Trước khi thông báo dừng hoạt động, Moca đứng ở đâu trên thị trường ví điện tử?
Không những phải cạnh tranh với hàng loạt ví điện tử khác, đặc biệt là “ngôi vương” của MoMo, Moca còn thất thế trước ứng dụng của các ngân hàng.
"Công ty đã có những đánh giá cẩn trọng và đưa ra quyết định thực hiện chiến lược tái cấu trúc nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững. Theo đó, công ty ngừng cung cấp dịch vụ Ví điện tử Moca từ ngày 1/7/2024", Moca bất ngờ phát thông báo tới người dùng vào ngày 31/5.
Moca cho biết khách hàng nếu còn số dư trong ví Moca có thể chi tiêu cho các dịch vụ hoặc rút tiền về tài khoản/thẻ ngân hàng liên kết còn hoạt động từ nay đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 1/7/2024, Moca sẽ tiến hành hoàn tiền cho người dùng vẫn còn số dư trong tài khoản.
Trước đó, Moca cũng đã thông báo từ ngày 31/5 ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán hóa đơn trên ứng dụng Grab, đồng thời ngừng cung cấp 2 dịch vụ thanh toán hóa đơn và nạp tiền điện thoại trên ứng dụng Moca. Công ty cũng đổi địa chỉ trụ sở chính hồi đầu tháng 4/2024.
Trong mảng thanh toán điện tử, Grab hợp tác chiến lược với Moca từ năm 2018, liên tục đổi tên thành GrabPay, rồi tới GrabPay by Moca, sau đó lấy lại tên Moca. Grab cho biết sau khi ví điện tử Moca ngừng hoạt động, để tiếp tục thanh toán không tiền mặt, khách hàng có thể sử dụng các ví điện tử khác được tích hợp trên nền tảng như ZaloPay, MoMo hoặc thẻ ngân hàng.
Điều này cho thấy ngoài Moca, người tiêu dùng không thiếu sự lựa chọn thanh toán nhanh chóng và tiện lợi khác và thị trường ví điện tử cạnh tranh khốc liệt đến mức nào.
Theo báo cáo "The Connected Consumer quý 1/2024" của Decision Lab - đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam, MoMo vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu trong các nền tảng tài chính số, với tỷ lệ thâm nhập thị trường ấn tượng là 65%, cao hơn cả quý trước đó.
Đứng ở vị trí thứ hai là ZaloPay với tỷ lệ tương đối tốt là 44%, tạo cách biệt khá an toàn với phần còn lại của đường đua. Các vị trí tiếp theo lần lượt là ViettelPay (29%), ShopeePay (25%), ứng dụng riêng của các ngân hàng (23%), VNPAY (14%). Moca đứng cuối cùng trong bảng thống kê của Decision Lab, với tỷ lệ thâm nhập thị trường chỉ dừng lại ở 6%.
Xét đến mức độ cảm tình trong lòng người tiêu dùng, MoMo vẫn giữ "ngôi vương" với tỷ lệ yêu thích trong quý 1/2024 lên tới 43%, tăng 2% so với quý trước đó, nới rộng cách biệt trước các đối thủ.
Giữ vững vị trí thứ hai trong lòng người tiêu dùng là ứng dụng riêng của các ngân hàng, với tỷ lệ yêu thích là 17%. Xếp thứ ba là ZaloPay với 14%, giảm 2% so với quý trước đó.
Xét về mức độ yêu thích chia theo độ tuổi, Moca cũng không lọt vào top 5 yêu thích của bất cứ thế hệ nào.
MoMo vẫn được yêu thích nhất đối với tất cả các nhóm tuổi. Top 3 nền tảng được yêu thích đối với Gen Y (sinh từ năm 1981 đến 1996) và Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) có thêm ứng dụng riêng của các ngân hàng và ZaloPay.
Riêng với Gen X (sinh từ năm 1965 đến 1980), ViettelPay đã vươn lên vị trí thứ 3, thay thế ZaloPay.