Trung tâm 74 triệu USD làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

08/04/2019 11:07 AM | Xã hội

Bộ KH&ĐT công bố dự thảo Đề án thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) với vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng. Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xây dựng trung tâm này phải đi vào thực chất, tránh vết xe đổ của hàng loạt trung tâm hỗ trợ DN không hiệu quả.

Lại dựa trên ưu đãi đất, thuế

Theo đề án được Bộ KH&ĐT công bố, NIC sẽ xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) với diện tích khoảng 23 ha. Mục đích của trung tâm nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa Việt Nam thành nước có mức thu nhập trung bình cao.

Dự án sẽ chia thành 2 phân khu. Phân khu số 1 với diện tích khoảng 9 ha là khu vực xây dựng tòa nhà trụ sở Trung tâm. Phân khu số 2 là khu vực xây dựng các công trình hỗ trợ, như căn hộ, biệt thự, trường học, bệnh viện, khu thương mại, giải trí... Bộ KH&ĐT thu xếp vốn xây dựng tòa nhà trụ sở trung tâm; các đối tác của trung tâm sẽ đầu tư xây dựng các công trình hỗ trợ, tiện ích trong Phân khu số 2.

Trong giai đoạn 1, sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ KH&ĐT đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng (tương đương 74 triệu USD) xây dựng 82.000m2 sàn, gồm 6 phân khu chức năng chính. NIC sẽ không dùng vốn ngân sách nhà nước, được xây dựng theo cơ chế là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn và được hoạt động theo cơ chế thị trường, linh hoạt. Hội đồng cấp cao do Thủ tướng làm Chủ tịch danh dự. Hội đồng điều hành với sự tham gia của các bộ ngành liên quan.

Trung tâm 74 triệu USD làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp? - Ảnh 1.

Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp cần thực chất, tránh thủ tục hành chính. Ảnh: minh họa.

NIC có CEO chuyên nghiệp, chất lượng cao, được tự do điều hành trong khuôn khổ điều lệ và hợp đồng lao động; và có sự đóng góp về chuyên môn của mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước.

Để thu hút DN, NIC được hưởng ưu đãi vượt trội như được giao đất không thu tiền sử dụng đất trong tối đa 50 năm; miễn toàn bộ chi phí liên quan đến đất (bao gồm cả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng). Trung tâm được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động trong Trung tâm được hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như trung tâm; được miễn thuế nhập khẩu cho các hàng hóa, dịch vụ đầu vào cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển; được nhận góp vốn, mua cổ phần của quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Trong trường hợp này, không giới hạn mức góp vốn tối đa của nhà đầu tư nước ngoài.

“Ngay từ khi đề án thành lập NIC được đưa ra lấy ý kiến dư luận đã thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước quan tâm. Tiêu biểu như Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã cam kết đầu tư khoảng 30 triệu USD cho việc xây dựng NIC”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Kỳ vọng NIC là “bà đỡ” cho DN

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, ở các nước, mô hình khởi nghiệp được chia làm 6 công đoạn, từ hình thành ý tưởng đến tập hợp cổ đông thành lập doanh nghiệp, nghiên cứu, gọi vốn thương mại hóa và cuối cùng là IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng).

“Trong 6 khâu này thì khâu lập ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng đến thành lập doanh nghiệp là phân đoạn khó nhất vì có rất nhiều rủi ro, hầu như không ai muốn tham gia hỗ trợ để start-up hiện thực hoá được các ý tưởng. NIC không phải là một toà nhà hoành tráng mang tính vật lý với các phân khu chức năng mà sẽ đóng vai trò như “bà đỡ” cho doanh nghiệp, giải quyết bài toán khó khăn nhất trong công đoạn ban đầu này. Khi ý tưởng dẫn tới thành lập doanh nghiệp thành công và sản phẩm đã được thương mại hoá, NIC coi như hoàn thành sứ mệnh, sẽ rút lui nhường chỗ cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển”, ông Dũng cho biết.

Theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, để trở thành mô hình là một trung tâm lớn, cạnh tranh, hấp dẫn nhất trong khu vực, NIC phải có sự khác biệt và đặc thù để tạo ra không chỉ một môi trường làm việc và kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc thành lập và duy trì hoạt động của NIC cần đi vào thực chất. Trước tới nay, rất nhiều trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp ở các địa phương ra đời nhưng thủ tục hành chính, phức tạp.

“Chúng ta có hàng chục trung tâm nhưng không làm gì cả, ngay cả thủ tục phá sản doanh nghiệp cũng rất phức tạp. Chúng ta chỉ xây dựng 5 - 10 trung tâm hỗ trợ nhưng đồng hành cùng doanh nghiệp, thủ tục hành chính đơn giản sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Lực cho biết.

Nhiều nước thành lập trung tâm để tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trung Quốc nâng cấp khu Zhongguancun ở Bắc Kinh, thành lập một loạt trung tâm đổi mới sáng tạo ngành chế tạo để thực hiện chiến lược Made in China 2025. Năm 2018, Thái Lan đưa trung tâm True Digital Park vào hoạt động; hay Malaysia với công viên công nghệ Kuala Lumpur...

Theo Quỳnh Nga

Cùng chuyên mục
XEM