Trước khi có đề xuất "giá dịch vụ đào tạo”, học phí của các trường đại học hiện nay như thế nào?
Mức học phí tại các trường đại học công lập chỉ tương đương “phần lẻ” khi so sánh với mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
Trình bày trước Quốc hội về những nội dung sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập việc đổi cụm từ "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo".
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tên gọi "giá dịch vụ đào tạo" được đề xuất trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi được hiểu là bao gồm phí dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác... Đây chỉ là tên gọi khác mà xét về mặt nội hàm là tính đúng tính đủ chi phí đào tạo và theo Luật giá, Luật Phí và Lệ phí.
"Học phí" đã không còn được ghi nhận trong Luật Phí và Lệ Phí năm 2014
Từ năm 2014, Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã bắt đầu biên soạn Dự thảo Luật Phí và Lệ Phí. Sau quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện, Luật Phí và Lệ Phí đã được Quốc hội ban hành và ngày 25/11/2015.
Nguyên tắc mà Luật Phí và Lệ phí đưa ra là chỉ được phép thu phí nếu phí đó có trong mục của Luật. Vì vậy, ban hành kèm Luật là bản phụ lục ghi rõ danh mục phí, lệ phí.
"Học phí" và "Phí dự thi, dự tuyển" trong Pháp lệnh phí và lệ phí năm 2001 đã không còn ghi nhận tại Luật Phí và Lệ phí ban hành năm 2015. Khoản 3 Điều 23 Luật Phí và Lệ Phí khẳng định, Pháp lệnh phí và lệ phí đã chính thức hết hiệu lực từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Trước đó, "dịch vụ giáo dục, đào tạo" tại cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước là nội dung đã được nêu tại Điều 19 của Luật giá, ban hành ngày 20/6/2012. Theo đó, Nhà nước chỉ đưa ra khung giá và mức giá cụ thể đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước.
Tất cả các sinh viên đại học công lập đều được trợ giá học phí?
Điều 65 Luật giáo dục đại học ban hành năm 2012 nêu rõ, Chính phủ chỉ quy định nội dung, phương pháp xây dựng mức học phí, lệ phí tuyển sinh, khung học phí, lệ phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh.
Sau khi Luật giáo dục năm 2012 có hiệu lực, các cơ sở giáo dục đại học tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng phát triển. Nhiều đơn vị đã xây dựng mở thêm chi nhánh, và nâng cấp các dịch vụ giáo dục. Mức học phí được những cơ sở này đưa ra cũng có cách biệt rất lớn với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cụ thể:
Đại học RMIT tại Việt Nam đưa ra mức học phí 27.930-36.110 USD, tương đương 582 -772 triệu đồng cho toàn chương học (khoảng 4 năm).
Đại học Tân Tạo quy định mức học phí năm học 2017-2018 lên đến 75 triệu đồng/học kỳ đối với ngành Y Đa khoa.
Đại học Việt Đức quy định mức học đối với chương trình bậc đại học là 33,8 – 37,5 triệu đồng/học kỳ. Trường còn thu thêm 7-10 triệu đồng phí thực tập đối với một số ngành.
Học phí của trường Đại học RMIT Việt Nam
Nhìn vào những con số trên, có thể nhận thấy rằng, mức học phí tại các trường đại học công lập chỉ tương đương "phần lẻ" khi so sánh với mức học phí của các cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài. Mức trần học phí cao nhất đối với cơ sở giáo dục đại học công lập quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ chỉ là 4,4 triệu đồng/tháng/sinh viên (năm học 2017-2018).
Đặc biệt, sinh viên sư phạm, người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,… là đối tượng không phải đóng học phí.
Bình đẳng trong chính sách là ý kiến của các đại học tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra Dự thảo Luật Giáo dục đại học. Theo họ, sự thiếu bình đẳng dễ nhận ra nhất chính là việc tất cả sinh viên trường đại học công lập đều được nhà nước tài trợ cho một phần học phí, trong khi sinh viên trường đại học tư thục, đại học có vốn đầu tư nước ngoài thì không. Việc hỗ trợ học phí chỉ nên dành cho những sinh viên xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thay vì hỗ trợ cho tất cả sinh viên đại học.
Việc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sẽ làm tăng tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo đại học.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết, tên gọi vẫn còn trong giai đoạn họp bàn, cho ý kiến, nhưng pháp luật thì phải tuân thủ, tiến đến tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo.