Trung Quốc tự trồng sầu riêng, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan

24/04/2023 10:55 AM | Kinh tế vĩ mô

Trong hơn một thập kỷ tới, sầu riêng Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với Thái Lan trên thị trường Trung Quốc, cho dù đất nước 1,4 tỷ dân đã bắt đầu manh nha sản xuất sầu riêng với sản lượng không ngừng tăng.

Trung Quốc tự trồng sầu riêng, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan - Ảnh 1.

Một khách hàng Trung Quốc đang chọn sầu riêng ở chợ. Ảnh: iStock/Getty Images

Nội dung chính:

- Trung Quốc đã bắt đầu trồng được sầu riêng, nhưng việc tự chủ nguồn cung sâu riêng vẫn còn là câu chuyện ở tương lai xa.

- Sầu riêng Việt Nam có lợi thế so với Thái Lan chủ yếu do khoảng cách địa lý, trong khi thương hiệu thì chưa thực sự vượt trội. 

- Chuyên gia cho rằng bên cạnh xuất khẩu sầu riêng tươi, Việt Nam cần xúc tiến để có thể xuất khẩu chính ngạch sản phẩm sầu riêng bóc múi cấp đông, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu ở các thị trường giàu như Bắc Kinh, Thượng Hải.

Trung Quốc đã tự trồng được sầu riêng, nhưng đó chưa phải việc cần lo ngại

Sanya Daily đưa tin, trong bối cảnh sầu riêng ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc, việc trồng sầu riêng cũng đang được mở rộng ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Tam Á, thành phố cực Nam của đảo Hải Nam, dự kiến sẽ thu hoạch 93 ha sầu riêng vào tháng 6 năm nay. Tổng sản lượng được dự báo là 2.450 tấn, với giá trị ước tính là 140 triệu nhân dân tệ (20,5 triệu USD).

Cơ sở trồng sầu riêng được điều hành bởi Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam. Công ty này có hơn 100 giống sầu riêng, trong đó có nhiều loại có nguồn gốc từ các nước như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Theo một cán bộ Sở Nông nghiệp và Nông thôn tỉnh Hải Nam, vùng Tam Á bắt đầu trồng sầu riêng cách đây 4 năm, với mục tiêu đưa sản xuất sầu riêng trở thành một trong những ngành mũi nhọn. Hiện nay, Hải Nam hiện có hơn 2.000 ha trồng sầu riêng, chủ yếu tập trung ở các khu vực phía nam của hòn đảo.

Trung Quốc tự trồng sầu riêng, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan - Ảnh 2.

Thông tin này đã dấy lên mối lo ngại rằng, nếu Trung Quốc có thể tự chủ được nguồn cung, có khả năng người tiêu dùng sẽ lựa chọn hàng nội địa khi có thể ăn sầu riêng tươi hơn, vì không tốn thời gian vận chuyển. Đây có thể sẽ là một thách thức cho ngành sầu riêng ở các nước Đông Nam Á - đang xuất khẩu hàng tỷ USD sầu riêng sang Trung Quốc mỗi năm.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia nông nghiệp cho rằng, câu chuyện cạnh tranh với sầu riêng nội địa Trung Quốc, nếu có xảy ra, cũng còn ở tương lai xa.

‘Một số vùng ở Trung Quốc có trồng được thì cũng chỉ có thời vụ, mà nhu cầu của họ thì rất lớn. Việc họ tự trồng sầu riêng thì phải 10-15 năm nữa mới đáng lo’ - bà Thực đánh giá.

Trung Quốc đã chi hơn 4 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu sầu riêng tươi kể từ năm 2021. Xét về giá trị, sầu riêng đã và đang đứng top 1 trong các loại trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc, vượt xa cherry.

Trung Quốc tự trồng sầu riêng, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan - Ảnh 3.

Dự kiến, trong năm nay, Trung Quốc sẽ nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sầu riêng, và đến năm 2027, con số này có thể tăng lên đến 1,5 triệu tấn. (Nguồn: DHL)

Có thật người Trung Quốc thích sầu riêng Việt Nam hơn Thái Lan?

Năm 2022, Trung Quốc nhập 825.000 tấn sầu riêng. Trong đó, 780.000 tấn (3,85 tỷ USD) có nguồn gốc từ Thái Lan. Sầu riêng tươi của Việt Nam chính thức được tiếp cận thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2022, trước đó, chỉ có sầu riêng tươi của Thái Lan và sầu riêng đông lạnh của cả Thái Lan và Malaysia đã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam năm 2022 đạt 41.000 tấn với trị giá 190 triệu USD.

Thậm chí, lần đầu tiên, giá trị nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam đã vượt qua Thái Lan - quốc gia lâu nay thống lĩnh thị trường Trung Quốc vào tháng 10/2022 - theo Produce Report.

Theo Sakda Sinives - chuyên gia nông nghiệp Thái Lan, lợi thế của trái sầu riêng Việt Nam đến từ việc nông dân Việt Nam có thể thu hoạch sầu riêng muộn hơn Thái Lan, vì mất ít thời gian vận chuyển hơn, ngay cả khi không có khác biệt về hương vị.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng cho rằng, yếu tố quyết định tính cạnh tranh không nằm ở hương vị. Để có thể làm tốt ngành sầu riêng, Việt Nam còn phải học tập nhiều ở Thái Lan trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và phát triển thị trường.

‘Một ví dụ cho việc kiểm soát chất lượng là vừa rồi, bên thị trường Trung Quốc có khách hàng mua sầu riêng ở siêu thị về, quả non, xấu. Sau khi truy xuất nguồn gốc, biết quả sầu riêng này nhập từ Thái Lan, người này khiếu nại lên siêu thị, và siêu thị tiếp tục khiếu nại sang Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, ngay lập tức Thái Lan đã tự thu hồi mã vùng trồng đó. Họ làm rất nghiêm ngặt để bảo vệ uy tín của sản phẩm’ - bà Thực cho biết.

Mặt khác, một vấn đề lớn của sầu riêng Việt Nam hiện nay, theo bà Thực, là cần phát triển sản phẩm sơ chế, chế biến, nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Làm được những việc này sẽ giúp giải quyết hai vấn đề.

Trung Quốc tự trồng sầu riêng, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan - Ảnh 4.

Sầu riêng Việt Nam vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch  sang Trung Quốc dạng bóc múi cấp đông - mới chỉ được xuất khẩu chính ngạch nguyên trái

Thứ nhất là tăng sản lượng. ‘Sản lượng tiêu thụ có thể tăng lên nhiều nếu chúng ta xúc tiến các sản phẩm sơ chế, chế biến, ví dụ như phát triển sản phẩm bóc múi cấp đông để có thể xuất khẩu chính ngạch’ - bà Thực nhấn mạnh. ‘Sầu riêng bóc múi cấp đông cũng được bán rất phổ thông ở Trung Quốc, vì vừa có thể ăn ngay, vừa có thể dùng chế biến nhiều món, lại bảo quản được lâu. 1 container sầu riêng bóc múi giá trị có thể tương đương 4 container sầu riêng nguyên trái’.

Thực tế, nhận thấy nhu cầu sầu riêng thì quanh năm, nhưng thu hoạch chỉ một mùa, đã có những nông dân ở vùng Tây Nguyên đầu tư kho lạnh để bán sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc. Giá trị kinh tế của sầu riêng sau cấp đông tăng gấp vài lần so với bán nguyên trái, tuy nhiên hiện nay chưa phải là con đường chính ngạch.

Trung Quốc tự trồng sầu riêng, “đối thủ” chính của Việt Nam vẫn là Thái Lan - Ảnh 5.

Sầu riêng cấp đông thuận tiện để chế biến các loại bánh

Thứ hai, phát triển việc sơ chế, chế biến có thể giúp người nông dân có thêm lựa chọn trồng xen canh. Hiện nay, thị trường Trung Quốc đang quy định chỉ nhập khẩu sầu riêng nguyên trái trồng thuần, diện tích tối thiểu là 10 ha, chưa cho phép nhâp khẩu sầu riêng trồng xen canh.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực lập luận, điều quan trọng với bất cứ ngành hàng nào, là phải hiểu được sản phẩm có thể tiếp cận thị trường ở dạng gì. Cần đa dạng, ngoài sản phẩm thô, cần phát triển đồng thời cả sản phẩm sơ chế, chế biến bằng hình thức sấy khô, cấp đông…, hàng loại thấp hơn thì có thể nghiền thành kem, sản xuất bánh. Đây là cách phát triển thị trường mà Thái Lan, hay Malaysia đang làm tốt hơn Việt Nam.

Một yếu tố quan trọng khác mà bà Thực nhấn mạnh, là sầu riêng Việt Nam cần xây dựng được thương hiệu. Đặc biệt, cần ưu tiên ưu tiên tiếp thị ở các thị trường phía Bắc Trung Quốc, như Bắc Kinh và Thượng Hải, vì đây mới thực sự là thị trường tiêu dùng lớn nhất.

Theo Hoàng An

Cùng chuyên mục
XEM