Trước khi được VinFast mua lại, GM Việt Nam kinh doanh ra sao?

28/06/2018 15:42 PM | Kinh doanh

Với 25 năm hoạt động, GM nói chung và thương hiệu xe Chevrolet nói riêng là một trong những ông lớn trên thị trường ô tô còn non trẻ tại Việt Nam.

Ngày 14/02/1993 Công Ty Daewoo Motor Hàn Quốc và Xí Nghiệp Liên Hiệp Cơ Khí 7893 bộ quốc phòng liên doanh thành lập nên Công ty Ô Tô Daewoo Việt Nam (VIDAMCO) với tổng số vốn ban đầu là 32 triệu USD. Đến tháng 1/1995, nhà máy sản xuất lắp ráp đầu tiên được khởi công tại Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội.

Liên doanh này cho ra sản phẩm đầu tiên là Cielo lắp ráp dưới dạng SKD vào tháng 3/1995. Sự xuất hiện của chiếc xe Cielo trên thị trường Việt Nam đã làm thay đổi thói quen của người Việt Nam từ việc sử dụng phương tiện giao thông đường bộ đơn giản như xe đạp, xe máy sang sử dụng loại phương tiện tiện nghi hơn.

Tháng 3/1996, Vidamco hoàn thành xây dựng nhà máy, Sau hơn một năm xây dựng, tòa nhà văn phòng 3 tầng, nhà xưởng và các công trình phụ trợ được hoàn tất và đưa vào sử dụng. Dây truyền sản xuất xe con chính thức đi vào hoạt động với công suất thiết kế 10,000 xe/ năm/ một ca.

Tháng 9/1996, Vidamco tiến hành sản xuất dòng xe buýt cho thị trường Việt Nam với mẫu BS 105 và BS 090. Đây là những chiếc xe buýt được sản xuất đầu tiên tại Việt Nam.

Tháng 9/1998, chiếc xe gia đình cỡ nhỏ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và tạo nên cơn sốt trên thị trường xe với cái tên Matiz. Cho đến nay, Matiz vẫn là dòng xe hatchback huyền thoại với người Việt, và là một trong những dòng xe được ưa chuộng sử dụng trong các hãng taxi Việt thời gian đầu.

Tháng 4/2000, công ty Daewoo Motor được Chính phủ Việt Nam cho phép mua lại phần góp vốn của phía đối tác Việt Nam. Vidamco trở thành doanh nghiệp sản xuất ô tô 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lớn đánh dấu sự hoạt động độc lập của công ty, hứa hẹn sự phát triển bền vững và chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Tháng 10/2002, General Motor (Mỹ) quyết định mua lại Công ty Daewoo Motor – Hàn Quốc và giới thiệu tới đông đảo những người hâm mộ công ty mới với tên gọi Công ty ô tô và công nghệ GM Daewoo (GMDAT). GM Daewoo là một công ty được xây dựng trên cơ sở kết hợp sức mạnh của Tập đoàn sản xuất ô tô hàng đầu trên thế giới và mạng lưới sản xuất toàn cầu – General Motor với những nguồn lực tốt nhất của Daewoo Motor trước đây. Và như vậy, Vidamco đã trở thành một thành viên của GMDAT và nằm trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của General Motor.

Những năm sau đó, Vidamco liên tục cho ra mắt các dòng xe như GM Daewoo Magnus Eagle, Magnus L6, GM Daewoo Lacetti, Magnus L6 Diamond, Color Matiz, GM Daewoo Gentra. Đến năm 2006, GM Việt Nam bắt đầu thay thế các sản phẩm mang thương hiệu Daewoo bằng Chevrolet thông qua việc xuất xưởng hàng loạt sản phẩm như Chevrolet Captiva, Chevrolet Spark, Chevrolet Cruze.

Ngày 11/7/2011, Vidamco chính thức đổi tên thành GM Việt Nam, thành viên của GM Global. Các sản phẩm của GM Việt Nam được sản xuất theo tiêu chuẩn của GM toàn cầu với nhãn hiệu Chevrolet.

Ở Việt Nam, GM được xem là một trong những nhà sản xuất xe có lượng tiêu thụ tăng trưởng ổn định nhất. Năm 2015, GM bán được hơn 7.300 xe, tăng 43% so với năm 2014; năm 2016, lượng xe Chevrolet tẩu tán được đạt 9.700 xe, đạt thị phần 3,2%; năm 2017, mức tiêu thụ là Chevrolet cao kỷ lục là 10.576 xe, tăng 8,5%, giữ 3,9% thị phần.

Hiện tại GM hoạt động với 22 đại lý phân phối tại Việt Nam, trong đó, 8 đại lý tập trung ở khu vực miền Bắc (riêng Hà Nội có 6), 3 ở miền trung và 11 đại lý tại miền Nam (trong đó, TP HCM có 9 đại lý).

Sự rời bước của GM tại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng từ những hoạt động không hiệu quả của thương hiệu này ở nhiều nước trên thế giới, như Nga, Ấn Độ, Nam Phi, Hàn Quốc... Năm 2015, Tổng giám đốc GM Việt Nam ông Gaurav Gupta từng cho biết hãng có thể dừng các hoạt động sản xuất ở Việt Nam nếu giá xe nhập rẻ hơn dưới ảnh hưởng của thuế nhập khẩu về 0%.

GM cũng được cho là đang gặp khá nhiều vấn đề với hoạt động kinh doanh trên toàn thế giới. Năm 2017, GM báo lỗ 3,9 tỷ USD, do tác động từ nguyên nhân cải cách thuế ở Mỹ và chi phí phi tiền mặt trị giá 6,2 tỷ USD từ thương vụ bán nhãn hiệu Opel và Vauxhall cho tập đoàn PSA. Tới quý I/2018, doanh số của General Motors dù tăng 3,8%, nhưng doanh thu lại giảm 3% xuống còn 36,1 tỷ USD, trong khi lợi nhuận ròng chỉ còn 1 tỷ USD, giảm 60% so với mức 2,6 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Theo Lam Thiên

Từ khóa:  vinfast
Cùng chuyên mục
XEM