Đột nhập trang trại cày view của "nông dân" Mỹ, nơi hàng trăm chiếc smartphone kiếm tiền cho chủ nhân mua bỉm, mua bia...
Quy mô có lẽ không bằng mấy thanh niên cày view YouTube của Việt Nam.
Mỗi lần xem trailer trên Netflix, Joseph Cox được tích điểm kỹ thuật số và có thể dùng chúng để đổi lấy thẻ giảm giá trên Amazon hoặc quy đổi ra tiền mặt. Nhưng thay vì sử dụng một chiếc smartphone, Cox mua 4 thiết bị Android rẻ tiền để xem các trailer cùng lúc và kiếm được nhiều điểm hơn. Netflix nghĩ Joseph Cox là 4 người khác nhau.
Cox đã tạo ra một trang trại cày view cỡ nhỏ để kiếm tiền bằng cách tham gia chương trình xem quảng cáo và trailer phim/game từ các ứng dụng và công ty như Netflix. Thực tế chẳng ai ngồi xem những video đó và Netflix không hề biết điều này. Mục tiêu là thiết lập những chiếc smartphone này chạy liên tục 24/7, đảo qua những quảng cáo, trailer để mang về điểm thưởng trên mỗi video mà chúng "đã xem".
Cox chỉ là một kẻ mới vào nghề trong khi rất nhiều người khác tại Mỹ đã theo đuổi công việc này từ rất lâu. Một số người coi đây là giải pháp kiếm tiền trang trải cho cho các món đồ gia dụng, mua bia hoặc tăng thu nhập mà không cần lái xe cho Uber hay đi giao hàng.
Trên thế giới, đặc biệt là tại Trung Quốc, có rất nhiều trang trại cày view mọc lên với quy mô lớn. Nhưng người Mỹ chỉ làm điều này với quy mô nhỏ.
Chia sẻ với Motherboard qua điện thoại, Joseph D'Alesandro, 20 tuổi, kể rằng anh kiếm được gần 2.000 USD mỗi tháng từ trang trại cày view của mình. Năm lớp 8 hoặc lớp 9, D'Alesandro đã tìm thấy một trong những ứng dụng phổ biến với các "nông dân" cày view và bắt đầu sử dụng nó trên smartphone của mình. Dần dần trong vài năm, anh đã xây dựng lên trang trại của mình với nhiều smartphone hơn.
Những người khác cho biết họ đã kiếm được hàng trăm USD mỗi tháng từ việc cày view. Một người có biệt danh Goat_City chia sẻ anh kiếm được từ 700 tới 800 USD/1 tháng trong những tháng gần đây. Một "nông dân" khác có biệt danh CallMeDonCheadle cho biết thu nhập của anh là khoảng 7 USD/1 ngày.
Khoản thu nhập của các "nông dân" cày view tại Mỹ rất khác nhau. Aaron, một "nông dân" khác, chia sẻ rằng anh chỉ kiếm được từ 50 tới 100 USD/1 tháng với 20 chiếc smartphone của mình. Tuy nhiên, với một số người khoản thu nhập dù nhỏ nhất từ trang trại cày view cũng giúp đỡ họ rất nhiều.
"Nông dân" có biệt danh PhenOm20 kể rằng anh bắt đầu "canh tác" trang trại cày view sau khi gặp tai nạn và tạm thời không thể đi lại được. Do không thể đi làm, PhenOm20 cũng mất đi khoản thu nhập cố định của mình. Vì thế, cày view giúp anh mua sắm những vật dụng thiết yếu và thực phẩm để duy trì cuộc sống. Một "nông dân" khác nói rằng trang trại nhỏ của anh đã giúp anh trang trải tiền mua bỉm sữa cho con.
"Tôi thích làm việc này hơn là lái taxi hoặc giao đồ ăn để kiếm tiền", một "nông dân" có tên Tommy viết. "Đây là công việc phụ nhưng có thể làm tại nhà. Thông thường tôi có thể vừa làm việc với trang trại của mình vừa chơi với vợ con hoặc xem TV".
Thông thường, các "nông dân" cày view hay mua những mẫu smartphone cũ với giá rẻ và đặt chúng lên những chiếc kệ hoặc giá treo. Những chiếc smartphone này sẽ cắm sạc 24/7 và liên tục đảo qua đảo lại video quảng cáo, trailer phim/game để kiếm điểm cho người dùng. Các ứng dụng phổ biến được "nông dân" Mỹ ưa chuộng cho việc "canh tác" là Perk, CashMagnet và Supervank.