Trung Quốc thừa 3 tỷ căn nhà trống, nhiều gấp đôi dân số
Toàn bộ 1,4 tỷ người dân Trung Quốc cũng chẳng thể ở hết được số nhà bị bỏ trống này.
Hãng tin Reuters cho hay Cựu Phó giám Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, ông He Keng đã nhận định rằng toàn bộ 1,4 tỷ người dân cũng chẳng thể ở hết được số lượng căn hộ đang tồn tại, qua đó cho thấy tình trạng dư thừa cung trên thị trường bất động sản này.
Trên chương trình phát bởi đài China News Service trong một hội thảo ở thành phố Dongguan, ông He cho biết có rất nhiều ước tính về số nhà ở bị bỏ trống hiện nay tại Trung Quốc, trong đó nhiều người tin rằng lượng nhà ở bỏ trống này có thể đáp ứng đủ 3 tỷ người.
“Con số ước tính trên có chút thái quá nhưng chắc chắn toàn bộ 1,4 tỷ người dân Trung Quốc cũng chẳng thể ở hết được số nhà bị bỏ trống này”, ông He nói.
Theo Reuters, ngành bất động sản Trung Quốc từng là động lực cho tăng trưởng kinh tế thì đã bắt đầu gặp khó khăn kể từ năm 2021. Dấu hiệu rõ ràng nhất là kể từ khi tập đoàn China Evergrande phá sản do mất khả năng thanh toán các khoản nợ vay.
Tiếp đó những cái tên như Country Garden tiếp tục làm các nhà đầu tư lo lắng khi lượng lớn nhà ở còn tồn đọng trong bối cảnh tập đoàn gặp khó để thanh toán các khoản nợ do bị siết nguồn vốn.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn số liệu của Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy tính đến cuối tháng 8/2023, tổng diện tích mặt sàn của các căn hộ chưa bán được lên đến 648 triệu m2.
Nếu tính bình quân mỗi căn hộ là 90 m2 thì con số này tương đương 7,2 triệu căn hộ còn tồn đọng chưa bán được trên thị trường.
Đó là chưa kể đến rất nhiều dự án đã được bán nhưng chưa được bàn giao vì đứt gãy nguồn vốn. Cùng với đó là vô số những căn hộ bị các nhà đầu cơ găm hàng từ năm 2016 khi thị trường đi lên và bị bỏ trống nhưng không được tính vào con số trên của NBS.
Tờ Business Insider (BI) thì cho hay tại thời điểm Evergrande gặp rắc rối vào năm 2021, Trung Quốc ccosits nhất 65 triệu căn hộ bị bỏ trống, tương đương số nhà ở cho toàn bộ dân số nước Pháp.
“Họ xây dựng quá thừa rồi bán lại chúng cho các nhà đầu cơ. Đó là lý do có rất nhiều nhà bị bỏ trống hiện nay”, giáo sư kinh tế Li Gan của trường đại học Texas A&M nói với BI.
Thậm chí nhiều dự án bất động sản còn bị gọi là “Dự án chết” do chủ đầu tư đình trệ xây dựng vì thiếu vốn hoặc bỏ dở giữa chừng dù đã nhận tiền của nhiều người mua.
Những thành phố ma
Thanh phố Shenyang miền Đông Bắc Trung Quốc từng được mệnh danh là điểm sáng mới cho giới nhà giàu Trung Quốc với những dự án bất động sản, biệt thự hào nhoáng theo phong cách Châu Âu.
Tuy nhiên nhiều dự án tại đây được khởi công bởi tập đoàn Greenland Group từ năm 2010 đã bắt đầu bị đình trệ và bỏ hoang từ cách đây 2 năm.
Hiện nay những thành phố ma như thế này chỉ còn là nơi cho người nông dân chăn thả gia súc, cỏ dại mọc tùm lum.
Một ví dụ tiêu biểu khác là thành phố Ordos gần biên giới Mông Cổ từng được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa mới của Trung Quốc với hơn 1 triệu người dân.
Thế nhưng tới năm 2016, dân số tại đây mới chỉ khoảng 100,000 người và được mệnh danh là “Thành phố ma lớn nhất thế giới” khi có quá nhiều dự án bỏ hoang.
Trước tình hình đó, chính phủ đã cố gắng cải thiện bằng cách di chuyển một số chi nhánh của các trường đại học hàng đầu đến khu vực này, qua đó gia tăng số sinh viên cùng các gia đình mới dọn đến ở, đồng thời đẩy giá nhà đi lên.
Dẫu vậy theo tờ Nikkei Asian Review, Ordos vẫn là thành phố nằm trong vùng chậm phát triển nhất của Trung Quốc và nỗi sợ về bong bóng thành phố ma chưa thể chấm dứt tại đây.
“Chúng tôi không thể rũ bỏ được nỗi sợ rằng nếu một làn sóng xây dựng nữa được tái hiện thì ngày càng nhiều dự án ma sẽ xuất hiện thêm”, một công ty bất động sản giấu tên ở Ordos nói với Nikkei.
*Nguồn: Reuters, BI, Nikkei