Trong khi đội tuyển sắp gặp Việt Nam, nền kinh tế UAE lại đang đối mặt cuộc khủng hoảng lớn
Chính bản thân người dân UAE cũng cảm thấy dần áp lực hơn với cuộc sống dù vẫn đang hưởng thụ nhiều lợi ích từ trợ cấp công. Báo cáo của Yallacompare Consumer Confidence cho thấy 41,2% người UAE không tự tin về tính hình tài chính năm nay so với năm trước.
Vốn là một quốc gia nổi tiếng về dầu khí và là nền kinh tế lớn thứ 2 ở Trung Đông sau Ả Rập Xê Út nhưng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) lại đang gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do giá dầu giảm cũng như sự giảm tốc của ngành du lịch đang khiến UAE phải tìm con đường mới để phát triển.
Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá kinh tế UAE đang gặp khá nhiều khó khăn do bất ổn chính trị, qua đó ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư cho những lĩnh vực quan trọng như bất động sản, du lịch, ngân hàng...
Một trong những dấu hiệu rõ nhất của những bất ổn là UAE bắt đầu áp ngày càng nhiều thuế quan lên cuộc sống của người dân. Vào tháng 8/2019, UAE đã quyết định áp thuế 100% lên các sản phẩm thuốc lá điện tử và nước ngọt, áp dụng từ đầu năm 2020.
Mới đây, nghiên cứu của hãng tư vấn kinh tế Mỹ Recano cho thấy mức GDP bình quân đầu người thực tế của UAE đã giảm 3,5% xuống chỉ còn 67.000 USD/năm. Lý do chính là do lạm phát tăng cao, chi phí thuế cùng hành chính công ngày một đi lên khiến sức mua của người dân giảm xuống, qua đó ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung.
Cũng theo Recano, tiểu bang Dubai thuộc UAE là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi khi thị trường này phụ thuộc khá lớn vào mảng du lịch vốn rất nhạy cảm với tình hình lạm phát và bất ổn chính trị.
Tồi tệ hơn, số liệu của thị trường lao động cho thấy UAE đang chịu thiệt hại nặng bởi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Trong giới trẻ độ tuổi 19-25, khoảng 25% thanh thiếu niên đang không có việc làm ở UAE.
Hiện khá nhiều chuyên gia và giới truyền thông chỉ trích chính phủ đổ quá nhiều tiền, lên đến hàng tỷ USD/tháng cho các cuộc chiến ở Yemen, Ai Cập, Lybia, Nam Phi, Morocco hay thậm chí là tại Đông Âu. Chính điều này đã làm lãng phí tài nguyên và tạo nên những bất ổn kinh tế khi giá dầu giảm và du lịch tăng trưởng chậm lại.
Chính bản thân người dân UAE cũng cảm thấy dần áp lực hơn với cuộc sống dù vẫn đang hưởng thụ nhiều lợi ích từ trợ cấp công. Báo cáo của Yallacompare Consumer Confidence cho thấy 41,2% người UAE không tự tin về tính hình tài chính năm nay so với năm trước.
Khoảng 13,9% số người dân được hỏi cho biết họ đang gặp khó khăn để trả nợ do chi phí cuộc sống tăng cao. Tệ hơn, khoảng 52,2% số người được hỏi cho biết họ đã phải cắt giảm chi tiêu do động thái tăng thuế của chính phủ.
Ngoài ra, Yallacompare cũng cho thấy khoảng 22,8% số người UAE cho biết muốn rời bỏ quê hương do cuộc sống ngày càng khó khăn.
Một cuộc khủng hoảng được báo trước?
Theo tờ Financial Times, bất chấp cuộc khủng hoảng dầu mot 2014 đã qua 4 năm nhưng ngành ngân hàng của UAE vẫn chưa thể gượng dậy hoàn toàn. Báo cáo của Moody cho thấy dù lợi nhuận của 4 ngân hàng lớn nhất UAE tăng 16% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình tương lai của ngành lại khá ảm đạm.
"Lãi suất thấp đang có tác động tiêu cực đến ngành ngân hàng bởi chúng sẽ làm giảm sút doanh thu", Chủ tịch Abdul Aziz al Ghurair của Hiệp hội ngân hàng UAE lo lắng nói.
Đồng quan điểm, Giám đốc Redmond Ramsdlae của Fitch chi nhánh Trung Đông cũng cho rằng việc tài sản của UAE bị suy giảm mức tín nhiệm đang tạo áp lực to lớn đến lợi nhuận của ngành ngân hàng, nhất là với những tổ chức tài chính nhỏ.
Theo đó, giá tài sản, bất động sản... của UAE đã bắt đầu giảm từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 2014, khiến hàng loạt dự án bị trì hoãn. Hệ quả là các khoản nợ bị tái cấu trúc do thời gian kéo dài, gây nên áp lực cực lớn cho ngành tài chính ngân hàng.
Chủ tịch Ghurair cho biết hiện nhiều ngân hàng địa phương đã chuẩn bị tâm lý cho sự giảm tốc kinh tế khi bắt đầu thay đổi chiến lược tiếp cận khách hàng cũng như chính sách cho vay.
Trong khi đó, hãng Euler Hermes cho biết hơn 80% thành viên của Hội đồng doanh nghiệp vùng Vịnh (GCC) đã nhận được thông báo quá hạn thanh toán nợ, cho thấy khả năng thanh khoản tại đây đang xuống cực thấp.
Doanh nghiệp đói vốn là vậy nhưng do bất ổn chính trị, các ngân hàng lại siết chặt quy định cho vay nhằm đối phó khả năng giảm tốc kinh tế, qua đó tạo nên thách thức lớn cho thị trường.
"Nền kinh tế UAE khá kiên cường, nhưng liệu họ có vượt qua được cuộc khủng hoảng dự báo vào năm 2020 hay không thì còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu", Giám đốc Jean Claus của Euler Hermes chi nhánh Dubai nhận định.