuyển của đại dịch:

Về mặt an toàn của nhân viên, chúng tôi đã yêu cầu các nhân viên làm việc tại nhà ngay từ giữa tháng 3 để đảm bảo an toàn cho nhân viên cũng như xã hội. Rõ ràng là khi làm việc ở nhà, dù có kết nối wifi tốt, tổ chức họp online thường xuyên nhưng hiệu quả làm việc và dòng chảy thông tin cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên tuân theo những chỉ đạo của thủ tướng đã đưa ra. Chúng tôi sẽ từng bước quay trở lại làm việc, tuân theo những chỉ thị tiếp theo của thủ tướng, một cách chậm rãi để đảm bảo sự an toàn tối đa.

Mặt khác, doanh thu hiện tại được tạo ra không đáng kể (chỉ dựa trên kênh bán online) so với nhịp độ bình thường của công ty. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang có những bước đẩy nhanh – mạnh – quyết liệt hơn nữa về việc bán sản phẩm Decathlon trên các trang web thương mại điện tử, tăng cường dịch vụ giao nhận hàng cũng như mạng lưới địa điểm nhận - đổi trả hàng (Click & Collect, iLogic Box). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh sự hình thành hệ sinh thái riêng dành cho những khách hàng của Decathlon (ecosystem) kết nối sản phẩm, người bán hàng, người chơi, huấn luyện viên và các câu lạc bộ thể thao.

Về mặt nhân sự, chúng tôi không ưu tiên chính sách cắt giảm người trong hoàn cảnh khó khăn (hardship). Thay vào đó, chúng tôi sẽ không tuyển thêm nhân viên mới như kế hoạch cũ. Chúng tôi cũng sẽ sắp xếp lại công việc, nhiệm vụ của mọi người trên tinh thần hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn và vẫn đảm bảo công ty có khả năng bứt phá trong tương lai. Vì vậy, nơi thừa nguồn lực sẽ bù nơi thiếu, đó cũng là khi mô hình xây dựng đội hình nhân viên đa kỹ năng chúng tôi đã - đang phát triển sẽ phát huy tác dụng. Ngoài ra, trước kia chúng tôi có những khoản thưởng hàng tháng dựa trên kết quả kinh doanh của công ty và KPI của team, nay chúng tôi quyết định, cùng với sự đồng ý của anh chị em nhân viên, tạm hoãn các khoản thưởng trên trong giai đoạn khó khăn chung của công ty và sẽ có lộ trình áp dụng trở lại khi có những tín hiệu tích cực hơn từ phía bán hàng. Quyết định như vậy sẽ phù hợp với hoàn cảnh cũng như là một cách thể hiện trách nhiệm của anh chị em nhân viên với công ty.

Về mặt chuỗi cung ứng và sản xuất, chúng tôi cùng các nhà cung cấp chiến lược giảm tốc độ sản xuất xuống nhiều lần. Đã có giai đoạn chúng tôi quyết định dừng sản xuất đến 2 tuần để điều chỉnh lại nguồn cung sao cho phù hợp với sự thiếu hụt của nhu cầu tiêu thụ hàng hóa (trên thực tế, rất nhiều cửa hàng của chúng tôi trên thế giới phải tạm thời đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ các nước nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng). Trong khi dừng sản xuất, chúng tôi cũng dành thời gian để rà soát lại toàn bộ tồn kho trong chuỗi cung ứng và đưa ra những dự đoán, kịch bản của thị trường trong tương lai. Tất cả các quyết định trên đều được đưa ra rất khẩn trương, tuy có khó khăn khi đưa ra nhưng các nhà cung cấp đều hợp tác vì mục đích cuối cùng để đảm bảo không sản xuất dư thừa, gây lãng phí nguyên vật liệu và tiền bạc... qua đó cũng giúp chúng tôi có thể tiếp tục sát cánh cùng các nhà cung cấp Việt Nam trong nhiều năm tiếp theo.

Về mặt đầu tư, chúng tôi tạm hoãn những dự án mà chưa bắt đầu trong 2020 và sắp xếp lại sự ưu tiên cho các dự định đầu tư đã được duyệt trước đây, dự án nào sẽ cần phải tiếp tục, thậm chí tăng tốc, dự án nào thì sẽ tạm "ngủ đông" chờ ngày quay trở lại.


* Trong khủng hoảng, yếu tố nào là quan trọng nhất trong khi lãnh đạo tổ chức? Theo anh, các nhà lãnh đạo cần chú ý những gì để doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong khủng hoảng?

- Anh Nguyễn Huy Phương: Theo ý kiến của cá nhân tôi, đối với vai trò của người quản lý để vượt qua giai đoạn hiện tại, có 5 việc nên làm trong giai đoạn này:

Hãy luôn nhắc nhở bản thân mình và mọi người về những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tại sao doanh nghiệp lại tồn tại ? Cần đảm bảo những giá trị cốt lõi mà công ty xây dựng, theo đuổi. Tuy có thể phải điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng không để bị sụp đổ hay thay đổi hoàn toàn trong khó khăn. Bởi khi gặp khó khăn cũng là lúc để chúng ta thử thách bản lĩnh và niềm tin của bản thân vào giá trị đã tạo nên công ty.

Lắng nghe - đồng cảm - và truyền cảm hứng. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, sẽ có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau giữa các nhân viên, giữa các phòng ban, giữa các đối tác… Vậy nên vai trò của người quản lý để hiểu, chia sẻ những khó khăn với nhân viên, đồng nghiệp, nhà cung cấp hay khách hàng là rất quan trọng. Điều đó không có nghĩa người quản lý có thể giúp được tất cả mọi người, nhưng chúng ta có thể giảm được áp lực cho những người khó khăn nhất, truyền được cảm hứng qua sự chia sẻ về những cách làm mới, giải pháp sáng tạo cho mọi người cùng cố gắng hơn khả năng để vượt qua thách thức trước mắt. Ngoài ra, chính thái độ của những người đứng đầu cũng sẽ truyền cảm hứng cho những đồng nghiệp anh em phía sau. Chúng ta phải là những người đầu tiên không bỏ cuộc, cởi mở với nhiều giải pháp, ý kiến khác nhau, nhưng quyết đoán trong việc đưa ra lựa chọn cuối cùng, dũng cảm, lạc quan đối mặt với thách thức thì qua đó, chúng ta sẽ kéo cả bộ máy đi lên.

Chú ý vào việc sắp xếp nguồn nhân lực vì chắc chắn trong giai đoạn khủng hoảng sẽ có cá nhân có khối lượng công việc giảm đi rất nhiều, nhưng cũng có những cá nhân lại có khối lượng công việc tăng thêm gấp 2-3 lần để chuẩn bị cho việc sắp xếp lại sản xuất - tái khởi động. Vậy nên, người quản lý cũng cần nhìn ra vấn đề này để cân đối lại nguồn lượng trong công ty, đảm bảo chỗ cần tạo ra giá trị vẫn sẽ được bổ sung đúng lúc đúng chỗ, chỗ không tạo ra giá trị thì sẽ được hạn chế tối đa.

Hãy luyện tập thể thao để luôn giữ cho tinh thần được thoải mái, trí óc được tỉnh táo, sức đề kháng cải thiện và có thể lực tốt để duy trì nhịp độ làm việc tốt khi quay trở lại sau dịch bệnh.

Duy trì nhịp độ làm việc và sự truyền tải của thông tin. Thường xuyên họp (online) từ quản lý cấp cao - quản lý cấp trung - nhân viên để chia sẻ, cập nhật thông tin để từ đó tất cả công ty đều hiểu hoàn cảnh, hiểu công việc cần làm và tại sao lại có những quyết định được đưa ra. Đây là giai đoạn quan trọng để tiếp tục phát huy trí tuệ tập thể và sự đồng lòng của toàn nhân viên đối với những định hướng đã được đưa ra. Điều này rất quan trọng vì hoàn cảnh thay đổi nhanh từng ngày, từng tuần, cần có sự linh hoạt tối đa từ nhân viên và cả hệ thống.


* Có doanh nhân cho rằng thời gian chống dịch doanh nghiệp nên “ngủ đông”, có người thì cho rằng trạng thái “ngủ đông” sẽ kéo theo hiệu ứng suy thoái kinh tế. Quan điểm của anh thì sao?

- Anh Nguyễn Huy Phương: Tất cả doanh nghiệp khi được người chủ tạo ra đều có mục tiêu hoạt động, chứ không vì mục đích “ngủ đông”. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoạt động dựa trên việc đáp ứng lại nhu cầu đang có của thị trường hoặc tự tạo ra nhu cầu mới cho thị trường (sản phẩm mới) hoặc kích thích nhu cầu cũ (sales ưu đãi đặc biệt, thẻ thành viên...). Vậy khi nhu cầu trong ngắn hạn không có, nhưng trong trung - dài hạn vẫn còn như đặc thù của tình hình hiện tại thì có nhiều doanh nghiệp quyết định “ngủ đông” chờ ngày trở lại.

Khi kinh tế quay trở lại, doanh nghiệp có thức dậy được hay không tùy thuộc trước hết vào nhu cầu của thị trường: liệu người tiêu dùng còn sẵn sàng sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ cũ nữa hay không? Sau đó là vào khả năng tạo ra, đáp ứng, thích nghi với nhu cầu mới của doanh nghiệp. Trong cả 2 trường hợp, doanh nghiệp đều có cơ hội để tự quyết định số phận bằng sự nỗ lực thay đổi để thích nghi trước khi kinh tế quay trở lại. Thực vậy, cũng như một “chú gấu” trong trạng thái ngủ đông, không có nghĩa là mọi bộ phận trong cơ thể “chú gấu” đều không hoạt động, doanh nghiệp cũng cần phải duy trì những hoạt động thiết yếu tối thiểu và tập trung đầu tư vào những bộ phận có vai trong bàn đạp cho quá trình quay trở lại sau giấc ngủ.

Tôi sẽ không ngạc nhiên khi từ tháng 5/2020, có thể sẽ có những "chú gấu" không thể tỉnh lại ngay "khi mùa xuân đến" hoặc tỉnh lại nhưng sẽ không thể hoạt động năng nổ như những mùa xuân trước kia. Sự sàng lọc nguồn cung để cân bằng lại thị trường là điều không tránh khỏi theo quy luật cung - cầu. Khi đó chỉ có những doanh nghiệp đủ mạnh về nội lực, đủ linh hoạt để thích nghi với những nhu cầu mới, mới có thể đi tiếp được.

Tuy nhiên, tôi cũng không có ý nói là toàn bộ các ngành nghề đều bị khó khăn trong bối cảnh hiện tại. Đâu đó, sẽ vẫn có những ngành nghề mà ở đó nhu cầu sẽ ra tăng đột biến một cách tự nhiên trong tình hình dịch bệnh hiện tại. Ví dụ như các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu hàng ngày (FMCG), dụng cụ y tế, dược phẩm, thực phẩm bổ sung, lương thực, viễn thông, giải trí truyền hình, lượng truy cập vào sàn thương mại điện tử, hay giấy vệ sinh…

Trưởng bộ phận Chuyển đổi số Decathlon VN: Tất cả doanh nghiệp được tạo ra đều có mục tiêu hoạt động, chứ không phải ngủ đông! Và sẽ có những “chú gấu” không thể tỉnh lại ngay “khi mùa xuân đến”... - Ảnh 3.

* Anh có khuyến nghị chính sách gì tới Chính phủ và các cơ quan hữu quan để giúp doanh nghiệp “giảm đau”, “tăng đề kháng” trong đại dịch COVID-19?

- Anh Nguyễn Huy Phương: Theo tôi, những bài toán mà chính phủ chúng ta phải giải đáp hiện tại là rất khó khăn và phức tạp. Có rất nhiều những quyết định cần phải đưa ra nhanh, nhưng lại có tính chất đối nghịch về mặt lợi ích. Ví dụ giữa việc đối phó với dịch bệnh và vấn đề phát triển kinh tế - giáo dục - giải trí - du lịch, giữa việc xuất khẩu vật tư y tế, nông sản và việc bảo đảm lượng dự trữ trong nước, giữa việc nhập khẩu thêm nhu yếu phẩm và duy trì, bảo vệ nguồn cung nội địa....

Tôi đã nhìn thấy một số chính sách hỗ trợ tích cực từ chính phủ và các cơ quan hữu trách như các chính sách tiền tệ bằng việc các ngân hàng giảm lãi suất vay hoặc giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, đồng thời tung gói cứu trợ cho vay với lãi suất 0%… tất cả nhằm hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp trong giai đoạn ngắn hạn.

Ngoài ra, còn có các chính sách về quản lý đầu tư công như giảm thuế doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, và có thể trong tương lai gần, chính phủ sẽ còn giảm thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế VAT... Bên cạnh đó, chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ giải ngân của một số dự án trọng điểm, giảm giá điện, đảm bảo sự bình ổn giá lương thực phẩm, một số hỗ trợ về thu nhập cho lao động mất việc làm vì dịch Covid 19…

Tôi cũng nhìn thấy những bước đi “nhẹ nhàng nhưng tinh tế và có chất” về mặt ngoại giao như tặng khẩu trang - dụng cụ y tế, quần áo bảo hộ, máy thở... hay tham gia chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch cho các nước, khu vực đang gặp khó khăn hơn chúng ta trong dịch Covid 19. Chính phủ dường như cũng đang có sự cố gắng tăng thêm năng lực của ngành viễn thông, và các nền tảng kỹ thuật số nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu dạy - học - làm việc từ xa.

Tuy nhiên, phải nhìn thực tế là có thể không phải 100% doanh nghiệp và người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận với tất cả các chính sách hỗ trợ vì ngân sách nhà nước cũng có hạn. Vậy nên, chúng ta cần tự ý thức rằng chính phủ đã và đang nỗ lực được 2-3 phần thì bản thân chúng ta cũng cần phải nỗ lực 7-8 phần còn lại để vực lại kinh tế với tinh thần Việt Nam. Và một trong những yếu tố quan trọng nhất đó chính là sự tin tưởng của người dân vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của đất nước, vào khả năng sẽ có vacxin phòng chống Covid-19 trong tương sắp tới, để từ đó những sinh hoạt và tiêu dùng như trước đây sẽ vào guồng trở lại, và kinh tế ắt sẽ nhanh chóng quay trở lại như trước.

* Cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của anh!

Trưởng bộ phận Chuyển đổi số Decathlon VN: Tất cả doanh nghiệp được tạo ra đều có mục tiêu hoạt động, chứ không phải ngủ đông! Và sẽ có những “chú gấu” không thể tỉnh lại ngay “khi mùa xuân đến”... - Ảnh 4.

Kiều Anh

Cùng chuyên mục
XEM