Trung Quốc nhân bản chó cảnh sát để tiết kiệm thời gian huấn luyện
Con chó nhân bản được kỳ vọng sẽ mang đầy đủ đặc tính tốt của con chó gốc.
Cảnh sát Trung Quốc tuyên bố họ vừa tiến hành nhân bản một con chó cảnh sát nhằm tiết kiệm thời gian huấn luyện. Theo Tân Hoa Xã, đơn vị cảnh sát này thuộc tỉnh Vân Nam và con cảnh khuyển là chó cái, thuộc giống Côn Minh (giống chó chăn cừu Đức).
Đây là giống cảnh khuyển chủ lực của công an và quân đội Trung Quốc. Con chó nhân bản được đặt tên là Côn Tấn đã chào đời từ tháng 12 năm ngoái. Nó là con chó cảnh sát đầu tiên được nhân bản tại Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, Côn Tấn được nhân bản từ một con chó cái 7 tuổi có tên là Hoa Huệ. Công việc được thực hiện bởi các nhà khoa học tại công ty công nghệ sinh học Sinogene, cơ sở đầu tiên ở Trung Quốc cung cấp dịch vụ nhân bản thú nuôi.
Giải thích về nghiên cứu này, Vạn Triệu Dư, một sĩ quan tại Đơn vị Chó cảnh sát Côn Minh trực thuộc Bộ Công an Trung Quốc cho biết: Mục đích của việc nhân bản là để bảo tồn phả hệ cho Hoa Huệ, con chó đã xuất sắc giúp đỡ các thám tử điều tra và phá được nhiều vụ án giết người.
Theo báo cáo của Engadget, Côn Tấn đã được nhân bản từ các tế bào soma được lấy mẫu từ da của Hoa Huệ. Các tế bào da này được thu thập và biến thành một phôi thai, sau đó, phôi được cấy vào một con chó cái khác để sinh trưởng.
"Là một con chó nhân bản, Côn Tấn không có anh chị em. Nó khá tự lập", Triệu Dư nói.
Ngoài ra, Đơn vị Chó cảnh sát Côn Minh cho biết nhân bản cảnh khuyển sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho hoạt động huấn luyện, nhờ những đặc điểm di truyền. Con chó nhân bản được mong đợi sẽ mang đầy đủ các đặc tính tốt của con chó gốc, cả gen và những yếu cố di truyền ngoại gen của nó.
Tân Hoa Xã cho biết khi lớn lên, Côn Tấn sẽ được đào tạo giống các con chó cảnh sát khác. "Chúng tôi không hứa hẹn chắc chắn điều gì về tương lai của nó. Tôi hi vọng con chó có thể phát huy hết tiềm năng của mình",
Côn Minh là giống cảnh khuyển chủ lực của Trung Quốc
Theo báo cáo của Reuters vào năm ngoái, Trung Quốc chưa có luật quy định cụ thể trong lĩnh vực nhân bản động vật. Vì vậy, nó có thể sẽ vấp phải một số rào cản đạo đức.
Theo ghi nhận của Tạp chí Smithsonian, một số nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu để đánh giá xem, liệu mẫu nhân bản của các con thú có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bản gốc của chúng hay không?
Năm 2004, lần đầu tiên có một con thú nuôi được nhân bản tại Mỹ. Đó là một chú mèo có tên là Little Nicky. Các nhóm bảo vệ động vật đã lên tiếng chỉ trích quyết định này, bởi nó tạo ra xung đột quyền lợi với hàng triệu vật nuôi bị bỏ rơi mỗi năm tại Mỹ.
Về phía Trung Quốc, các quan chức cảnh sát nước này nhấn mạnh rằng Côn Tấn chỉ là một nguyên mẫu thử nghiệm mà thôi. Nghĩa là họ chưa muốn nhân bản chó cảnh sát đại trà.
"Đây mới chỉ là bước thử nghiệm, còn rất nhiều điều cần phải nghiên cứu nữa", Trương Thông nói. Về mặt chi phí, nhân bản một con vật tại Sinogene sẽ mất ít nhất 55.065 USD (gần 1,3 tỷ VNĐ).