Trong lúc Washington ra sức chiến đấu, Matxcơva lại mở cửa chào đón Huawei
Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao chẳng khác nào một sự “chế nhạo” công khai đối với Washington - theo tờ 24 heures.
Trong khi Mỹ cấm các sản phẩm của Huawei , cáo buộc công ty là gián điệp và yêu cầu các đồng minh thực hiện chính sách tương tự, thì Matxcơva “lại trải thảm đỏ đón nhà sản xuất thiết bị kỹ thuật số Trung Quốc” – tờ 24 heures viết.
Theo thông tin của tờ báo Thụy Sĩ, trong tháng này, Huawei cùng với nhà mạng MTS của Nga đã thiết lập khu thử nghiệm công nghệ 5G đầu tiên tại Matxcơva. Điều đáng chú ý là thỏa thuận phát triển mạng di động thế hệ thứ năm ở Nga giữa Huawei và tập đoàn viễn thông MTS hoàn toàn trùng khớp với chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga để dự Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg.
Do đó, nó chẳng khác nào một “sự chế nhạo trực tiếp dành cho Washington”, nơi không hề che giấu sự mâu thuẫn của mình với công ty Trung Quốc - 24 heures viết.
Theo tờ báo này, đối với người Nga – những người tích cực sử dụng mạng internet di động, thì công nghệ 5G với băng thông cao thực sự là một thứ hữu dụng. Ngoài ra, mạng di động thế hệ thứ năm còn có thể được ứng dụng trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như, khi được thiết lập trên các phương tiện giao thông, nó có thể giúp ích rất nhiều trong công cuộc “chống ùn tắc giao thông ở Matxcơva” - tờ 24 heures cho biết.
Người đứng đầu Cục Công nghệ thông tin Matxcơva, ông Eduard Lysenko cho biết, trong một vài năm tới, công nghệ này sẽ trở thành một phần trong cơ sở hạ tầng cơ bản và sẽ mang lại sự thoải mái, thuận tiện cho cuộc sống của người dân.
Tờ báo Thụy Sĩ khẳng định đây mới chỉ là khởi đầu. Nga – quốc gia thường đóng vai trò “tiên phong” trong lĩnh vực công nghệ mới so với các nước phương Tây - dự định sẽ thiết lập mạng 5G công cộng ở tất cả các thành phố lớn của nước này vào năm 2024.
Theo nguồn tin của tờ 24 heures, trong số các công ty tiếp cận với các nhà phát triển mạng 5G tại Nga, Huawei là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực phát minh công nghệ di động “với trung tâm nghiên cứu thử nghiệm lớn nhất trong số tất cả các nhà sản xuất thiết bị số”.
Theo tờ Vedomosti của Nga, có khoảng 400 nhân viên của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển tại Matxcơva, cùng 150 nhân viên ở St. Petersburg. Đến cuối năm nay, Huawei dự định sẽ tuyển thêm 500 người làm việc ở Nga, đồng thời, số lượng nhân viên sẽ tăng lên hàng nghìn người mỗi năm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia độc lập, Matxcơva lựa chọn công ty Trung Quốc để phát triển mạng di động thế hệ thứ năm là vì lý do kinh tế, và còn quá sớm để nói về sự thống trị của Huawei tại thị trường Nga. Theo họ, các nhà mạng Nga đang hợp tác trong lĩnh vực 5G với nhiều nhà sản xuất khác nhau, và không có ai trong số đó là vượt trội hơn cả.
Cách tiếp cận này cho phép các công ty Nga tránh bị phụ thuộc hoàn toàn vào một nhà cung cấp nào đó, đồng thời đảm bảo có được sự phòng vệ đáng tin cậy trước các mối đe dọa không gian mạng – bà Michela Landoni, nhà phân tích của công ty Fitch Solutions, giải thích.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại và công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc, khi mà Mỹ đe dọa sẽ tước quyền truy cập của Huawei vào các phần mềm của Mỹ như hệ điều hành Android, thì Nga đã sớm đề xuất cung cấp hệ điều hành Aurora cho Trung Quốc.
Theo bà Landoni, ngay cả khi Android vẫn là lựa chọn ưa thích của Huawei, Aurora có thể sẽ là một giải pháp tạm thời, đồng thời là “bàn đạp” để người Trung Quốc tạo ra hệ điều hành của riêng mình. Theo ông Sylvain Chevallier, nhân viên công ty Bearpoint, xuất hiện một nhiệm vụ địa chính trị ở đây là “thiết lập một mặt trận kinh tế thống nhất để đối phó với Mỹ”.
“Việc họ đưa ra một sáng kiến trong lĩnh vực hệ điều hành thực sự là một mối đe dọa địa chính trị. Điều này có nghĩa là: chúng ta sẽ đảm bảo sự tự chủ của mình trước sự độc quyền của Mỹ trong việc phát triển hệ điều hành cho điện thoại thông minh trên toàn thế giới” – bà Michela Landoni nhấn mạnh.
Những lo lắng của Washington liên quan đến vấn đề gián điệp lại không làm Matxcơva cảm thấy quan ngại. Theo ông Evgeni Khorov, người đứng đầu Phòng nghiên cứu hệ thống viễn thông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, việc phải sử dụng thiết bị được sản xuất ở một quốc gia khác thực sự có thể có thể dẫn tới rủi ro bị cho chính phủ nước đó truy cập dữ liệu nếu việc truyền tải không được bảo vệ, nhưng đối với Nga không có sự khác biệt lớn giữa Trung Quốc và các công ty phương Tây.
“Nhiều người sử dụng điện thoại với hệ điều hành Android, một hệ thống được phát triển bởi Google. Vậy điều đó có nghĩa là Google có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu? Tất nhiên rồi. Vậy thì sự khác biệt giữa Google và Huawei trong trường hợp này là gì?” – chuyên gia đặt câu hỏi.