Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì?

06/08/2019 17:28 PM | Xã hội

Theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV, Việt Nam cũng là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt do đã chạm hai ngưỡng là cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2%GDP.

Rạng sáng nay 6/8 theo giờ Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, sau khi đồng tiền của Trung Quốc hôm 5/8 đó được điều chỉnh vượt qua "làn ranh đỏ" 1 USD đổi 7 nhân dân tệ (CNY) lần đầu tiên trong vòng 11 năm.

Xoay quanh vấn đề này, có nhiều băn khoăn rằng vậy Trung Quốc bị gắn mác thao túng tiền tệ thì Việt Nam nên ứng xử thế nào, nhất là khi Việt Nam hồi cuối tháng 5 cũng nằm trong danh sách các nước mà Mỹ theo dõi? Chúng tôi xin đăng tải một báo cáo vừa công bố của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV với tiêu đề "Trung quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì" để quý độc giả cùng theo dõi.

Căng thẳng thương mại leo thang và Trung Quốc chính thức bị gắn mác là thao túng tiền tệ

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang sau tuyên bố trên Twitter ngày 1/8/2019 của Tổng thống D. Trump rằng Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD còn lại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9/2019 và mức thuế có thể tăng lên 25% sau này.

Từ đầu năm đến cuối tháng 4/2019 (trừ nửa đầu tháng 2), đồng CNY biến động với biên độ hẹp và tăng giá, chủ yếu phụ thuộc vào tình hình tài chính quốc tế, cũng như tình hình kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi có những động thái mới từ phía Mỹ về việc tăng thuế (trong tháng 5 và từ ngày 1/8), đồng CNY có xu hướng giảm giá nhanh. Tính từ đầu năm đến nay (6/8), đồng CNY mất giá 2,27% so với USD; riêng từ đầu tháng 8 đến nay, đồng CNY mất giá khoảng 2% so với USD. Ngày 5/8/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã thiết lập tỷ giá tham chiếu USD/CNY ở mức 6,9225 - là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2018. Ngay lập tức, trên thị trường tài chính quốc tế, tỷ giá USD/CNY đã vượt qua "làn ranh đỏ", phá mốc quan trọng 7 - lần đầu tiên kể từ giữa năm 2008.

Ngày 5/8 (giờ Mỹ), Tổng thống D. Trump đã tuyên bố hành động phá giá nhẹ của PBoC là "hành vi thao túng tiền tệ". Tiếp đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng chính thức cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố sẽ làm việc với IMF "để loại bỏ lợi thế cạnh tranh không lành mạnh do các hành động mới nhất của Trung Quốc tạo ra". Một số chuyên gia kinh tế thậm chí cho rằng PBoC đã chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng CNY xuống mốc 7 và chính thức "vũ khí hóa" tiền tệ nhằm giảm tác động từ trong cuộc chiến thương mại.

Thế nào là "thao túng tiền tệ"?

Thuật ngữ quốc gia "thao túng tiền tệ" được Bộ Tài chính Mỹ định nghĩa là một quốc gia cố ý điều chỉnh tỷ giá để tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế. Theo Bộ Tài chính Mỹ, thao túng tiền tệ có thể được thực hiện bằng cách Ngân hàng Trung ương (NHTW) một nước can thiệp một chiều (mua hoặc bán) liên tục trên thị trường ngoại hối; qua đó tác động lên tỷ giá (theo hướng khiến đồng nội tệ yếu đi) để thúc đẩy xuất khẩu, gây bất lợi ("không công bằng") đối với thương mại của Mỹ và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, việc làm của người dân Mỹ.

Theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 và Đạo luật Thuận lợi hóa và Thực thi Thương mại năm 2015, định kỳ bán niên (tháng 4 và tháng 10), Bộ Tài chính Mỹ phải công bố báo cáo về chính sách kinh tế và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Nếu bất kỳ đối tác thương mại nào có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và cán cân vãng lai thặng dư lớn, Mỹ sẽ tiến hành phân tích sâu có đối chiếu với các "ngưỡng" để xem xét quốc gia này có thao túng tiền tệ hay không. Nếu một quốc gia chạm tất cả các "ngưỡng", Mỹ sẽ gán mác thao túng tiền tệ.

Từ kỳ tháng 5/2019, Mỹ đã thay đổi một số tiêu chí khi xem xét một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không. Ở vòng kiểm duyệt đầu tiên, Mỹ sẽ xem xét các đối tác thương mại chính có tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương trên 40 tỷ USD (thay cho tiêu chí cũ là xem xét 12 đối tác thương mại lớn nhất). Ở vòng thứ hai, Mỹ vẫn đưa ra 3 tiêu chí (ngưỡng) đánh giá khả năng một quốc gia thao túng tiền tệ. Tiêu chí 1 (C1) vẫn áp dụng ngưỡng thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD; tiêu chí 2 (C2) điều chỉnh ngưỡng thặng dư cán cân thanh toán xuống 2% GDP từ mức 3% GDP trước đây; tiêu chí 3 (C3) qui định thời gian mua ngoại tệ ròng liên tục được điều chỉnh xuống 6/12 tháng thay vì 8/12 tháng trước đây.

 Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ, Việt Nam nên làm gì?  - Ảnh 1.

Trong lịch sử, Mỹ từng gắn mác thao túng tiền tệ đối với 3 quốc gia/vùng lãnh thổ là Nhật Bản (năm 1988), Đài Loan (Trung Quốc) (năm 1988 và 1992), Trung Quốc (năm 1992-1994). Từ năm 1994 đến nay, Mỹ không gắn mác thao túng tiền tệ đối với bất cứ quốc gia/vùng lãnh thổ nào, kể cả năm 2003 và 2004 khi có bằng chứng về sự thao túng của Trung Quốc và một nước khác.

Hệ lụy khi bị cáo buộc là thao túng tiền tệ  

Khi bị gắn mác thao túng tiền tệ để có được lợi thế thương mại không công bằng thì một số quy định của Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại năm 1988 sẽ được kích hoạt. Tuy nhiên, ngay cả khi bị "gắn mác" thao túng tiền tệ thì theo quy định vẫn sẽ có 1 năm để hai bên tiến hành trao đổi, thương lượng để giải quyết vấn đề. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ sẽ quyết định đàm phán song phương hoặc cùng IMF đàm phán với quốc gia có hành vi thao túng tiền tệ để quốc gia đó kịp thời điều chỉnh chính sách tỷ giá nhằm loại bỏ lợi thế thương mại không công bằng, gấy bất lợi cho nước kia.

Cơ chế thúc ép các quốc gia thay đổi chính sách tỷ giá của mình có thể bao gồm làm việc với IMF. Các Điều khoản Thỏa thuận của IMF nghiêm cấm thao túng tiền tệ nhằm mục đích đạt được lợi thế thương mại không công bằng, nhưng IMF không có cơ chế rõ ràng để ép buộc quốc gia đó chấm dứt hành động thao túng tiền tệ. Do đó, để giải quyết, cần sửa đổi Điều khoản Thỏa thuận của IMF để giao cho IMF nhiều thẩm quyền hơn trong việc yêu cầu các quốc gia tuân thủ các quy tắc đã đề ra. Tuy nhiên, việc thay đổi thỏa thuận của IMF cần có ít nhất 85% thành viên chấp thuận và sẽ rất mất thời gian.

Như vậy, có thể thấy, mặc dù bị gắn mác thao túng tiền tệ, song các bên vẫn có thời gian để thương lượng; trong trường hợp không được giải quyết, Mỹ sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn đối với nước đó, như áp mức thuế cao hơn, loại trừ khỏi các hợp đồng mua sắm của Chính phủ Mỹ…v.v.

Phản ứng của Trung Quốc

Hồi tháng 5/2019, Thống đốc PBoC khẳng định sẽ giữ đồng CNY ổn định ở mức "hợp lý và cân bằng" và tự tin về khả năng giữ ổn định giá trị đồng CNY.

Lý giải cho quyết định điều chỉnh tỷ giá ngày 5/8 vừa qua, PBoC cho rằng tỷ giá USD/CNY "thay đổi và được quyết định bởi thị trường" và Trung Quốc "sẽ không dùng tỷ giá đồng CNY để làm công cụ đối phó với những quấy rối từ nước ngoài, ví dụ như chiến tranh thương mại". PBoC cho rằng các chính sách bảo hộ thương mại leo thang là nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ giá USD/CNY tăng cao, đặt trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc vẫn "tốt" (tăng trưởng ở mức khá, cán cân thanh toán và dòng vốn vào ổn định).

Đồng thời, PBoC cũng nhấn mạnh đồng CNY lên giá thực trong 20 năm qua, và mốc 7 không phải là một thước đo của tỷ giá USD/CNY. PBoC cũng tái khẳng định sự tự tin vào khả năng kiểm soát cung - cầu và bình ổn tỷ giá với các công cụ và kinh nghiệm điều hành của mình. Trên thực tế, PBoC đã có bước can thiệp khi trong diễn biến mới nhất, sáng ngày 6/8, PBoC đã phát đi thông điệp sẽ hạn chế sự giảm giá của CNY như đặt tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng CNY ở mức cao hơn dự báo và công bố kế hoạch phát hành 30 tỷ CNY trái phiếu (khoảng 4,2 tỷ USD) tại thị trường Hong Kong vào ngày 14/8. Trước động thái này, đồng CNY đã hồi phục (giao dịch ở mức 7,035 lúc 15h ngày 6/8). Với đà này và nếu không có biến động quá bất thường, chúng tôi dự báo nhiều khả năng đồng CNY sẽ không giảm quá sâu, và tỷ giá USD/CNY ở mức 7,2-7,4 cuối năm 2019.

Việt Nam cần làm gì?

Hiện tại, Việt Nam không bị Mỹ "gắn mác" là nước thao túng tiền tệ (tại Báo cáo mới nhất tháng 5/2019 của Bộ Tài chính Mỹ) song đã bị đưa vào danh sách 21 nước thuộc diện theo dõi. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có khả năng khá cao bị chuyển sang nhóm các nước thao túng tiền tệ, nếu không có biện pháp phù hợp, quyết liệt do Việt Nam đã chạm hai ngưỡng (cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỷ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2%GDP), còn điều kiện thứ 3 là có can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối thông qua việc mua ròng ngoại tệ liên tục của NHNN cũng đã gần chạm ngưỡng (1,7% GDP so với ngưỡng 2% GDP). Đây là rủi ro đối với Việt Nam trong những lần rà soát tiếp theo của Bộ Tài chính Mỹ (mà gần nhất là tháng 9/2019).

Do đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cho rằng, Việt Nam cần làm tốt 3 việc quan trọng như sau:

-Thứ nhất, cần phối hợp tốt để trao đổi thông tin, giải trình, thể hiện thiện chí, thường xuyên trao đổi đối với Mỹ: theo đó, NHNN tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc giải trình các vấn đề liên quan tới chính sách tỷ giá, thương mại của Việt Nam phục vụ đợt rà soát vào tháng 9/2019; tránh bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ, gây bất lợi cho Việt Nam.

- Thứ hai, chính sách tỷ giá của Việt Nam cần tiếp tục theo hướng chủ động, linh hoạt, khéo léo, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối để không bị vi phạm ngưỡng thứ ba như nêu trên. Việt Nam cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý; cần thực hiện linh hoạt (có mua, có bán) và cần giải trình với Mỹ việc điều hành tỷ giá trong thời gian qua là phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.

Đặc biệt, Việt Nam cần hết sức bình tĩnh, không để bị cuốn vào dòng xoáy chiến tranh tiền tệ (nếu có) và không nên phá giá đồng tiền vì điều chỉnh tỷ giá liên quan đến nhiều mặt của nền kinh tế (không chỉ liên quan đến xuất khẩu, mà còn nhập khẩu, nợ ngước ngoài, áp lực lạm phát…v.v.) và có thể tăng rủi ro bị Mỹ gắn thao túng tiền tệ. Thay vào đó, Việt Nam cần kiên định chính sách tỷ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền.  

- Thứ ba, các cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để "lách thuế" từ Mỹ, bởi Việt Nam đã bị Tổng thống D.Trump cho là nước "lợi dụng chiến tranh thương mại tốt nhất" trong thời gian qua. Có thể thấy rõ thái độ cứng rắn của Mỹ về vấn đề thương mại và Mỹ không ngại sử dụng các biện pháp trừng phạt lên các quốc gia vi phạm. Trên thực tế, việc Mỹ quyết định tăng thuế đối với một số sản phẩm bị cáo buộc thay đổi xuất xứ để né thuế, như áp thuế mức 456,23% đối với một số loại thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng vật liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan là một điển hình.

Lời kết: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Trung Quốc bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ khiến rủi ro chính sách, rủi ro địa chính trị trở nên phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ngành Việt Nam cần theo dõi, bám sát diễn biến động thái của Chính phủ Mỹ để phối hợp, tăng khả năng giải trình thông tin, tránh bị đưa vào diện thao túng tiền tệ, gây bất lợi cho Việt Nam; đồng thời cần tiếp tục theo dõi sát sao biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, động thái của NHTW các nước; từ đó đưa ra các kịch bản và ứng xử phù hợp, kịp thời.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu

Theo Hằng Kim (ghi theo báo cáo của Nhóm tác giả)

Cùng chuyên mục
XEM