Trong khi cả thế giới muốn đến Nhật Bản ngắm hoa thì người dân nước này lại khốn khổ vì dị ứng phấn hoa, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD mỗi năm

07/05/2018 09:51 AM | Xã hội

Số liệu của Anterio cho thấy doanh số các dòng thuốc chống dị ứng tại Nhật Bản đã đạt mức kỷ lục 20 tỷ Yên (184 tỷ USD) vào tháng 3/2018, mức cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Mùa xuân tại Nhật Bản đang thu hút hàng triệu khách du lịch trên thế giới đến với đất nước xinh đẹp này. Tuy nhiên, dù mùa hoa nở rộ khiến ngành dịch vụ cùng nhiều mảng kinh doanh khác ở đây phát triển, nhưng chúng cũng khiến lượng lớn người dân nước này bị ốm do dị ứng phấn hoa.

Số liệu của Viện Dai Ichi Life Research Institute cho thấy Nhật Bản sẽ mất khoảng 200 tỷ Yên (1,8 tỷ USD) trong năm nay do nhiều người bị dị ứng phấn hoa.

Những tác động từ việc dị ứng phấn hoa là rất đa dạng. Ngoài việc khiến người dân tốn tiền chữa bệnh, chúng cũng làm giảm chi tiêu do người dân hạn chế ra đường. Những nhân viên lao động sẽ phải tốn nhiều thời gian nghỉ phép hơn, hoặc năng suất giảm do không chịu được phấn hoa.

Năm 2018 được dự đoán là năm tồi tệ với sức khỏe người dân Nhật khi nhiều cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ người dị ứng phấn hoa ở nhiều nơi đã tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Tại thủ đô Tokyo, số người dị ứng phấn hoa đã tăng mạnh từ 1/3 dân cư bản địa năm 2008 lên mức 50% số dân thủ đô bị dị ứng.

Trong khi cả thế giới muốn đến Nhật Bản ngắm hoa thì người dân nước này lại khốn khổ vì dị ứng phấn hoa, thiệt hại kinh tế hàng tỷ USD mỗi năm - Ảnh 1.

Rất không may, việc Nhật Bản duy trì môi trường xanh khiến lượng cây trồng tại đây khá lớn và mùa xuân là mùa hoa đua nở. Chính quyền Tokyo đã phải chi tiêu 7 triệu USD mỗi năm nhằm cố gắng đốn hạ những cây có hoa dễ gây dị ứng và thay thế bằng những loài lành tính hơn nhưng tình hình không khả quan mấy.

Kể từ năm 2006, Nhật Bản đã thay thế 60 ha cây trồng mỗi năm bằng những loài hoa ít gây dị ứng nhưng với tốc độ phát triển của cây xanh mỗi năm, động thái này không thay đổi được gì nhiều, nhất là tại những nơi như Tokyo với khoảng 30.000 ha cây xanh bao phủ.

Theo bà Mamoru Ishigaki, chuyên viên chịu trách nhiệm cây xanh tại thủ đô Tokyo, để có thể hoàn tất kế hoạch này thì Nhật Bản cần khoảng 100 - 200 năm để hoàn thành cũng như hàng tỷ USD tiền ngân sách và tốc độ hiện nay là quá chậm.

Dẫu vậy, những công ty dược lại làm nên ăn ra khi nhu cầu mặt nạ y tế cùng thuốc chống dị ứng tăng đột biến ở Nhật vào mùa hoa nở. Số liệu của Anterio cho thấy doanh số các dòng thuốc chống dị ứng đã đạt mức kỷ lục 20 tỷ Yên (184 tỷ USD) vào tháng 3/2018, mức cao nhất trong 10 năm qua và cao hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

BT

Cùng chuyên mục
XEM