Trung Quốc kiểm soát tương lai ngành công nghệ ra sao trong bối cảnh chiến tranh thương mại ngày càng gia tăng với Mỹ?

24/07/2019 21:01 PM | Công nghệ

Tiềm năng thực hiện việc triển khai công nghệ theo chiều dọc một cách hoàn chỉnh sẽ là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến chiến lược kinh doanh này được áp dụng cho một quốc gia và công nghệ độc quyền của họ ở quy mô lớn.

Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang thúc đẩy Trung Quốc tăng cường kiểm soát tương lai công nghệ của họ. Ở thời điểm hiện tại, đây là một chiến lược hoạt động tương đối hiệu quả tại đất nước tỷ dân.

Trên thực tế, Trung Quốc từ lâu vốn có một hệ sinh thái công nghệ độc đáo. Hầu hết các công ty Mỹ, đặc biệt là công ty phần mềm không có nhiều cơ hội cạnh tranh tại quốc gia này và xu hướng đó dường như sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Điều đáng chú ý nằm ở mức độ mở rộng tất cả những thứ do Trung Quốc sản xuất và sử dụng nó như một nền tảng để phát triển trên quy mô toàn cầu.

Khi việc kích thích kinh tế của Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào tất cả các lĩnh vực công nghệ, tập trung vào ngành dọc, nhiều khả năng là công ty nước ngoài sẽ khó khăn hơn trong việc cạnh tranh tại đây.

Tiềm năng thực hiện việc triển khai công nghệ theo chiều dọc một cách hoàn chỉnh sẽ là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến chiến lược kinh doanh này được áp dụng cho một quốc gia và công nghệ độc quyền của họ ở quy mô lớn. Trung Quốc có thể sử dụng 5G, cơ sở hạ tầng mạng, phần mềm độc quyền để thực sự bứt phá so với phần còn lại của thế giới.

Thực hiện kịch bản trên một cách logic và bài bản, Trung Quốc sau đó sẽ muốn tiếp tục đưa công nghệ này đến những nơi khác trên thế giới. Lấy Huawei làm ví dụ, việc họ tạo ra hệ điều hành mới có khả năng cạnh tranh với Android là một điều rất đáng mong chờ.

Có thể sản phẩm của hãng sẽ không phổ biến tại châu Âu hay Ấn Độ nhưng châu Phi mới là thị trường tiềm năng của Huawei, nơi họ đã để mắt đến từ cơ sở hạ tầng mạng đến lĩnh vực kinh doanh smartphone.

Theo nhận định của chuyên gia, các nước đang phát triển ở châu Phi và Tây Á là những quốc gia duy nhất nơi một hệ điều hành không phải Android hay iOS có thể tồn tại và phát triển. Điều mà nhiều người thấy thú vị là tiềm năng cho một giải pháp tích hợp công nghệ mạng 5G do Trung Quốc tạo ra, phần cứng và hệ điều hành trên smartphone cũng do Trung Quốc tạo ra.

Thế nhưmg, điều gì sẽ xảy ra nếu nhiều nước khác bắt kịp xu hướng công nghệ của Trung Quốc? Ấn Độ là một trong những thị trường công nghệ phát triển nhanh nhất nhưng quốc gia này liệu có muốn sử dụng giải pháp công nghệ trọn gói của Trung Quốc và để điều đó chiếm lĩnh thị trường nội địa không hay họ cũng muốn bắt đầu phát triển ngành dọc của mình?

Có một trò chơi "rủi ro" toàn cầu đang xảy ra xung quanh lĩnh vực công nghệ và các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách tân tiến sẽ cần phải hiểu rằng quyết định mà họ đưa ra hôm nay có thể ảnh hưởng sâu rộng tới tương lai.

Một trong những câu hỏi lớn mà các nước cần xem xét nghiêm túc là chính sách công nghệ của họ vì nó liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng xác thực ngoài những thông tin không chính thức rằng Huawei có thể là một mối rủi ro an ninh quốc gia.

Các quốc gia nước ngoài không thể xây dựng căn cứ quân sự theo ý muốn ở nước khác nhưng vì công nghệ có thể được coi là tiềm năng cho chiến tranh mạng nên nhiều chính phủ sẽ hình thành chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn khi IP và công nghệ cốt lõi xâm nhập vào đất nước của họ để đảm bảo an toàn. Nhìn chung, ngành công nghệ cần bắt đầu suy nghĩ và tính toán lâu dài về tất cả những kịch bản tiềm năng, cả tốt và xấu, có thể đến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM