Trung Quốc cấm đào Bitcoin vì cho rằng đây là hành vi lãng phí tài nguyên
Hôm thứ hai vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã đưa hoạt động đào tiền mã hóa vào danh sách 450 hoạt động gây lãng phí và độc hại cần phải bị xóa sổ.
Những thợ đào bitcoin ở Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với một sự mâu thuẫn. Ở quốc gia này, giao dịch tiền mã hóa là bất hợp pháp; phát hành tiền ảo lần đầu (ICO), được dùng để gọi vốn cho các dự án blockchain mới, bị cấm; và các ngân hàng Trung Quốc hầu như không muốn liên quan đến vấn đề này. Thế nhưng bằng cách nào đó, quốc gia này lại là trung tâm của hoạt động đào tiền mã hóa toàn cầu, là nơi có số lượng thiết bị điện toán dùng để đào bitcoin cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.
Và rồi chính phủ Trung Quốc quyết định sẽ ban hành lệnh cấm đào tiền mã hóa.
Hôm thứ hai vừa qua, Hôm thứ hai vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã đưa hoạt động đào tiền mã hóa vào danh sách 450 hoạt động gây lãng phí và độc hại cần phải bị xóa sổ. Đào tiền mã hóa là quá trình xác thực các giao dịch trên các mạng lưới blockchain, với phần thưởng là tiền mã hóa, và hoạt động này tạo ra một lượng rác thải điện tử cũng như tiêu thụ điện năng cực kỳ khủng khiếp. Lệnh cấm được đề xuất sẽ có hiệu lực sau khi quá trình trưng cầu ý dân kết thúc vào ngày 7/5 tới đây.
Theo Katherine Wu, một chuyên gia phân tích tiền mã hóa, một khi được ban hành, lệnh cấm này sẽ cần một khoảng thời gian mới có thể tạo ra những tác động đáng kể đến thị trường. Cô nhấn mạnh rằng lệnh cấm này khác với các chiến dịch triệt phá tiền mã hóa trước đó, vốn đi kèm với những hành động trực tiếp hơn. Ví dụ, vào năm 2017, chính phủ ra lệnh cho các sàn giao dịch nơi người ta mua và bán tiền mã hóa phải ngừng hoạt động. Ngược lại, mọi loại hình công nghiệp bị đưa vào danh sách các hoạt động gây lãng phí của ủy ban, vốn bắt đầu từ năm 2005 và được cập nhật vài năm một lần, thường tồn tại dai dẳng lâu hơn so với những vụ triệt phá ngay lập tức như trên. Một lãnh đạo có quan hệ mật thiết với các công ty đào tiền mã hóa Trung Quốc cho biết dù lệnh cấm được ban hành, nhưng giới "thợ mỏ" tin rằng sẽ mất nhiều năm chính phủ mới có thể kiểm soát hoàn toàn hoạt động của họ.
Dù vậy, động thái này vẫn báo hiệu những thay đổi đáng kể đối với hoạt động đào tiền mã hóa trên toàn cầu, bởi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc là rất lớn. Những công ty đào tiền mã hóa lớn nhất và rõ ràng nhất của Trung Quốc dường như đã biết trước việc các cơ quan chức năng thắt chặt quy trình quản lý, và đã vạch ra kế hoạch nhằm mở rộng hoạt động của họ ra toàn cầu. Các công ty này bao gồm Bitmain - nhà sản xuất chip đào tiền mã hóa chuyên dụng (ASIC) hàng đầu Trung Quốc, đồng thời cũng dùng luôn phần cứng do chính mình sản xuất ra để đào tiền mã hóa. Năm ngoái, công ty này đã công bố kế hoạch mở rộng sang Mỹ, với các cơ sở đào tiền mã hóa mới tại Washington, Tennessee và Texas. Nhưng thời gian qua, giá trị tiền mã hóa trồi sụt bất thường đã khiến những kế hoạch này rơi vào tình trạng cần tái cân nhắc. Hồi tháng 1, Bitmain công bố sa thải nhiều nhân viên và ngừng các kế hoạch mở rộng nhằm mở một cơ sở lớn mới tại một nhà máy luyện kim Alcoa bỏ hoang ở thị trấn Rockdale, Texas. Công ty này sau đó khôi phục lại hoạt động phát triển vào tháng 3.
Một số chuyên gia theo dõi Bitcoin, như Ben Kaiser, một nhà nghiên cứu tại Princeton, người từng nghiên cứu về các mối đe dọa mà tầm ảnh hưởng của các "thợ mỏ" Trung Quốc có thể gây ra đối với mạng lưới, nói rằng lệnh cấm Trung Quốc đào tiền mã hóa có thể là tin tốt đối với Bitcoin về lâu dài. Bắt đầu vào năm 2013, những địa điểm tại Trung Quốc như tỉnh Tứ Xuyên đã trở thành thánh địa đối với các công ty "đào mỏ" lớn, bởi tại đây giá điện thấp, và bởi các công ty này có thể dễ dàng tiếp cận những ASIC mới nhất vốn được sản xuất ngay trong nước. Việc đóng cửa các cơ sở lớn này, vốn hưởng lợi từ kinh tế quy mô, có thể giúp các "thợ mỏ" nhỏ hơn cạnh tranh - cả ở Trung Quốc, nơi các hoạt động nhỏ có thể tiếp tục diễn ra mà không bị phát hiện, và những nơi khác nữa.
Một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất chip như Bitmain có thể là việc mất đi những khách hàng đáng tin cậy tại Trung Quốc. Bitmain mới đây nhấn mạnh rằng các sản phẩm của họ còn nhiều tác dụng khác, như AI, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các "thợ mỏ" đào tiền mã hóa để thu lợi nhuận. Kaiser chỉ ra rằng điều đó tốt cho cả sân chơi nói chung, bởi các công ty Trung Quốc là những nhà sản xuất chi phối thị trường chip đào tiền mã hóa. "Tách biệt việc sử dụng với việc sản xuất sẽ giảm xung đột về lợi ích hay áp lực đối với các nhà sản xuất ASIC". Bitmain chưa phàn hồi về điều này.
Ngay cả bên ngoài Trung Quốc, các công ty đào tiền mã hóa cũng không tự do tự tại được, đặc biệt khi các chính quyền địa phương ngày càng để ý đến những tác động mà các cơ sở đào tiền mã hóa gây nên. Ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi các "thợ mỏ" thường tập trung lại để tận dụng lợi thế giá thủy điện rẻ mạt, giá điện cũng bắt đầu tăng cao. Tuần trước, Missoula, Montana, đã thông qua yêu cầu phải sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động đào tiền mã hóa, ngăn cản việc thiết lập các nhà máy phục vụ hoạt động đào tiền mã hóa tại hạt này.