Trước 30 tuổi, tôi chỉ biết đâm đầu vào kiếm tiền; sau 30 tuổi, tôi tổng kết ra được 3 điều: Có thể giúp bạn bớt vất vả trên con đường làm giàu
Hi vọng bạn sớm nhận ra được 3 điều này và biến đường đời của mình trở nên dễ đi hơn.
Thứ nhất, chấp nhận rằng ai cũng có lúc này và lúc nọ
Hay nói cách khác là thừa nhận "bản tính" của mình.
"Bản tính" là gì? Chính là sự linh hoạt, sự đàn hồi. Nếu bạn không chấp nhận hay để mình có "tính linh hoạt", bạn làm sao được gọi là con người, thay vào đó, bạn sẽ chỉ là một người máy, bởi lẽ chỉ có người máy mới có thể làm việc không ngừng nghỉ.
Vì vậy, đừng cứ hở ra là liệt kê ra cho mình cả một sớ danh sách những nguyện vọng năm mới.
Mỗi dịp Tết đến xuân về là lúc ý chí nhiệt huyết của con người ta sôi sục nhất, không ít người sẽ nghĩ rằng: ok, từ nay mình sẽ trở thành một con người mới, rồi bắt đầu liệt kê ra một loạt kế hoạch này nọ.
Nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng: không ổn.
Vì sao? Bởi lẽ danh sách mà các bạn viết thường sẽ là như này:
Từ ngày mai, 6h dậy; học 30 từ mới tiếng anh rồi chạy một vòng lớn; rồi là mỗi ngày nên vận động ra sao, ăn uống như nào, nỗ lực làm việc đủ 8 tiếng, ngày ngày tiến lên….
Theo tôi, những việc đó của bạn, làm tốt thì có thể kiên trì khoảng 3 ngày, không được thì có khi ngày mai là từ bỏ rồi.
Cũng giống như câu chuyện của một nam thanh niên hạ quyết tâm dậy sớm hay viết nhật kí cảm ơn mỗi ngày, nhưng bạn biết cậu ấy phạm phải sai lầm lớn nhất là gì không? Đó là bạn không thể ép mình cảm ơn mỗi ngày, bạn không thể ép mình đi làm chuyện mà mình không làm được.
Hôm nay rõ ràng không có chuyện gì đáng cảm kích để viết, nhưng lại cứ bảo mình rằng "không được, vậy là hôm nay mình không viết được vào nhật kí cảm ơn ư? Đã bảo là phải viết hàng ngày rồi mà!" Ô hay, thế nếu không có thì bạn phải làm thế nào?
Vậy một kế hoạch có "tính linh hoạt" là như nào?
Chẳng hạn như có thể thay đổi mỗi ngày đều phải viết cảm kích một cái gì đó, thì giờ hãy đổi thành một tuần một lần, như vậy có lẽ sẽ thực tế hơn.
Một tuần 7 ngày, sẽ có việc gì đó xảy ra khiến bạn cảm động chứ phải không? Chẳng hạn như, "hôm nay đồng nghiệp ở công ty đã giúp tôi giải quyết được deadline đang gấp tới cổ của mình, mình rất cảm kích cô ấy", đại loại vậy.
Nhưng biết ơn người khác thì cũng phải có hành động, chứ không phải cứ âm thầm viết ra là tôi cảm thấy biết ơn ai đó, ai mà biết được bạn có thật lòng cảm kích người ta hay không.
Hay trong vấn đề dậy sớm, phải làm sao? Đáp án là: thực ra 1 tuần, dậy sớm 4 ngày cũng đã là rất tốt rồi. Đừng cứ ép mình là phải đúng 6h mỗi ngày dậy, bạn dậy không được, tự nhiên tâm trạng sẽ rất đi xuống, nào ai lại muốn vừa sáng ra đã khó chịu rồi.
Hãy nhớ rằng: Nếu muốn bồi dưỡng cho mình một thói quen nào đó, nhất định phải chấp nhận bản tính lúc nọ lúc kia hay tính linh hoạt của mình trước.
Lấy tôi làm ví dụ, năm nay tôi quyết tâm giảm thời gian sử dụng điện thoại lại.
Người như tôi, muốn khống chế thời gian sử dụng điện thoại trong chỉ khoảng 5h là điều vô cùng khó khăn.
Phần lớn mọi người sử dụng điện thoại trung bình vào khoảng 4,5 tiếng đồng hồ, vì vậy, tôi cần phải giảm xuống tới mức trung bình, bạn biết tôi phải bỏ ra mất bao nhiêu nỗ lực không?
Quá khó, sau khi thất bại nhiều lần, tôi mới nghĩ ra một cách gọi là "liệu pháp cocktail".
Khoan bàn về liệu pháp này, điều tôi muốn nói ở đây đó là, trong quá trình sử dụng liệu pháp này, tôi luôn giữ tính linh hoạt của mình, luôn ý thức được rằng con người ai cũng có lúc này lúc nọ, hôm nay dù cho phép bản thân chơi điện thoại thêm một lúc, tôi cũng không chửi mắng mình.
Hôm nay tôi chơi điện thoại 7 tiếng, lẽ nào như vậy thì tôi không còn là người nữa? Tôi vẫn là tôi, và tôi phải chấp nhận tôi như vậy.
Nói giông nói dài, suy cho cùng, bạn phải biết chấp nhận bản tính của mình, cho phép mình đôi khi có thể không làm được điều gì đó. Đừng bao giờ chỉ chăm chăm vào ép mình phải làm thế này làm thế kia không được sai lệch dù chỉ là một chút.
Thả lỏng bản thân, chúng ta là con người, mà con người thì có sự linh hoạt, quá cứng nhắc quy định một điều gì đó, kết quả dễ dàng xảy ra nhất sẽ chỉ là tức nước vỡ bờ mà thôi.
Thứ hai, khả năng tự kiểm soát và khả năng chú ý là những tài nguyên có hạn
Lấy bản thân tôi làm ví dụ, trước 30 tuổi, tôi chỉ chăm chăm vào một việc, đó là kiếm tiền, tôi dồn hết mọi sự chú ý của mình vào việc kiếm tiền, mà không để ý tới những tật xấu hay thiếu xót mà mình đang mắc phải.
Sau 30 tuổi, tôi bắt đầu hành trình mỗi năm đặt ra một chủ đề cần giải quyết và từ từ thay đổi.
Chẳng hạn, một vài chủ đề của tôi là:
Bỏ thuốc.
Tập thể dục.
Học tiếng anh.
Đánh bại sự trì hoãn, do dự.
Có một hôm, trong lúc đang đợi thang máy, tôi móc điện thoại ra mở một cách vô thức dù không có bất kì thông báo nào, lướt một hai phát rồi lại khóa máy, chẳng để làm gì cả. Giây phút đó, tôi phát hiện ra mình đã nghiện điện thoại.
Kể từ sau đó, tôi liệt chuyện này vào một trong những vấn đề mà tôi cần giải quyết.
Và trong một năm, tôi chỉ tập trung vào giải quyết đúng vấn đề nghiện điện thoại này của mình.
Có nhiều người đặt ra rất nhiều mục tiêu cho mình, chẳng hạn như sau khi tan làm đọc bao nhiêu cuốn sách, đánh bại sự trì hoãn, viết nhật kí cảm ơn, dậy sớm, giảm cân…. Mà không biết rằng khả năng tập trung chú ý và khả năng kiểm soát của mỗi người là có hạn. Khi đang tập trung chú ý cho một việc, rất khó để đi làm những việc khác nữa mà vẫn cho ra kết quả tuyệt đối. Vì vậy, tốt nhất hãy chọn ra vấn đề cần ưu tiên nhất, nhiều nhất cũng đừng quá hai.
Lịa chẳng hạn như năm tôi quyết tâm bỏ thuốc, tôi đã béo lên 15kg. Bạn có tưởng tượng nổi không? Tôi từ 66kg béo lên tới 80kg, quả thực rất béo.
Vì sao tôi lại béo như vậy? Bởi lẽ bỏ thuốc vốn dĩ là sẽ béo lên, giai đoạn bỏ thuốc, khả năng khống chế với ăn uống của tôi xuống gần như mức 0, nhìn thấy cái gì cũng muốn ăn cho đỡ buồn mồm, và thế là béo thôi.
Nhưng tôi không vội vã giảm béo ngay, bởi lẽ mục tiêu hàng đầu lúc bấy giờ của tôi là bỏ thuốc, đợi khi thói quen hút thuốc đã bỏ được hòm hòm rồi, tôi mới bắt đầu bước vào giai đoạn lấy lại cân nặng khi xưa. Ép mình vừa bỏ thuốc vừa áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh là điều rất khó khăn nên bạn có thể từ từ làm.
Mọi sự thay đổi đều tới từ từ, đừng cứ hứng lên là ép bản thân làm đủ điều nọ điều kia trong cùng một khoảng thời gian, trong một khoảng thời gian, cứ làm tốt một chuyện, vậy là đủ tốt lắm rồi.
Thứ ba, xác định mục tiêu mà mình có thể cân nhắc và đạt được
Nếu hỏi các bạn rằng mục tiêu của bạn là gì, tin rằng có nhiều người sẽ trả lời rằng: kiếm tiền.
Nhưng đối với mục tiêu kiếm tiền này, tôi cảm thấy nó hơi to, cần phải thu nhỏ nó lại một chút.
Thế nào là "thu nhỏ lại một chút"?
Chẳng hạn như:
• Tôi muốn dành một năm để tìm hiểu xem tự do tài chính rốt cuộc là cái gì?
• Có bao nhiêu cách tôi có thể đạt được nó?
• Trạng thái tự do tài chính mà tôi muốn là như thế nào?
Đó là một mục tiêu thực tế.
Hoặc có thể chỉ đơn giản là "năm nay tôi phải tiết kiệm được 100 triệu", đây cũng là một mục tiêu thực tế.
Hoặc cũng có thể là: trả hết sạch nợ rồi hình thành nên thói quen tiết kiệm một phần tiền làm ra.
Tôi nghĩ rằng ai cũng nên xác định cho mình một mục tiêu có thể đạt được. Mục tiêu mà bạn thiết lập ra phải có thể đạt được, phải thực tế và có thể cân nhắc.
Chẳng hạn như tôi nói ở trên:
Năm nay trả hết nợ chính là mục tiêu của tôi.
Tiết kiệm 100 triệu là mục tiêu.
Tiết kiệm 500 triệu cũng là mục tiêu….
Tóm lại, phải căn cứ theo năng lực của mình đi xác định mục tiêu, đừng đặt mục tiêu quá xa vời so với khả năng hiện tại.
Mục tiêu trong tưởng tượng của một người và thực tế thường khác xa nhau một trời một vực, vì vậy, hãy chọn ra cho mình điều khả thi nhất.
Chẳng hạn, một mục tiêu khả thi là căn cứ theo biểu hiện của bạn trong cùng kì năm ngoái, thường thường thì gia tăng 20% kim ngạch là khá khả thi, có thể thử và đạt được. Cụ thể là nếu năm ngoái bạn tiết kiệm được 100 triệu, năm nay bạn có thể tiết kiệm 120 triệu hay 150 triệu, chứ đừng yêu cầu mình năm nay phải tiết kiệm được 1 tỷ, như vậy là bất khả thi. Một khi bạn theo đuổi một mục tiêu không thực tế, rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh.
Hi vọng bạn sớm nhận ra được 3 điều này và biến đường đời của mình trở nên dễ đi hơn.