Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ "ô nhiễm trắng"
Có khoảng 1,45 triệu tấn nhựa PE (một loại nhựa nhiệt dẻo) chứa trong những tấm màng phủ nông nghiệp được sử dụng rộng rãi trên 20 triệu ha đất trồng trọt ở Trung Quốc. Con số này tương đương một nửa diện tích bang California (Hoa Kỳ), theo Bloomberg.
Những tấm màng phủ bằng nhựa được sử dụng trên 12% đất nông nghiệp tại Trung Quốc và ngày càng phổ biến vì chúng giúp giữ độ ẩm, tăng nhiệt độ cho đất, hạn chế cỏ dại và sâu bệnh, do đó giúp làm tăng sản lượng cây trồng như bông, ngô và lúa mì. “Cách làm này có thể tăng sản lượng cho các cánh đồng lên khoảng 30%, giải quyết hiệu quả vấn đề lương thực và nhu cầu bông sợi cho quốc gia”, theo nhà nghiên cứu Yan Changrong thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh.
Theo tính toán của ông Yan, việc sử dụng loại vật liệu nhựa này trong sản xuất nông nghiệp có thể vượt quá 2 triệu tấn và trải rộng trên 22 triệu ha đất trồng vào năm 2024.
Vấn đề là những tấm màng phủ bằng nhựa này không phân hủy được và thường không được tái chế. Các độc tố có khả năng gây ung thư có thể bị thải từ chất nhựa vào trong đất (thường được gọi là “ô nhiễm trắng”) với mức độ hiện tại từ 60 – 300 kg/ha tại một số tỉnh ở Trung Quốc.
Mặc dù “ô nhiễm trắng” xảy ra trên toàn thế giới nhưng tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Quốc - nơi có khoảng 1/5 diện tích đất trồng trọt chứa độc tố vượt ra khỏi ngưỡng cho phép của quốc gia, theo ước tính hồi năm 2014 của chính phủ nước này.
Có giải pháp thay thế hoàn hảo?
Với ưu điểm cho phép cây trồng có thể phát triển tốt ngay cả ở môi trường khô hơn hoặc lạnh hơn mức thông thường -, gần như không có giải pháp thay thế nào hoàn hảo cho màng phủ nông nghiệp bằng nhựa. Nghĩa là nếu muốn tăng sản lượng cây trồng, từ đó tăng thu nhập, nông dân buộc phải tiếp tục sử dụng loại vật liệu này.
Tại tỉnh Tân Cương, Trung Quốc – nơi ước tính cung cấp 70% sản lượng bông cho cả nước, màng nhựa được sử dụng trên tất cả các cánh đồng bông. Chúng giúp giảm nhu cầu nước cho cây trồng từ 20 – 30%.
Để giải quyết mối lo ngại về an toàn thực phẩm khi chất lượng đất đai trồng trọt ngày càng suy giảm, hồi tháng 5 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã kêu gọi tái chế màng phủ nông nghiệp. Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc cũng đang soạn thảo luật đầu tiên về ô nhiễm đất đai.
Sẽ tái chế 80% màng phủ nông nghiệp
Chính phủ Trung Quốc đang xem xét tăng độ dày tối thiểu cho các tấm màng phủ này lên trên mức hiện tại là 0,0008mm nhằm đảm bảo tính chắc chắn và giúp chúng dễ được thu hồi hơn, đại diện Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc nói hồi tháng 5/2016. Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu trên phạm vi toàn quốc về vấn đề ô nhiễm đất trồng. Nghiên cứu được cho là sẽ được hoàn thành trước năm 2018.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, “ô nhiễm trắng” đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh Trung Quốc định hướng sản xuất nông nghiệp và bông sợi một cách bền vững. Chính phủ đề ra kế hoạch đến năm 2020, 80% màng phủ nông nghiệp sẽ được tái chế tại các tỉnh có sử dụng vật liệu này rộng rãi như Tân Cương, Nội Mông và Cam Túc. Hiện tại, tỷ lệ tái chế ở mức dưới 66%.
Chất nhựa tồn dư có thể phá hủy cấu trúc đất, ngăn chặn sự phát triển của cây trồng, từ đó làm giảm năng suất trồng trọt, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết. Trên thực tế, nhiều cánh đồng bông tại một số khu vực ở Tân Cương đang bị giảm năng suất vì ô nhiễm. “Sự xâm nhập của các hạt nhựa có thể gây tổn hại đến các quần thể sinh vật sống trong lòng đất, chẳng hạn như giun đất. Việc đốt vật liệu nhựa cũng gây ô nhiễm không khí”, Zhu Yong-Guan – người điều hành Viện Môi trường Đô thị, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc – cho biết.
Cần hỗ trợ, khuyến khích nông dân
“Cho đến nay, màng phủ nông nghiệp vẫn chưa cho thấy nguy cơ tiềm ẩn nào về an toàn thực phẩm, nhưng vẫn nên có các quy định cụ thể để kiểm soát những nguy cơ về ô nhiễm”, Zhu Yong-Guan nói hôm thứ Ba 5/9 vừa qua. Ông còn đề xuất dùng trợ cấp nông nghiệp để khuyến khích nông dân sử dụng các biện pháp thay thế thân thiện với môi trường.
Thực tế, việc tái chế màng phủ đã sử dụng từ các cánh đồng đòi hỏi một lượng nước và năng lượng lớn bởi vì việc loại bỏ chất bẩn ra khỏi những tấm màng siêu mỏng này rất khó. “Tại sao phải tái chế những tấm màng đã sử dụng, trong khi chi phí tái chế còn đắt hơn mua sản phẩm mới?”, Chen Lin – Chủ tịch Công ty Xinjiang Tianye (nhà sản xuất màng phủ nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc) đặt vấn đề. Ông cho biết thêm rằng, việc tái chế những tấm màng phủ này đắt hơn 10% so với việc sản xuất sản phẩm mới.
Các màng phủ có khả năng phân hủy là giải pháp tốt nhất, đại diện Công ty hóa chất lớn nhất thế giới BASF nhận định và cho biết Hãng đang thử nghiệm sử dụng vật liệu thay thế mang tính bền vững hơn - hợp chất Ecovio - ở Tân Cương từ năm 2012. Sản phẩm này bao gồm polymer có thể phân hủy và polylactic axit, có khả năng phân hủy thành nước, nhiên liệu sinh khối và cacbon dioxit.
Tuy nhiên, màng phủ bằng nhựa PE có mức giá chỉ bằng 1/4 màng phủ có thể phân hủy. Nếu không có chính sách khuyến khích từ phía chính phủ, nông dân Trung Quốc sẽ không mặn mà với việc sử dụng loại vật liệu khá đắt đỏ này, BASF cho biết.
Bên cạnh yếu tố đắt tiền hơn, các loại màng phủ phân hủy sinh học còn kém hấp dẫn hơn màng nhựa ở chỗ không duy trì nhiệt độ đất hiệu quả bằng, dẫn đến giảm năng suất cây trồng, nhà nghiên cứu Yan Changrong nói.
“Các loại màng phủ phân hủy sinh học có thể khả thi đối với một số khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể vẫn phải phụ thuộc vào màng phủ bằng nhựa để tăng sản lượng cây trồng”, Weng Yunxuan – Tổng thư ký Ủy ban Chất dẻo có thể phân hủy (thuộc Hiệp hội Công nghiệp Sản xuất chất dẻo Trung Quốc) nhận định.