Trung Quốc: Mưa lũ là "phép thử của trời", kế hoạch ứng phó chỉ cần 3 phút
Hệ thống phòng chống lũ lụt khổng lồ của miền Nam Trung Quốc đang đứng trước thử thách mưa lũ khủng khiếp kéo dài trên khu vực sông Dương Tử (Trường Giang).
Theo truyền thông Trung Quốc , mưa lớn bắt đầu từ cuối tháng Năm, tới nay đã ảnh hưởng tới gần 20 triệu người ở các tỉnh ven sông, làm ít nhất 121 người thiệt mạng hoặc mất tích.
Các cơ quan khí tượng đã cảnh báo những trận mưa lớn sẽ tiếp tục kéo dài gây ảnh hưởng tới nhiều khu vực khác trong khoảng 5 ngày tới.
Theo Tân Hoa Xã, Vũ Hán - nơi từng là tâm dịch Covid-19, đang tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dông bão và mưa lớn từ cuối tuần qua. Đến thứ Hai (6/7), chính quyền thành phố đã nâng mức cảnh báo lũ lên mức cao thứ 2 trong hệ thống 4 cấp.
Mực nước tại Vũ Hán ngày 6/7. Ảnh: Tân Hoa Xã
Vũ Hán là trung tâm giao thông quan trọng ở miền Trung Trung Quốc, đã ghi nhận lượng mưa hơn 250mm từ Chủ Nhật tới sáng Thứ Hai, gây lũ lụt trên diện rộng.
Tính đến 4 giờ sáng 6/7, trạm kiểm soát tại Vũ Hán thông báo mực nước đã đạt 26.79m – cao hơn 1.79m so với mức báo động.
Trong cùng ngày, mưa lớn vẫn tiếp tục tại Trùng Khánh - thành phố nằm trên thượng nguồn sông Dương Tử. Hơn 40.000 người sống gần khu vực này buộc phải sơ tán.
Một khu dân cư tại Kỳ Giang, Trùng Khánh-nơi hơn 40.000 phải sơ tán. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ning Lei, quan chức Ủy ban Quản lý Nguồn nước Trường Giang nói, Trung Quốc có 40 hồ chứa có thể điều tiết dòng nước, ngăn lũ lụt, bao gồm cả hồ thủy điện đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới.
"Sau nhiều năm nỗ lực, lưu vực sông Dương Tử hiện đã có hệ thống kiểm soát lũ toàn diện mà đập Tam Hiệp chính là xương sống," ông Ning nói.
Ông đưa ví dụ về việc Ủy ban đã điều chỉnh lưu lượng nước vào hồ thủy điện Tam Hiệp nhiều lần trong tuần qua để giảm áp lực cho vùng trung và hạ lưu của sông Dương Tử. Chính nhờ đó mà tàu thuyền có thể di chuyển an toàn.
Tuy nhiên Fan Xiao, kỹ sư trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên tại Thành Đô cho biết, hiệu quả của mạng lưới phòng chống lũ lụt phụ thuộc vào mỗi đập và mức độ nghiêm trọng của lượng mưa. Chính vì thế xương sống - đập Tam Hiệp, vẫn còn chịu nhiều thử thách.
"Nếu lũ lụt tiếp tục nghiêm trọng với những trận mưa lớn (như những gì đã xảy ra năm 1998), không thể nói trước được hiệu quả của những con đập," ông nhắc lại về trận lũ lụt khủng khiếp năm 1998 đã cướp mất sinh mạng rất nhiều người.
"Những con đập vẫn vận hành tốt, nhưng chúng tôi chưa có thử nghiệm thực tế nào cho đến nay."
Ông bổ sung, Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để tăng cường công tác phòng chống lũ lụt trong các mảng lên kế hoạch sơ tán và hậu cần hỗ trợ.
Chuột thi nhau chạy lũ. Ảnh: SCMP
Yang Wenfa, quan chức khác của Ủy ban Quản lý Nguồn nước Trường Giang nói với Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã xây dựng hơn 30.000 trạm quan trắc lũ dọc sông Dương Tử, giúp dự đoán chính xác tình hình mưa lũ.
"Chúng tôi có thể đưa ra một kế hoạch ứng phó trong khoảng từ 3-5 phút," ông Yang nói.